Châu Á đối mặt với thách thức tái thiết sau thiên tai

24/10/2024 - 03:56 PM
Trải qua năm 2023 với nhiều thương vong về người và thiệt hại về của do những trận lũ lụt, bão gây ra, năm 2024, châu Á tiếp tục phải chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những đợt thiên tai nghiêm trọng như hạn hán, nắng nóng hay lũ lụt và bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người và nền kinh tế các quốc gia.
 
Châu Á điêu đứng trước sự tàn phá của thiên nhiên
 
Theo ghi nhận của Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ trung bình không khí và mặt biển toàn cầu trong tháng Tư vừa qua ở mức cao kỷ lục. Theo đó, nhiệt độ đo tháng 4/2024 cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900); và cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt độ trung bình của tháng Tư trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020. Điều này đánh dấu 11 tháng liên tiếp nhiệt độ toàn cầu tăng cao lên mức chưa từng thấy. 
 
Các quốc gia tại khu vực châu Á từ Ấn Độ đến Việt Nam đều phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, cùng với đó là các loại thiên tai như lũ lụt, bão… đều đang ngày càng trở nên dữ dội hơn. Các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thuộc nhóm World Weather Attribution phân tích, nắng nóng với nhiệt độ trên 40 độ C trong tháng Tư năm nay đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên khắp châu Á. Tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có các quốc gia Myanmar, Lào, Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày có nhiệt độ cao nhất trong tháng Tư. Đặc biệt, sự gia tăng các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn cuộc sống khó khăn của những người nghèo đói trên khắp châu Á và 1,7 triệu người Palestine phải di dời ở Gaza.
 
Châu Á đối mặt với thách thức tái thiết sau thiên tai
Nắng nóng với nhiệt độ trên 40 độ C trong tháng Tư năm nay đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người
trên khắp châu Á

Sau những tháng mùa hè nắng nóng lịch sử, châu Á bước vào mùa mưa lũ năm 2024 với hàng loạt thiệt hại. Chỉ từ cuối tháng Tám đến nay, các nước châu Á liên tiếp hứng chịu hai siêu bão có sức tàn phá nặng nề.
 
Tháng 8/2024, Thái Lan dưới tác động của những cơn mưa lớn đã nhấn chìm bờ biển phía Nam và các khu vực phía Bắc đất nước, trong đó, thành phố Chiang Rai trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất 70 năm qua. Trong khi đó, vùng Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh cũng phải sơ tán hàng chục nghìn người dân bị mắc kẹt ở hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, sau khi mưa lớn liên tục khiến mực nước các con sông ở cả hai bên biên giới dâng cao.
 
Cũng trong tháng 8/2024, hai cơn bão Maria và Shanshan tiến vào đất liền Nhật Bản mang theo lượng mưa kỷ lục và gió lớn, làm gián đoạn giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ các tỉnh phía Đông Bắc và Tây Nam.
 
Đặc biệt, tháng 9/2024 vừa qua, bão Yagi - cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á trong năm nay, đã tàn phá nặng nề nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan... với những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt hơn.
 
Philippines là quốc gia đầu tiên bị bão nhiệt đới Yagi quét qua, gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực, khiến 538.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, hàng trăm người bị thương, thiệt mạng và mất tích (theo báo cáo của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thảm họa Quốc gia Philippines); nhiều công trình, ngôi nhà bị sập hoặc hư hại. Ước tính ban đầu, quốc gia này thiệt hại về cơ sở hạ tầng là hơn 223 triệu peso (khoảng 4 triệu USD, trong đó tổn thất trong lĩnh vực nông nghiệp là 4,3 triệu peso (77.000 USD).
 
Sau khi rời Philippines, bão Yagi đã tăng cường độ, đổ bộ vào Trung Quốc. Các nhà chức trách nước này đánh giá, đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ Trung Quốc trong vòng 75 năm qua, gây mưa lớn, dẫn đến tình trạng lũ lụt và lở đất ở Hong Kong và các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Sự tàn phá và tác động của cơn bão Yagi vượt xa sức tưởng tượng của các nhà lãnh đạo địa phương, nó nhấn chìm nhiều công trình, làm hư hại đường sá, tắc nghẽn giao thông, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho các tỉnh. Tại Hải Nam - nơi được mệnh danh là "Hawaii của Trung Quốc" vốn thu hút lượng lớn du khách cũng bị tê liệt mọi hoạt động du lịch, vui chơi giải trí. Các đại lý du lịch tuyên bố tạm dừng mọi tour đến hòn đảo này. Các khu thiên đường mua sắm miễn thuế nổi tiếng của hòn đảo đều đóng cửa. Trung Quốc ước tính sơ bộ tổn thất về kinh tế rất lớn, lên tới gần 80 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 11,2 tỷ USD). Ngay sau siêu bão Yagi, Trung Quốc lại tiếp tục phải chống chọi với bão Bebinca. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải và các tỉnh lân cận kể từ năm 1949, gây tê liệt các hoạt động vận tải hành khách và nhiều hoạt động kinh tế các địa phương nước này.
 
Tăng sức mạnh thành siêu bão khi tiến vào Việt Nam, bão Yagi (cơn bão số 3) cùng hoàn lưu sau bão ảnh hưởng rộng khắp 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ. Mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi (ngày 28/9) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão lũ làm trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng và tốc mái cùng hàng trăm nghìn lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; cuốn trôi lượng lớn gia súc, gia cầm. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu do bão số 3 Yagi gây ra cho Việt Nam lên tới 81.500 tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP ước cả năm 2024 có thể giảm 0,15 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (đạt 6,8-7%), trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33 điểm phần trăm, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05 điểm phần trăm và dịch vụ giảm 0,22 điểm phần trăm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5 điểm phần trăm. Các chuyên gia còn nhận định, những thiệt hại về cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái… cần khoảng thời gian từ một năm tới nhiều năm mới có thể khôi phục lại được.
 
Sau càn quét ở Việt Nam, bão Yagi tiếp tục tiến vào Thái Lan, gây mưa lớn, lũ lụt và sạt lở ở miền Bắc và miền Trung nước này, bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Rai, Chiang Mai, Phangnga, Phuket... và thủ đô Bangkok. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đánh giá, đợt lũ lụt do tàn dư của bão Yagi là nghiêm trọng nhất trong 80 năm qua, gây thiệt hại nặng nề khoảng 811 triệu USD đối với nền kinh tế. 60 đơn vị sản xuất là thành viên Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan ở tỉnh Chiang Rai đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt - bao gồm thiệt hại về nhà xưởng, máy móc, ô tô và thiết bị văn phòng. Mưa lớn do bão cũng đã tàn phá các khu vực nông nghiệp và vườn cây ăn trái ở miền Bắc Thái Lan.
 
Bão Yagi cũng ảnh hưởng nặng nề tại Lào, Myanmar trong tháng Chín vừa qua, khiến một số địa phương ở các nước này phải trải qua trận lụt nghiêm trọng do những trận mưa lớn hoàn lưu của bão, làm ngập lụt cơ sở hạ tầng địa phương, nhiều ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy, buộc hàng nghìn cư dân phải tìm nơi trú ẩn trên mái nhà.
 
Châu Á đối mặt với thách thức tái thiết sau thiên tai 1
Tháng 9/2024, bão Yagi đã tàn phá nặng nề nhiều quốc gia gây những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế
cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ở châu Á

 
Cùng nỗ lực vì một tương lai bền vững
 
Trước hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra, tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ thị cho các quan chức địa phương rà soát thiệt hại do cơn bão Yagi, cứu trợ thiên tai, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại và đưa ra các biện pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục cuộc sống bình thường
 
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát sau cơn bão số 3. Chính phủ đồng thời hỗ trợ 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho 4 địa phương (Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ) để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão và ổn định đời sống người dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, 32/40 ngân hàng đã đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.
 
Chính phủ các nước Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan cũng đều thực hiện các giải pháp, chính sách để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân quay trở lại bình thường.
 
Việc dồn lực để cứu trợ thiên tai, khắc phục thiệt hại và tái thiết hạ tầng, phục hồi kinh tế sau bão đã khiến các quốc gia mất một nguồn lực tài chính đáng kể trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế theo kế hoạch.
 
Châu Á và Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và cũng là khu vực chịu ảnh hưởng từ thiên tai và các rủi ro khí hậu khác nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Thiệt hại nặng nề về người và kinh tế do bão Yagi gây ra cho các nước châu Á như thêm một lời cảnh báo cho các quốc gia về sự biến đổi khí hậu.
 
Trong quá trình theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, các quốc gia châu Á đã có những bước đi đáng kể để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu như: Xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu; Phát hành trái phiếu Hồi giáo để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường thông qua chương trình "sukuk xanh"; Tăng cường liên kết trong khối ASEAN về chống biến đổi khí hậu; Xây dựng các công cụ tài chính, bao gồm trợ cấp và ưu đãi thuế, để thúc đẩy áp dụng các công nghệ năng lượng mới và tái tạo; Tham gia tích cực với các ngân hàng phát triển đa phương thông qua các sáng kiến Cơ chế chuyển đổi năng lượng và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm mở rộng quy mô đầu tư năng lượng tái tạo; Nỗ lực hài hòa các tiêu chuẩn tài chính bền vững…
 
Tuy nhiên, trước sự phẫn nộ của thiên nhiên, các quốc gia cần quan tâm nhiều hơn, hỗ trợ lẫn nhau và dành nguồn lực đúng mức cho giảm phát thải nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, để cùng nhau vượt qua những trở ngại trong nỗ lực phát triển kinh tế vì một tương lai bền vững./.
 
Quang Vinh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top