Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao, đạt 54,7 trong tháng 7/2024. Trong đó có 3 điểm nổi bật: Sản lượng tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2011; hoạt động mua hàng và việc làm tăng và tồn kho hàng thành phẩm giảm gần bằng mức kỷ lục.
Sản lượng và số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng mạnh
Báo cáo của S&P Global ghi nhận mức tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng Sáu tiếp tục được duy trì trong tháng Bảy. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng đã nhanh gần bằng mức cao kỷ lục. Đáng chú ý, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đến mức các công ty đã sử dụng hàng tồn kho thành phẩm với một trong những mức độ cao nhất từng được ghi nhận, bất kể những nỗ lực tăng việc làm và hoạt động mua hàng hóa đầu vào.
Trong khi đó, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tiếp tục tăng đáng kể, và lạm phát đã dịu lại một chút so với tháng Sáu.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 54,7 trong tháng Bảy cho thấy các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể. Sự cải thiện đáng kể được ghi nhận ở tất các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Bảy, và tốc độ tăng chỉ chậm hơn một chút so với mức gần kỷ lục của tháng Sáu. Những nơi có số lượng đơn đặt hàng mới tăng là do nhu cầu thị trường mạnh hơn và số lượng khách hàng tăng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, mặc dù với mức độ yếu hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Một số công ty cho biết nhu cầu hàng xuất khẩu đã bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển cao.
Trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, các nhà sản xuất đã tăng mạnh sản lượng trong tháng Bảy. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng đã nhanh hơn so với tháng Sáu và là mức nhanh thứ hai được ghi nhận, chỉ sau mức của tháng đầu tiên thu thập dữ liệu là tháng 3/2011.
Niềm tin kinh doanh được củng cố
Mặc dù sản lượng tăng mạnh, các công ty vẫn cần sử dụng hàng tồn kho hiện có để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Trên thực tế, hàng tồn kho thành phẩm đã giảm xuống mức thấp thứ hai từng được ghi nhận, chỉ đứng sau mức của tháng 2/2014.
Các công ty đã cố tăng công suất bằng việc tăng cả hoạt động mua hàng và việc làm vào đầu quý III. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng đáng kể và tốc độ tăng là nhanh nhất kể từ tháng 5/2022. Mặt khác, số lượng nhân viên lại chỉ tăng nhẹ và tốc độ tăng là chậm hơn so với tháng Sáu. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Các nhà sản xuất đã dễ dàng hơn trong việc mua nguyên vật liệu khi thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức độ cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ với một số báo cáo cho biết vẫn còn tình trạng chậm chễ trong khâu vận tải biển. Tồn kho hàng mua đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp, và tốc độ giảm là mạnh và là nhanh nhất kể từ tháng Tư.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng Bảy, với tốc độ tăng giá chỉ yếu hơn một chút so với mức cao nhất trong hai năm được ghi nhận vào tháng Sáu. Các nhà cung cấp được cho là đã tăng giá bán hàng, trong khi chi phí vận tải tăng cũng là một nhân tố.
Chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Bảy. Tốc độ tăng là mạnh, mặc dù là chậm hơn so với kỳ khảo sát trước.
Những kỳ vọng về việc số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong năm tới đã củng cố niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng. Khoảng 40% số người trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan, nhưng tâm lý kinh doanh đã giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng Một và là mức yếu hơn trung bình của lịch sử chỉ số.
Bình luận chỉ số PMI tháng Bảy của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng Sáu sang tháng Bảy làm tăng thêm sự lạc quan rằng chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.
Vấn đề chính đối với các công ty hiện nay là theo kịp nhu cầu. Trong khi sản xuất được đẩy mạnh, các công ty vẫn buộc phải sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các yêu cầu đặt hàng mới, từ đó khiến hàng tồn kho giảm với mức mạnh nhất từng được ghi nhận. Các nhà sản xuất sẽ cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn và tiếp tục đảm bảo mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong những tháng tới./.
PV