Chiến lược phát triển ngành Thủy sản trong tầm nhìn mới

24/03/2021 - 02:54 PM
Ngành Thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc định hướng chiến lược phát triển cho ngành theo từng giai đoạn trước những biến động của thị trường thế giới là điều thực sự cần thiết.
 
 Tình hình phát triển ngành thủy sản thời gian qua

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, cơ cấu GDP của ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp đã tăng từ 17,8% lên 24,4% giai đoạn 2010-2019. Cùng với đó, sản lượng thủy sản cũng tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5,0 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Riêng năm 2020, dù nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn và triều cường, lũ lụt, nhưng tổng sản lượng của năm vẫn đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 3,05% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3,86 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5% (số liệu của Tổng cục Thống kê).

Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017, thực hiện đầu tư cơ bản cho phát triển thủy sản đã đạt được các mục tiêu của Chương trình, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6%, đúng theo kế hoạch đề ra; công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24,9 nghìn tàu (vượt chỉ tiêu chương trình đề ra). Đặc biệt thủy sản Việt Nam đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước với các đối tượng chủ lực như giống tôm sú, tôm chân trắng, các tra; đồng thời, hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh cho các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương GlobalGAP, ASC.BAP.

 
Chiến lược phát triển ngành Thủy sản trong tầm nhìn mới
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nhờ sự phát triển của dịch vụ logistics toàn cầu, các giải pháp xúc tiến thương mại, hiệu quả thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, đáng mừng là một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam cũng chính là những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia ban bố lệnh hạn chế di chuyển, ảnh hưởng tiêu cực đến kết nối dịch vụ logistics toàn cầu, khiến thương mại xuất khẩu bị đứt gãy, gián đoạn, do vậy xuất khẩu thủy sản trong các tháng đầu năm bị sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên trong các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng vực dậy và đạt được mức tăng trưởng dương. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu thủy sản trong 2 quý cuối năm đã có sự tăng trưởng với mức tăng 4,3% trong quý III và 1,1% trong quý IV năm 2020.

Bên cạnh những thuận lợi và thành quả đạt được, là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết, khí hậu, nguồn nước, ngành thủy sản Việt Nam thường xuyên phải đối phó với các diễn biến bất thường khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các yếu tố bất lợi như hạn mặn, hạn hán, chất lượng nước, dịch bệnh… đã khiến nhiều người nuôi trồng thủy hải sản rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ. Thời tiết trên biển Đông với những cơn bão và áp thấp nhiệt đới cũng gây nhiều khó khăn cho hoặt động khai thác.

Ngoài ra, thủy sản Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt khi một số quốc gia như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới. Trung Quốc đã, đang mở rộng diện tích nuôi cá nhằm gia tăng nguồn cung trong nước, thậm chí xuất khẩu khiến cho mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam là cá tra không chỉ lo ngại mất thị phần ở nước này, mà còn gia tăng cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Trong khi đó, mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để Ủy ban châu Âu (EC) chấp nhận tháo gỡ thẻ vàng EU đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu. Chưa kể trong năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam cũng bị giáng một đòn mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến cho hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh trong nước và nhiều quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động…

Bước sang năm 2021, trong khi ngành thủy sản Việt Nam chưa tìm được điểm bứt phá thì đã có những khó khăn nhất định đón chờ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sự thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất đã đẩy giá thuê đất của doanh nghiệp lên cao từ 2-4 lần. Ngoài ra, đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển được thông qua làm phát sinh thêm chi phí; các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics cùng tham gia vào cuộc đua“thổi giá”; việc tăng phí tàu biển cũng đang đặt ra nhiều khó khăn... Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn tới đầu năm 2021 vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, do Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế lớn. Điều đó đặt ra cho ngành thủy sản 
những yêu cầu mới và cần có các chiến lược, giải pháp cấp bách.

Hành động cụ thể phát triển thủy sản Việt Nam

Thủy sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng những thành tựu nổi bật của giai đoạn trước cùng những khó khăn còn tồn tại. Chính vì vậy, cần sớm xây dựng các phương án đối phó và phát triển cho ngành trong tầm nhìn dài hạn. Trước tiên phải kể đến Quyết định số 4413/QĐ-BNN-TCTS ngày 04/11/2020 của Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nằm trong nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển của Quyết định 4413 được Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dự thảo xây dựng.

Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng sẽ xây dựng, phát triển ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn có năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng theo hướng có trách nhiệm; phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời thu hút nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản với phương thức kết hợp công tư hiệu quả.

Dự thảo Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị thủy sản đạt từ 3,0-4,0%, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD. Đồng thời giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.

Đến năm 2045, thủy sản là ngành sản xuất hàng hóa lớn có trình độ quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các định chế quốc tế, phát triển có trách nhiệm và bền vững. Phấn đấu giải quyết việc làm cho thêm 3 triệu lao động. Trở thành trung tâm chế biến thủy sản chất lượng cao khu vực ASEAN và châu Á, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Để thực hiện được những kỳ vọng phát triển trong tương lai, ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến chính sách chuyển đổi nghề cá khai thác gần bờ của ngư dân sang phát triển nuôi biển, qua đó vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, vừa phát triển nghề theo hướng bền vững. Song song với đó, cần có chiến lược liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo từ khâu con giống đầu vào, quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nỗ lực thực hiện triệt để cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng EU, vì sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến thủy sản. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS ngày 06/01/2021 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động và Quyết định số 214/ QĐ-BNN-TCTS ngày 14/01/2021 về Công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm cơ sở để xác minh nguồn gốc thủy sản khai thác hợp pháp theo quy định IUU. Bằng việc tháo gỡ thành công thẻ vàng EC, thủy sản Việt Nam sẽ có thể củng cố và nâng tầm thương hiệu, uy tín hơn nữa trên trường quốc tế, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm nhẹ thủ tục.

Thêm vào đó, một điểm sáng đối với thương mại Việt Nam nói chung và với ngành thủy sản nói riêng là việc ngày 14/01/2019 và ngày 01/8/2020, hai Hiệp định thương mại tự do với quy mô lớn là CPTPP và EVFTA có hiệu lực hứa hẹn mang đến những cơ hội mới về thuế quan cho sản phẩn xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản. Gần đây nhất, vào ngày 15/11/2020, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tham gia vào khối thương mại lớn nhất lịch sử có thị trường hơn 2,2 tỷ dân, chiếm 30% tổng sản phẩm toàn cầu. RCEP sẽ có hiệu lực trong 2 năm tiếp theo sau khi được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên. Thông qua đó, thủy sản Việt Nam có điều kiện củng cố, gia tăng sức mạnh, sức cạnh tranh nhờ sử dụng dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn, mở rộng thị trường cũng như vượt qua một số thách thức về rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top