Chiến thắng Buôn Ma Thuột: Mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo thời cơ chiến lược cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975

17/03/2025 - 02:15 PM

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trận đánh này không chỉ mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên mà còn tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, từ đó Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. 



Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên.
Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam

Chiến thắng Buôn Ma Thuột không chỉ là một chiến thắng quân sự đơn thuần, mà còn là minh chứng cho đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.  Chiến thắng này khẳng định trình độ chỉ huy tác chiến, hiệp đồng quân binh chủng khôn khéo, linh hoạt, quyết đoán, cùng với đó là sự tổ chức chặt chẽ, mưu trí, chu đáo và sáng tạo.   

Chiến thắng Buôn Ma Thuột diễn ra trong bối cảnh, cục diện chiến trường miền Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng, khiến cho thế và lực của quân đội Sài Gòn ngày càng lúng túng và suy yếu. Trong thời gian từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá tình hình địch, ta và hạ quyết tâm “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. 
 
Cùng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có một quyết định mang tính chiến lược, đó là chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tấn công chủ yếu trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 (mang mật danh A 275).  Quyết định này cho thấy tầm nhìn chiến lược sắc bén của Bộ Chính trị, bởi Buôn Ma Thuột không chỉ là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk mà còn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với cả Tây Nguyên và miền Nam.   

Thật vậy, Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14 và 21, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ra các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung, thậm chí tiến công về Sài Gòn.  Việc giải phóng Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra một bàn đạp vững chắc để giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, từ đó mở ra một hướng tiến công chiến lược trong toàn bộ chiến dịch.   

Trong những ngày quân ta chuẩn bị nổ súng mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, cả quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đều cho rằng hướng tấn công chủ yếu của quân ta sẽ là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.  Chính vì vậy, để giữ Tây Nguyên, Tư lệnh vùng 2 chiến thuật quân đội Sài Gòn đã bố trí ở Buôn Ma Thuột một lực lượng binh lực tương đối đông và tinh nhuệ, nhưng lại có phần chủ quan và sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, có thể thấy rằng, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra một sự rúng động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng duyên hải miền Trung, và mở ra một hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. 
 
"Điểm huyệt" táo bạo, nghi binh tài tình, tạo thế chủ động

Việc ta đã chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tấn công chủ yếu là một quyết định táo bạo và bất ngờ.  Trong khi địch cho rằng ta chưa đủ khả năng đưa quân đến đây và tập trung sự chú ý vào các khu vực khác, thì ta lại bất ngờ đánh vào Buôn Ma Thuột, một "điểm huyệt" hiểm yếu nhưng tương đối yếu của địch.  Để thực hiện được điều này, ta đã nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, tổ chức bố trí và quy luật hoạt động của địch.  Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định hướng chủ yếu là Nam Tây Nguyên, đánh chiếm Buôn Ma Thuột, với mục tiêu đột phá chủ yếu là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và Sở chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk, những trung tâm chỉ huy quan trọng nhất của địch ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.  Tiến công vào đây, ta đã đánh "trúng huyệt", đánh vào nơi rất hiểm nhưng tương đối yếu của địch.   

Việc ta đã thực hiện chiến thuật nghi binh tài tình để đánh lừa địch, tạo thế chủ động cho chiến dịch.  Ngay từ đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã thực hiện chiến thuật nghi binh qua làn sóng điện. Trong khi đó, các đơn vị chủ lực được điều động một cách bí mật: Sư đoàn 316 về áp sát biên giới Campuchia, Sư đoàn 10 từ Bắc Tây Nguyên về Nam Tây Nguyên, Sư đoàn 320 từ Tây Pleiku về Ea H’Leo, chia cắt đường 14. Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thế chân các sư đoàn 10, 320 ở Kon Tum, Tây Pleiku và tổ chức một số trận đánh trên hướng Bắc Tây Nguyên.  Lực lượng ta đánh mạnh như đánh thật, khiến cho địch hoàn toàn mắc mưu và bị động chiến lược, không kịp trở tay.
   
Thực hiện nhiệm vụ nghi binh, tạo thế chiến dịch, ngay từ đầu tháng 3 năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 968 hoạt động nghi binh ở khu vực Bắc Tây Nguyên, buộc Sư đoàn 23 của địch phải chuyển một bộ phận lực lượng từ Buôn Ma Thuột sang Kon Tum, Pleiku để đối phó.  Tiếp đó, từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3, quân ta đánh cắt tuyến giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; lần lượt tiến công đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8/3), Đức Lập (ngày 9/3), cô lập triệt để thị xã Buôn Ma Thuột.   

Tấn công chớp nhoáng, làm chủ chiến trường

Sau khi đã thực hiện thành công các bước nghi binh chiến lược, đến thời điểm quyết định, quân ta đã tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng và mạnh mẽ vào Buôn Ma Thuột.  Đúng 2 giờ 3 phút sáng ngày 10/3/1975, cuộc tấn công như bão lửa vào các mục tiêu then chốt ở Buôn Ma Thuột bắt đầu. Đặc công đánh sân bay thị xã, một lực lượng đánh sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế. Cùng thời gian, hỏa tiễn H12 và các cụm pháo tập trung bắn vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy kéo dài cho đến sáng.   

Đến 6 giờ sáng, Trung đoàn 95 sử dụng một tiểu đoàn bộ binh, lợi dụng việc lực lượng đặc công đã làm chủ sân bay, tiến thẳng vào Ngã Sáu. Địch dùng xe tăng, máy bay chống trả quyết liệt, có lúc chúng chiếm lại Ngã Sáu nhưng ta vẫn làm chủ Ngã Sáu rồi phát triển đánh chiếm tiểu khu. Ở hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê… phá hệ thống cứ điểm vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại Tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23.  Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình.   

Trong ngày 10/3/1975, ta đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng trong thị xã nhưng chưa chiếm được Sư bộ 23 và các mục tiêu phía Đông tiểu khu. Địch dùng máy bay bắn phá, ngăn chặn ta, sử dụng pháo binh, bộ binh phản kích quyết liệt, quân ta bắn rơi 6 máy bay AD6 và diệt nhiều sinh lực địch. 
 
Ngày 11/3/1975, quân ta tiếp tục tấn công nhiều mục tiêu quan trọng. Bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đồng loạt đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt nhưng đến 10 giờ sáng quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên Tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá Sư đoàn phó Sư 23 của địch. Đến trưa ngày 11 tháng 3 năm 1975, quân ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. 

  Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột

Sau khi ta đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, địch đưa Sư đoàn 23 về phản kích, giải tỏa. Ngày 12 và ngày 13/3/1975, địch dùng trực thăng đổ lực lượng Trung đoàn 45 xuống đường 21. Liên đoàn biệt động 21 sau khi mất Sư bộ 23 cũng tiếp đón Trung đoàn 45. Ngày 15 và ngày 16/3/1975, địch đổ tiếp Trung đoàn 44 và Sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 23 xuống Phước An với mưu đồ lập lại phòng tuyến trên đường 21 để phản kích đánh chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, quân ta đã chủ động đánh địch ở nhiều nơi. Ngày 12/3/1975, ta tấn công tiêu diệt Căn cứ 45 ngụy, đánh địch ở Cư Bao, Đạt Lý, giải phóng Buôn Hồ. Ngày 13/3/1975, ta giải phóng Châu Sơn, diệt địch ở cứ điểm Cư M’gar, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Lạc Thiện.  Ngày 14/3/1975, ta tấn công hậu cứ Trung đoàn 53 khu Hòa Bình và giải phóng Buôn Đôn.   

Thời điểm này, Sư đoàn 10 của ta có binh chủng xe tăng, pháo binh nhận nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy. Ngày 15/3/1975, ta tấn công tiêu diệt gần hết Trung đoàn 45 ngụy. Ngày 17/3/1975, ta đánh một đòn quyết định vào Phước An, địch tháo chạy về Cứ Cúc, Cheo Reo, bị Trung đoàn 25 của ta chặn đánh. Ngày 18/3/1975, Sư đoàn 10 của ta đuổi theo đánh trận cuối cùng tiêu diệt đại bộ phận Sư đoàn 23 ngụy. Đây là chiến công oanh liệt, Sư đoàn 23 ngụy từng được phong danh hiệu khá kiêu binh: “Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên” đã bị xóa sổ. Sau 4 ngày đêm với nhiều trận đánh quyết liệt, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích của địch để chiếm lại Buôn Ma Thuột. 
 
Ngày 18/3/1975, Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Blốk Êban - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, làm chủ tịch ra mắt trước 300 đại biểu Nhân dân tại đình Lạc Giao. Tiếp đó, từ ngày 19/3/1975 đến ngày 21/3/1975, quân ta đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, truy quét quân địch co cụm ở đây, tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn dù 3 của ngụy, chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, mở đường cho quân ta tiến xuống tỉnh Khánh Hòa. Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch, đến ngày 28/3/1975, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn giải phóng.   

Chiến thắng mang giá trị lịch sử to lớn

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Chiến thắng này đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trên chiến trường, xoay chuyển tình thế có lợi cho ta. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã giáng đòn điểm huyệt choáng váng, buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động.   

Chiến thắng Buôn Ma Thuột tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong mùa Xuân năm 1975.   

Trịnh Long (tổng hợp)


Tài liệu tham khảo
Chiến thắng Buôn Ma Thuột - tạo thời cơ chiến lược mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, Báo Đắk Lắk điện tử, ngày 23/03/2022;

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10.3.1975, mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắc Lắk, ngày 08/3/2023;


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top