Chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng của Hoa Kỳ và những tác động tới Việt Nam

22/02/2025 - 10:30 PM
Từ đầu năm đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã triển khai một loạt chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Những biện pháp này không chỉ ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada, Mexico mà còn có tác động đáng kể đến Việt Nam.
 
Từ khóa: Chính sách, thuế, thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, Hoa Kỳ
 
Since the beginning of the year, the administration of President Donald Trump has implemented a series of comparative import tax policies to reduce the trade deficit and protect US manufacturing industry. These measures not only affect major trading partners such as China, Canada, and Mexico but also have a significant impact on Vietnam.
 
Keywords: Policy, tax, trade, export, import, United States
 
Nhìn lại chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng của Hoa Kỳ
 
Từ ngày 1/1/2025, Hoa Kỳ đã triển khai một loạt biện pháp thuế quan mới nhằm điều chỉnh cán cân thương mại và bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, trong đó, chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng (Reciprocal Tariffs Policy) được xem là trọng tâm. Chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng của Hoa Kỳ, hay còn gọi là "thuế có đi có lại", là một biện pháp thương mại được thiết kế nhằm áp dụng mức thuế nhập khẩu ngang bằng với mức thuế mà các quốc gia khác đang áp dụng lên hàng hóa của Hoa Kỳ. Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như thép, nhôm, ô tô và hàng điện tử.
 
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tái khởi động chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng, tiếp nối các biện pháp đã từng được áp dụng trong nhiệm kỳ trước. Chính sách này có tác động sâu rộng đối với thương mại toàn cầu và các quốc gia, doanh nghiệp là đối tác chủ yếu của Hoa Kỳ.
 
Theo đó, chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng của Hoa Kỳ được triển khai theo các bước sau: (1) Xác định quốc gia có mức thuế bất lợi đối với hàng hóa của Hoa Kỳ thông qua việc theo dõi mức thuế nhập khẩu mà các nước khác áp dụng đối với hàng hóa Hoa Kỳ; nếu phát hiện sự chênh lệch lớn, sẽ cân nhắc áp thuế đối đẳng. (2) Áp dụng thuế nhập khẩu tương đương: Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề xuất mức thuế nhập khẩu đối với từng quốc gia dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”.
 
Đáng nói là, trong đàm phán song phương, Hoa Kỳ thường để ngỏ khả năng đàm phán nhằm đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi hơn, thay vì ngay lập tức áp thuế cao. Mặt khác, trong trường hợp chính sách thuế gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp Hoa Kỳ hoặc người tiêu dùng, chính quyền cũng có thể điều chỉnh cách điều chỉnh mức thuế hoặc miễn trừ tạm thời cho một số mặt hàng theo phản ứng thị trường.
 
Chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng của Hoa Kỳ và những tác động tới Việt Nam
 
Các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ phải đối mặt với thuế quan cao hơn đối với sản phẩm của mình nếu các quốc gia này áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến tăng chi phí xuất khẩu và làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm quốc tế trên thị trường Hoa Kỳ.
 
Mặt khác, các quốc gia đối tác có thể đưa ra các biện pháp đáp trả, dẫn đến một chu kỳ leo thang thuế quan qua lại. Điều này có thể làm tổn hại đến các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra sự bất ổn trong thị trường quốc tế, dẫn đến căng thẳng thương mại toàn cầu có thể gia tăng. Song song với đó, chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng có thể tạo ra sự chuyển dịch trong dòng chảy thương mại quốc tế khi các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ các quốc gia có thuế quan thấp hơn. Đây cũng được coi là cơ hội đối với các quốc gia không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này.
 
Một số quốc gia có thể chịu tác động lớn về kinh tế, thương mại từ chính sách này. Trong đó, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ chính sách thuế đối đẳng. Các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tính cạnh tranh do mức thuế cao hơn. Một số ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các sản phẩm điện tử và dệt may. Trong khi đó, các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với chi phí xuất khẩu cao hơn. Một số ngành công nghiệp của EU, bao gồm: Ô tô, máy móc và nông sản sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ; dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm doanh thu xuất khẩu, từ đó làm giảm tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Ngành công nghiệp nông sản, ô tô và công nghiệp nhẹ của Mexico và Canada cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù cả hai quốc gia này đã có những thỏa thuận trong khuôn khổ USMCA (Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ - Mexico - Canada), nhưng chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng có thể làm tăng thêm căng thẳng thương mại trong khu vực Bắc Mỹ. Các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á cũng không đứng ngoài tầm ảnh hưởng.
 
Trong những tháng đầu năm 2025, một loạt sắc lệnh hành pháp về thuế nhập khẩu đã được công bố, tập trung vào các mặt hàng chủ chốt như: Áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài; điều chỉnh thuế suất với các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á; tăng thuế đối với xe hơi nhập khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
 
Ngoài ra, vào đầu tháng 02/2025, chính quyền Mỹ cũng xem xét áp dụng chính sách "thuế đối ứng" đối với các nước có mức thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Việt Nam. Điển hình ngày 01/02/2025, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2/2025. Tuy nhiên, ngày 03/02/2025, Tổng thống Hoa Kỳ thông báo hoãn áp thuế với Mexico và Canada sau khi đạt được thỏa thuận về kiểm soát buôn lậu và nhập cư với hai quốc gia này. Trong khi đó, thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc vẫn được thực thi như kế hoạch.
 
Đầu tuần tiếp theo, Hoa Kỳ tiếp tục ban hành sắc lệnh áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào nước này, bao gồm cả sản phẩm tương tự từ Việt Nam. Quyết định này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm nội địa trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
 
Tác động của chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng đến Việt Nam
 
Năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học...
 
Trong vai trò là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ, chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng bắt đầu áp dụng từ năm 2025 có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và thương mại của Việt Nam theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
 
Theo đó, khi Hoa Kỳ áp dụng thuế quan đối đẳng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn khi vào thị trường này. Điều này làm tăng chi phí xuất khẩu, khiến sản phẩm trở nên kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm từ các quốc gia không bị áp thuế tương tự; đồng thời đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điển hình, doanh nghiệp xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam đang đứng trước thách thức khi Hoa Kỳ áp thuế 25% lên nhôm và thép nhập khẩu. Mức thuế cao khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm tính cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Điều này có thể dẫn đến việc giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
 
Mặt khác, việc Hoa Kỳ xem xét áp thuế đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn có thể đặt Việt Nam vào tầm ngắm trong tương lai. Một số doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Việt Nam phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ Hoa Kỳ. Nếu các linh kiện này trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan, giá thành sản phẩm cuối cùng cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và khả năng tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam.
 
Để ứng phó với chính sách thương mại mới này, Việt Nam có thể áp dụng thuế cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, như ô tô hoặc máy móc; nhưng điều này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam và làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thuế quan, làm giảm lượng hàng hóa thương mại giữa hai quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành xuất khẩu; thậm chí có thể gây căng thẳng thương mại.
 
Ở chiều ngược lại, chính sách thuế đối đẳng có thể tạo ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Một số quốc gia có mức thuế quan cao đối với hàng hóa Hoa Kỳ có thể bị đẩy ra khỏi thị trường Hoa Kỳ hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế từ Việt Nam, làm tăng cơ hội xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dệt may, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn.
 
Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động thấp, sản xuất giá rẻ, và các ngành công nghiệp xuất khẩu đang ngày càng trưởng thành. Đây là lợi thế giúp Việt Nam gia tăng sản lượng xuất khẩu và duy trì được tính cạnh tranh trong các ngành hàng chủ lực. Đồng thời, Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất điện tử, công nghệ, và chế biến thực phẩm nhờ vào các ưu đãi thuế và môi trường đầu tư ổn định.
 
Trước những tác động có thể đến từ chính sách thuế nhập khẩu đối đẳng, Việt Nam đã đàm phán tăng cường nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, bao gồm bông, đậu nành, các loại hạt và xem xét nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), máy bay Boeing từ Hoa Kỳ nhằm cân bằng cán cân thương mại và giảm áp lực từ các biện pháp thuế quan của nước này.
 
Trong bối cảnh chính sách thương mại của Hoa Kỳ ngày càng bảo hộ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu. Một số giải pháp gồm: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm./..
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top