Năm 2024, xuất khẩu nông sản Việt Nam có khởi đầu sôi động nhờ những tín hiệu tích cực của thị trường, đặc biệt là giá cả nông sản xuất khẩu tăng cao. Điều này đem lại kỳ vọng tươi sáng cho xuất khẩu nông sản những tháng còn lại. Tuy nhiên, trước thực trạng giá cả nông sản có nhiều biến động cùng những diễn biến mới của thị trường thế giới, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời
Từ khóa: Giá, giá xuất khẩu, nông sản, sản lượng, xuất khẩu,
Xuất khẩu nông sản góp thêm gam màu sáng cho bức tranh thương mại nửa đầu năm
Những tháng đầu năm 2024, thị trường nông sản nội địa và xuất khẩu trở nên sôi động khi giá cả nhiều loại nông sản tăng cao, thậm chí liên tiếp lập các kỷ lục mới về giá. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có một khởi đầu khá tốt khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhất là khi sản xuất nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.
Điển hình với cây lúa - cây trồng chủ lực, cũng là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2024 của Việt Nam ước đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân năm 2023. Giá lúa ở mức cao, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 20,41% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng tới 32% về giá trị.
Xuất khẩu nông sản đóng góp tích cực vào tăng trưởng thương mại cả nước 6 tháng đầu năm 2024
Không chỉ riêng cây lúa, đối với cây lâu năm, sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm 2024 cũng đạt khá. Trong đó riêng sản lượng sầu riêng ước đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; cây ăn quả khác như ổi, mít, chanh leo, nhãn… sản lượng cũng tăng khoảng 3-6%. Giá bán hầu hết sản phẩm trái cây tăng, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá sầu riêng ở mức khá cao, cụ thể: Tại Tiền Giang, thời điểm đầu mùa, sầu riêng thu mua tại vườn đã có giá từ 140-215 nghìn đồng/kg tùy loại (tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2023) và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Cùng với đó, một số cây công nghiệp lâu năm tăng cả về sản lượng thu hoạch và giá bán, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất. Cụ thể: Sản lượng hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3% và giá bán tăng 44,06%; cao su tăng đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2% và giá bán tăng 8,96%; chè đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4% và giá bán tăng 2,91% …
Tại thời điểm tháng 6/2024, nhiều loại nông sản Việt Nam có mức giá xuất khẩu tăng cao so với tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó phải kể đến: Giá bình quân xuất khẩu cà phê ước đạt 4.489 USD/tấn, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 67,3% so với cùng kỳ năm 2023; giá bình quân xuất khẩu hạt điều ước đạt 5.973 USD/tấn, tăng 9,2% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.586 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 19,6% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023; giá bình quân xuất khẩu hạt điều ước tính chỉ đạt 5.496 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè ước đạt 1.759,9 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng nông sản tăng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đóng góp tích cực vào xuất khẩu hàng hóa, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cả về lượng và giá trị, giá xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 16,64 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,4 triệu USD, tăng 28,2%, chỉ số giá xuất khẩu rau quả bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 1,97%; kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt 632 triệu USD, tăng 30,9% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 13,31%; cao su đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 4,5% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 11,86%; chè đạt 108 triệu USD, tăng 26,7% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 10,13%.
Đáng chú ý, thời gian qua, xuất khẩu sầu riêng tăng cao, trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu tiêu điểm. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt Nam có lợi thế với sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, nhiều thời điểm không bị cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan. Cùng với đó, thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý, đặc biệt khi sầu riêng đông lạnh được kiểm soát chất lượng tốt hơn. Nhờ đó, trong tháng Sáu, lượng sầu riêng xuất khẩu đạt khoảng 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 6 tháng đầu năm 2024 lên đến 1,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với diễn biến giá cả để tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu
Từ các số liệu kể trên có thể thấy, xuất khẩu nông sản trong nửa đầu năm đang đạt kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, việc giá nông sản tăng cao bên cạnh lợi ích đem lại cho các ngành hàng còn tiềm ẩn một số rủi ro khó lường, đòi hỏi người nông dân cũng như doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, chủ động các phương án ứng phó với diễn biến của thị trường. Rủi ro cũng trở nên lớn hơn đối với cả người dân sản xuất và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu trước những nguy cơ mở rộng diện tích thiếu bền vững, hiện tượng tranh mua - tranh bán, đầu cơ… khiến khó dự báo tình hình. Một số nơi, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp khó mua hàng do giá cả tăng mạnh nên người nông dân hạn chế bán ra, chờ mức giá cao hơn, có thể dẫn đến tình trạng giá ảo trên thị trường.
Mặt khác, đến giữa năm, giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản có hiện tượng chững lại, thậm chí bắt đầu giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), yếu tố thời tiết không thuận lợi kết hợp với sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ được sự báo có thể làm giảm sản lượng vụ Robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15% đến 20%. Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê Robusta vụ 2023-2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024-2025 của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức từ 21,40 đến 22,70 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao. Tại thời điểm ngày 28/6/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa đã giảm 3.600 - 4.200 đồng/kg so với ngày 31/5/2024, xuống còn 118.800 - 119.900 đồng/kg. Ngành chè cũng cùng chung thực trạng khi giá bình quân xuất khẩu cả 2 chủng loại chè chính đều có xu hướng giảm nhẹ.
Trong khi đó, dù xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2024, nhưng ngành điều Việt Nam đang đối mặt với tình hình biến động giá nguyên liệu. Lý giải nguyên nhân, Hiệp hội Hạt điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp chế biến Việt Nam không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh. Nguyên nhân là do sản lượng hạt điều tại khu vực Tây Phi giảm và một số nước như Bờ Biển Ngà áp dụng chính sách tạm ngừng xuất khẩu hạt điều thô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất hạt điều nội địa.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thời điểm ngày 26/6/2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn Thái Lan và Pakistan. Cụ thể: Gạo 100% tấm ổn định ở mức 468 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 567 USD/tấn; gạo 25% tấm ổn định ở mức 543 USD/tấn. Với mức giá trên, gạo Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan 35 USD (gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái ở mốc 602 USD/tấn) và thấp hơn Pakistan 16 USD (gạo nước này có giá 583 USD/tấn), trong khi trước đó, gạo Việt Nam xuất khẩu từng có thời điểm cao hơn Thái Lan.
Đến cuối tháng 6/2024, giá hồ tiêu cũng liên tiếp giảm mạnh sau những ngày tăng nóng. Dù đang ở đỉnh giá trong vòng 8 năm trở lại đây nhưng, giá hồ tiêu xuất khẩu điều chỉnh giảm liên tiếp khiến thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng theo. Do có sự biến động giá cả liên tục nên dự báo về giá nông sản trở nên khó đoán định, gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong dự tính sản lượng thu mua và dự tính giá xuất khẩu cho những lô hàng đặt trước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn đứng trước cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu cùng ngành hàng. Theo Tổng cục Hải quan, từ giữa năm, Trung Quốc đã ra thông báo sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư kim loại nặng vượt mức cho phép. Quyết định trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh sầu riêng Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh với sầu riêng Malaysia, khi nước này vừa lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào đất nước tỷ dân. Còn Indonesia, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, đã đặt mục tiêu đạt 8 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm 40% thị phần thế giới nên bất kỳ động thái, chính sách nào của nước này đối với gạo lập tức ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, nhất là với những nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, ngành gạo Việt Nam cũng rất quan tâm đến thời điểm có thể Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo được thực hiện từ năm 2023 đến nay.
Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhưng cũng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, một số giải pháp thiết thực để Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay đó là:
Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản….
Hai là, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.
Ba là, phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại (FTA), đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ngành hàng.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả những hiệp định tại các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần nhanh nhạy nắm bắt tình hình, đưa ra dự báo và chủ động các phương án ứng phó. Chăm sóc tốt thị trường mới, tiềm năng và các thị trường truyền thống và xây dựng tinh thần hợp tác lâu dài với các thị trường nhiều tiềm năng. Chủ động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu; tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).
Tài liệu tham khảo:
1. Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê.
2. Báo cáo Tình hình kinh tế- xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê.
3. Bản tin thị trường Nông, lâm, thủy sản số ra ngày 30/6/2024, Bộ Công Thương./.
Thu Hiền