Chương trình điều tra thống kê quốc gia

21/11/2022 - 02:39 PM
Luật Thống kê số 89/2015/QH13 (Luật số 89) ngày 23/11/2015 quy định “Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia”. Tuy nhiên, với những bất cập trong quá trình thực hiện cùng những thay đổi trong Luật sửa đổi bổ sung một số điêu và phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (Luật số 01/2021/QH15) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021 đặt ra yêu cầu cần phải ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia thay thế.
 
Sự cần thiết ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia
 
Về cơ sở pháp lý
 
Luật số 01 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 12/11/2021, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 94).
 
Khoản 5 Điều 17 của Luật số 89 quy định “Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là cơ sở để phân công, phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê”.
 
Khoản 1 Điều 28 Luật số 89 quy định: “Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện”. Theo điểm a khoản 2 Điều 28 Luật số 89 quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Chương trình điều tra thống kê quốc gia”.
 
Về cơ sở thực tiễn
 
Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình điều tra số 43) được xây dựng trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật số 89, bao gồm 186 chỉ tiêu thống kê. Chương trình điều tra số 43 về cơ bản đã đáp ứng thông tin đầu vào quan trọng cho Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật số 89 và Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình điều tra số 43 cũng còn một số bất cập, vướng mắc đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung, thay thế cụ thể như sau:
 
- Thông tin thu thập chưa đáp ứng được Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới như thông tin thống kê đo lường kinh tế số, logictics…
 
- Nhu cầu thông tin thống kê phục vụ biên soạn, tổng hợp một số chỉ tiêu thống kê mới ban hành như: Thông tư số 06/2018/TT-BKHĐT ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN; Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam và Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia.
 
- Năm được chọn làm năm gốc để biên soạn các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh (thông thường các năm có số tận cùng là số 0 và 5). Vì vậy, cuộc “Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian” (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 3 và 8) cần sửa đổi thành tiến hành vào các năm có số tận cùng là 1 và 6, để thu thập thông tin phát sinh trong các năm có số tận cùng là 0 và 5 để phục vụ biên soạn chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh.
 
- Một số cuộc điều tra chưa thống nhất kỳ thu thập thông tin như: Cuộc điều tra thống kê số 03 - Tổng điều tra kinh tế với chu kỳ 5 năm (ngày 01 tháng 3 và 01 tháng 7 tiến hành vào các năm có tận cùng là 1 và 6). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cuộc Tổng điều tra kinh tế cho thấy có sự không đồng bộ và thống nhất trong cơ sở dữ liệu thống kê (đối với các đơn vị điều tra là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản thu thập thông tin phát sinh năm hiện tại, các đơn vị điều tra khác như doanh nghiệp thì thông tin phát sinh của năm trước).
 
Bên cạnh đó, các cuộc điều tra thống kê đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu nên rút ngắn thời gian thu thập, xử lý tổng hợp, do đó kết quả điều tra được công bố sớm hơn nên thời điểm, thời gian thu thập thông tin cần có sự thay đổi cho phù hợp.
 
- Việc thu thập, tổng hợp và báo cáo các chỉ tiêu thống kê quốc gia về bảo vệ môi trường còn rất nhiều khó khăn do thiếu số liệu điều tra. Vì vậy, cần bổ sung các cuộc điều tra thống kê quốc gia để thu thập các chỉ tiêu thống kê về môi trường.
 
Đồng thời, Luật số 01/2021/QH15 được thông qua kèm theo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, bao gồm 230 chỉ tiêu thống kê. Do đó, để thực hiện đúng Luật Thống kê, Chương trình điều tra thống kê quốc gia cần phải được ban hành thay thế Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Nguyên tắc xây dựng và nội dung của Chương trình điều tra thống kê quốc gia
 
Theo điểm a khoản 2 Điều 28 Luật số 89 quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Chương trình điều tra thống kê quốc gia”. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Chương trình điều tra thống kê quốc gia được xây dựng nhằm mục đích: Hoàn thiện hành lang pháp lý về xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Thống kê (Luật số 89, Luật số 01 và Nghị định số 94) và khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thực hiện Chương trình điều tra số 43. Do đó, Chương trình điều tra thống kê quốc gia được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
 
- Bảo đảm tính phù hợp: Chương trình điều tra thống kê quốc gia đáp ứng nhu cầu thông tin của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được quy định trong Luật số 01 và Nghị định số 94.
 
- Bảo đảm tính khả thi: Các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia phải bảo đảm thực hiện được trong thực tế, phù hợp với trình độ hạch toán, ghi chép, kê khai, cung cấp của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (hộ dân cư), giảm gánh nặng cho người cung cấp thông tin, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của hoạt động thống kê.
 
- Bảo đảm tính không trùng lặp: Tránh sự trùng lặp, chồng chéo giữa các hình thức thu thập thông tin qua chế độ báo cáo thống kê và thu thập qua sử dụng dữ liệu hành chính. Đồng thời không trùng lặp giữa cuộc điều tra thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện và các cuộc điều tra do Bộ, ngành thực hiện.
 
- Bảo đảm tính kế thừa: Các cuộc điều tra thống kê thu thập thông tin để biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật số 01 và Nghị định số 94 sẽ được kế thừa và cải tiến để phù hợp với thực tiễn.
 
Về nội dung, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 9 nội dung: Thứ tự; tên cuộc điều tra; mục đích điều tra; đối tượng, đơn vị điều tra; loại điều tra; nội dung điều tra; thời kỳ, thời điểm điều tra; cơ quan chủ trì; cơ quan phối hợp. Cùng với Danh mục các cuộc điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, trong đó đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể:
 
+ Nhóm 01. Điều tra dân số, lao động và việc làm, gồm 3 cuộc điều tra: (1) Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; (2) Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; (3) Điều tra lao động và việc làm.
 
+ Nhóm 02. Điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 8 cuộc điều tra: (1) Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; (2) Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ; (3) Điều tra diện tích cây nông nghiệp; (4) Điều tra năng suất, sản lượng cây nông nghiệp; (5) Điều tra chăn nuôi; (6) Điều tra lâm nghiệp; (7) Điều tra, kiểm kê rừng; (8) Điều tra thủy sản.
 
+ Nhóm 03. Điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, gồm 8 cuộc điều tra: (1) Điều tra ngành công nghiệp; (2) Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp; (3) Điều tra hoạt động xây dựng; (4) Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ; (5) Điều tra loại hình hạ tầng thương mại phổ biến; (6) Điều tra thông tin khách du lịch nội địa; (7) Điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam; (8) Điều tra vốn đầu tư thực hiện.
 
+ Nhóm 04. Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia, gồm 5 cuộc điều tra: (1) Điều tra doanh nghiệp; (2) Điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; (3) Điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp; (4) Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; (5) Điều tra đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi.
 
+ Nhóm 05. Điều tra giá, gồm 9 cuộc điều tra: (1) Điều tra giá tiêu dùng (CPI); (2) Điều tra giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất; (3) Điều tra giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (4) Điều tra giá sản xuất công nghiệp; (5) Điều tra giá sản xuất dịch vụ; (6) Điều tra giá sản xuất xây dựng; (7) Điều tra giá bất động sản; (8) Điều tra giá tiền lương; (9) Điều tra giá xuất khẩu, nhập khẩu.
 
+ Nhóm 06. Điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, gồm 3 cuộc điều tra: (1) Điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ; (2) Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (3) Điều tra thống kê thương mại điện tử.
 
+ Nhóm 07. Điều tra y tế, xã hội và môi trường, gồm 6 cuộc điều tra: (1) Điều tra cơ sở và nhân lực y tế ngoài công lập; (2) Điều tra dinh dưỡng; (3) Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam; (4) Khảo sát sức khỏe dân cư và kinh nghiệm cuộc sống; (5) Điều tra người khuyết tật; (6) Điều tra các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
 
Điểm mới của Chương trình điều tra quốc gia được xây dựng trong lần này đó là: Số nhóm cuộc điều tra thống kê giảm 02 nhóm (09 nhóm còn 07 nhóm) và Số cuộc điều tra thống kê giảm 05 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được giữ nguyên 15 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được sửa đổi 22 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được lồng ghép, sắp xếp lại 07 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được loại bỏ 06 cuộc; Số cuộc điều tra thống kê được bổ sung mới 05 cuộc./.

Thu Hiền (Theo nguồn Cục Thu thập dữ liệu và CNTT - TCTK)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top