Ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội. Qua hơn 7 năm thực hiện, Việt Nam đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
Bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân, góp phần quản lý dân cư, xã hội
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 (Chương trình hành động) đặt mục tiêu bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử. Bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai tử), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế. Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được công bố công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả, số liệu thống kê thống nhất, chính xác.
Cùng với việc ban hành Chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-TTg ngày 05/6/2017 thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Chương trình hành động, từ đó ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân, phấn đấu triển khai công tác đăng ký hộ tịch toàn diện đến các vùng, miền, khu vực của đất nước để mọi người dân đều được đăng ký, cấp giấy tờ hộ tịch đầy đủ. Các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương đều triển khai các nhiệm vụ được giao; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, trong đó có 27 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để triển khai Chương trình hành động ở địa phương.
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024
nhằm bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế
Các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân, như: (1) Tăng cường phối hợp giữa các ngành Tư pháp, Công an, các ngành khác có liên quan ở Trung ương và địa phương trong đăng ký hộ tịch, đặc biệt là đăng ký hộ tịch cho nhóm dân cư yếu thế; (2) Rà soát, hướng dẫn cho hàng nghìn trẻ em là con của người di cư tự do, người không có giấy tờ, chưa xác định được quốc tịch, trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch theo quy định của Luật hộ tịch, Luật quốc tịch.
Hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch đầy đủ, bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch được củng cố, hoàn thiện liên tục, kịp thời thông qua việc xây dựng, ban hành Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Từ Luật đến Nghị định, Thông tư đều có hiệu lực đồng bộ; đồng thời tiếp tục được cập nhật, ban hành mới, thay thế phù hợp với yêu cầu thực tế, bao gồm cả quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch. Đáng chú ý, Luật Hộ tịch được ban hành cùng với các văn bản quy định chi tiết thi hành đã góp phần hoàn thiện thể chế trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài để công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm thực hiện các quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, thông tin thống kê hộ tịch được thu thập chính xác, đầy đủ, kịp thời.
Cơ quan quản lý hộ tịch các cấp thường xuyên đánh giá, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về đăng ký, thống kê hộ tịch; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả đăng ký, thống kê hộ tịch.
Bảo đảm cơ sở vật chất, từng bước thay đổi phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện số hóa sổ hộ tịch và triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử 13 (đã rà soát, đối chiếu, phê duyệt chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trên 79 triệu dữ liệu).
Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch các cấp được kiện toàn; công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch tại cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp, các Cơ quan đại diện được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
Một số kết quả nổi bật và giải pháp cho giai đoạn mới
Tổng kết sau hơn 7 năm thực hiện, với sự phối hợp thực hiện của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều mục tiêu của Chương trình hành động đã đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã tăng từ 98,8% năm 2019 lên 99% năm 2023. Số liệu thống kê cho thấy, số trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh) có xu hướng tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay, thậm chí vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98.5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).
Biểu 1. Tỷ lệ trẻ đăng ký khai sinh đúng hạn và quá hạn theo năm
Cũng theo số liệu của ngành Thống kê, tỷ lệ đăng ký khai tử toàn quốc từ năm 2021 đến năm 2023 lần lượt là 89,6%, 84,8% và 93,2%. Theo đó, tỷ lệ đăng ký khai tử đã đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra. Đáng nói là, tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân về ý nghĩa của đăng ký khai tử cho người chết đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề xác định nguyên nhân tử vong hiện nay ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và vì nhiều lý do khác nhau cho đến nay chưa được triển khai theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù khi đăng ký khai tử, cơ quan đăng ký hộ tịch đều ghi nhận nguyên nhân tử vong, nhưng do tỷ lệ chết ngoài cơ sở y tế cao (hơn 80%), nên nguyên nhân tử vong chỉ được ghi theo thông tin do người đi đăng ký khai tử cung cấp.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Tư pháp, số liệu đăng ký nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau (ở trong nước) từ năm 2017 đến năm 2023 là 19,8 nghìn trường hợp. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em Việt Nam được đăng ký làm con nuôi trong nước, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế ngay tại Việt Nam (nước gốc), bảo đảm để trẻ em phát triển bình thường như những trẻ em khác. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung nhân đạo của Công ước Lahay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước mà Việt Nam là thành viên. Qua đó quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc đã được bảo đảm tối đa. Việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài chỉ được coi là giải pháp thay thế cuối cùng, khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước.
Trong giai đoạn 2017-2020, cả nước có trên 2,77 triệu cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là gần 2,48 triệu trường hợp (89,23%). Đến giai đoạn 2021-2023, tổng số cặp đăng ký kết hôn là 1,89 triệu cặp, trong đó kết hôn lần đầu là 1,61 triệu cặp (85,58%); ít hơn 3,65% so với giai đoạn trước - có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng.
Biểu 2. Số cặp đăng ký hết hôn mới theo năm
Giai đoạn 2017-2023, cả nước có gần 187,7 nghìn vụ ly hôn của công dân Việt Nam trong nước đã được Tòa án giải quyết; tỷ lệ các vụ việc ly hôn, huỷ kết hôn trái pháp luật (ở trong nước) được ghi vào sổ hộ tịch ngày càng tăng. Từ 27,94 nghìn vụ ly hôn, tỷ lệ ghi vào sổ hộ tịch 32,8% năm 2017 tăng lên 32,06 nghìn vụ, tỷ lệ ghi sổ hộ tịch 60,3% năm 2023.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện Chương trình hành động còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp thực hiện, nguồn lực triển khai; pháp luật hộ tịch và pháp luật liên quan chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ gây khó khăn cho công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; một số khó khăn trong tra cứu, báo cáo thống kê, thu thập số liệu hộ tịch; trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế và một số yếu tố khách quan khác. Do đó, để tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình hành động trong giai đoạn mới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp, gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện trong giai đoạn 2025- 2030 vì một tương lai bền vững của Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình/Kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; gắn việc triển khai Chương trình hành động với việc thực hiện Luật hộ tịch; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm đạt được mọi chỉ tiêu, tỷ lệ đã đề ra.
Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nguồn lực để hoàn thiện Dự án đầu tư công về nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Chương trình hành động, trong đó Bộ/Ngành Tư pháp giữ vai trò chủ trì.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch; bồi dưỡng, nâng cao năng lực công chức làm công tác hộ tịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của đăng ký hộ tịch, quyền lợi và trách nhiệm đăng ký hộ tịch.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài cho công tác đăng ký và thống kê hộ tịch toàn diện, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, đánh giá kết quả thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử./.
Minh Hà