Thế kỷ 21 chứng kiến những thay đổi sâu rộng về thương mại toàn cầu khi dòng chảy thương mại được định hình và hướng trọng tâm đến châu Á, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển thương mại toàn cầu có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, đem lại không chỉ cơ hội mà còn cả những thách thức không nhỏ.
Từ khóa: Thương mại, toàn cầu, chuyển dịch, chuỗi cung ứng, sản xuất…
Abstract: The 21st century witnessed profound changes in global trade with trade flows shaped and focused on Asia, opening up great opportunities for countries in the region, including Vietnam. The trend of global trade shifts has a strong impact on the Vietnamese economy, bringing not only opportunities but also significant challenges.
Keywords: Trade, global, transition, supply chain, production…
Việt Nam nằm trong tâm điểm chuyển dịch thương mại toàn cầu tại châu Á
Trong hai thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong dòng chảy thương mại. Sau khoảng thời gian gián đoạn vì đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu dần quay trở lại quỹ đạo, các hoạt động và nhu cầu có những chuyển biến đáng kể. Đáng chú ý, khu vực châu Á được nhận định đang ở trong thời kỳ hoạt động ngoại thương phục hồi mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Từ sự thống trị của các nền kinh tế phương Tây, thương mại toàn cầu ngày càng tập trung vào khu vực này; châu Á được đánh giá là động lực chính của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Sự chuyển dịch của dòng chảy thương mại chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ sự thay đổi chuỗi cung ứng, chính sách thương mại, đến sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại sang châu Á.
Việt Nam hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất, cung ứng quan trọng nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực trẻ và chính sách mở cửa kinh tế. Cụ thể, từ Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn ở châu Á, đồng thời là cầu nối giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới. Dân số trên 100 triệu người, lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động có tính cạnh tranh cao đem lại những lợi thế để thu hút các doanh nghiệp muốn tối ưu hóa chi phí. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong số 60 quốc gia trong Tổng chỉ số nguồn nhân lực của ManpowerGroup (Mỹ), qua đó cho thấy, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động đáng tin cậy và có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Ngoài ra, Chính phủ triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài, nhờ đó, Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam liên tục ghi nhận dấu mốc kỷ lục mới với kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ghi dấu mốc mới với 405,53 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 14,3% so với năm trước. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: Dệt may, da giày, điện tử, nông sản, chế biến gỗ... đều tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn vào kim ngạch chung của cả nước. Cùng với đó, các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và giá trị gia tăng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) cùng với hàng loạt FTA song phương và đa phương đã góp phần thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất cũng như dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến những cái tên nổi bật như: Samsung, Nike, Adidas, Intel…
Năm 2024, Việt Nam thu hút lượng vốn FDI lớn từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, Intel và nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu. Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương… trở thành các trung tâm sản xuất chiến lược. Với 282 dự án FDI được đầu tư và thực hiện, trong năm 2024, Việt Nam đón nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và 2,72 tỷ USD vốn đăng ký điều chỉnh. Trong đó, các địa phương như: Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Tây Ninh là những điểm đến thu hút vốn nhiều nhất cả nước.
Dữ liệu mới đây từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính hàng đầu thế giới S&P Global Market Intelligence (Mỹ) cho biết, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu để các công ty dịch chuyển sản xuất và sự dịch chuyển này nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Theo đó, Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nước dẫn đầu trong xu hướng “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận).
Đem lại cơ hội lớn cùng những thách thức mới
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện vẫn là “công xưởng của thế giới”, chiếm khoảng 30% sản lượng nguồn cung toàn cầu. Quốc gia này sở hữu những lợi thế cạnh tranh nổi bật như cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, trình độ nhân lực cao và có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với xu hướng dịch chuyển của một số chuỗi giá trị ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây (chiến lược Trung quốc +1), các doanh nghiệp lớn toàn cầu đã, đang và tiếp tục tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất. Và Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Dịch chuyển thương mại đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ở Việt Nam, từ các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày đến các ngành công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện. Việt Nam có cơ hội không chỉ là điểm đến lắp ráp mà còn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải thiện năng lực sản xuất và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực như linh kiện điện tử, cơ khí chính xác và vật liệu mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), tự động hóa và phân tích dữ liệu lớn để nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí và tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các công nghệ như in 3D, robot công nghiệp và sản xuất thông minh có thể giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghiệp 4.0, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển khác. Ngoài ra, việc triển khai các nền tảng số hóa trong quản lý sản xuất và logistics cũng góp phần tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của thị trường quốc tế.
Việt Nam còn có cơ hội tham gia sâu hơn, trở thành điểm nhấn rõ nét hơn nữa trong bức tranh toàn cảnh của thương mại thế giới. Các hiệp định thương mại và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc tham gia các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP, CEPA, VIFTA… không chỉ giúp Việt Nam giảm thuế xuất khẩu mà còn tạo điều kiện tiếp cận các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia và các thị trường mới như: Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Israel, tạo bước đệm hướng đến thị trường Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng mạng lưới đối tác toàn cầu để mở rộng thị trường, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất theo chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, giảm rủi ro và gia tăng tính bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh những cơ hội rộng mở, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức từ xu hướng dịch chuyển thương mại. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, gia công, hướng đến xuất khẩu của các nước: Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, Malaysia cũng đặt Việt Nam vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Nhiều ngành công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ về nguồn nguyên liệu, dẫn đến rủi ro khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các ngành sản xuất như dệt may, da giày, điện tử hiện vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác. Khi có biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu tăng cao hoặc việc vận chuyển bị gián đoạn có thể ảnh hưởng lớn đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về áp lực hạ tầng và nhân lực. Nhất là khi sự gia tăng đầu tư FDI đòi hỏi phải cải thiện hệ thống hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đại. Việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông, điện lưới, mạng lưới logistics là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững. Thêm vào đó, lực lượng lao động Việt Nam cần được nâng cao về kỹ năng và tay nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật cao và quản lý sản xuất.
Để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức, cần có các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện một số khuyến nghị sau: (1) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để đào tạo lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại. (2) Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logistics để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư. (3) Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. (4) Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu trong nước và hợp tác với các đối tác khu vực để đa dạng hóa nguồn cung. (5) Mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và khai thác tiềm năng mới. (6) Chú trọng đến các vấn đề môi trường, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên./.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2024, Tổng cục Thống kê;
2. “Khởi sắc thương mại Việt Nam năm 2024”, Tạp chí Con số và Sự kiện, https://consosukien.vn/khoi-sac- thuong-mai-viet-nam-nam-2024.htm.
Minh Huyền