Cơ giới hóa - Con đường để trở thành "trung tâm chế biến nông sản" thế giới

30/08/2022 - 03:09 PM
Có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển và đã chứng tỏ vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, an sinh xã hội. Đóng góp trong thành công chung của toàn ngành nông nghiệp đó là sự khởi sắc của cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, chế biến.
 
Cơ giới hóa - động lực để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp
 
Theo kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ của Tổng cục Thống kê, trong những năm 2016 - 2020, cơ giới hóa sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần. Cũng theo kết quả điều tra, diện tích gieo trồng lúa vụ đông xuân năm 2020 làm đất bằng máy chiếm 92,23% tổng diện tích gieo trồng; diện tích gieo sạ bằng máy chiếm 31,18%; diện tích thu hoạch bằng máy chiếm 86,63%. Diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm khác trong 12 tháng trước thời điểm điều tra 01/7/2020 làm đất bằng máy chiếm 51,64%; diện tích thu hoạch bằng máy chiếm 4,17%. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cơ giới mạnh nhất. Diện tích làm đất, gieo sạ, thu hoạch bằng máy chiếm trong tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Đông xuân năm 2020 lần lượt là: 93,88%, 52,85% và 92,65%. Trong đó, các chỉ tiêu tương ứng của Long An là: 100,00%, 74,28% và 99,99%; Đồng Tháp: 96,65%, 70,10% và 96,99%; An Giang: 43,79%, 83,12% và 93,66%; Kiên Giang: 94,99%, 60,34% và 88,81%; Cần Thơ: 98,79%, 55,15% và 96,00%.
 
Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như ở khâu làm đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hàng năm đạt trên 70%. Trong chăn nuôi, tại các trang trại quy mô lớn có mức độ cơ giới hóa ngày càng phát triển; tỷ lệ hệ thống tự động cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường ngày càng tăng. Lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sử dụng máy móc, công nghệ trong nhiều khâu từ việc kiểm tra nhiệt độ nước, chăm sóc, thu hoạch.
 
Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trên cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan, như: Thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5,0%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, cao su đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm.
 
Thực tế ở các địa phương trong những năm qua cũng cho thấy, với những cách làm khác nhau, quá trình cơ giới hóa đã xuất hiện nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả. Đơn cử như tại tỉnh Bình Định có các mô hình: Sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; Máy cuộn rơm để tận thu phế phụ phẩm sau thu hoạch phục vụ cho chăn nuôi trâu bò và làm nấm ăn; mô hình cơ giới hóa trỉa hạt đối với lạc. Hay như các mô hình máy cấy lúa bằng mạ khay, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy lúa tĩnh vỉ ngang (lò sấy), hệ thống chuồng trại khép kín với hệ thống ăn bán tự động, uống tự động; hệ thống làm mát, sưởi ấm chuồng nuôi, hệ thống máng ăn, núm uống tự động tại tỉnh Nam Định. Điều đáng nói là tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc hiện đại để sản xuất.
 
Cơ giới hóa - Con đường để trở thành
Cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho sản xuất nông nghiệp

Cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, giải phóng sức lao động cho người nông dân và từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Quan trọng hơn, cơ giới hóa đã khiến người nông dân đổi mới tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu đáng kể trên thì mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp. Sản phẩm chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt chưa cao, chỉ khoảng 30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ trung bình trên thế giới. Hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, chi phí còn cao. Lao động được đào tạo còn ít nên việc đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa cao. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế, nên việc thực hiện chính sách không hiệu quả. Bên cạnh những khó khăn và tồn tại nêu trên, ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện thường xuyên và có nguy cơ tái diễn rất cao nếu không được kiểm soát tốt và đặc biệt đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển sản xuất, gián đoạn trong khu vực và toàn cầu của việc cung ứng hàng hóa nông sản, tác động trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản và đặt ra thách thức lớn đối với việc đòi hỏi nâng cao trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.
 
Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới
 
Để cơ giới hóa thực sự là con đường để hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Chiến lược được ban hành nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa; phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
 
Về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể, sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030. Trong phát triển chế biến, bảo quản nông sản, Chiến lược đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến; hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.
 
Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030. Cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 90% năm 2030.
 
Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, mục tiêu của chiến lược là đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản trên 8%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.
 
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược chỉ rõ định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là: Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản. Khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, miền. Cùng với đó, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
 
Với mục tiêu, định hướng trên, Chiến lược đưa ra 6 nhóm giải pháp cần thực hiện. Thứ nhất, hoàn thiện về thể chế, chính sách. Trong đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung…
 
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ. Phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là“trụ cột” của chuỗi giá trị. Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
 
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
 
Thứ tư, về phát triển nguồn nhân lực. Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cơ giới nông nghiệp và chế biến nông sản như: Cơ khí nông nghiệp, cơ khí thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm..., chú trọng thực hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
 
Thứ năm, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
 
Thứ sáu, về huy động nguồn lực, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan. Ưu tiên các đề án phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô vừa và nhỏ và đề án đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
 
Chiến lược sẽ ưu tiên thực hiện các đề án: Phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô vừa và nhỏ; Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
 
Tại Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương để tạo sức bật cho cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam “về đích” trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030./.
 
ThS. Nguyễn Việt Bình
Đại học Thương mại

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top