Việt Nam là một quốc gia biển trên thế giới. Phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển là tất yếu trong suốt lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngày nay, Việt Nam đã chủ động khẳng định vai trò quyết định to lớn của biển đối với phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Mục tiêu được xác định là Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành “Quốc gia biển mạnh” vào năm 2030 theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Viết tắt là NQ36 về chiến lược biển).
Sau hơn ba năm thực hiện, NQ36 về chiến lược biển đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình tổ chức vẫn chậm, bộc lộ những hạn chế. Vì thế, ngày 24 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về “Đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện chiến lược biển” với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia biển và hải đảo, bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh”. Đây là hai công cụ thống kê và kế hoạch nhằm vừa cung cấp thông tin thống kê phản ánh thực trạng, vừa xây dựng, theo dõi và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chiến lược biển hàng năm, 5 năm với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành “Quốc gia biển mạnh” vào năm 2030.
Xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia biển và hải đảo
Hệ thống chỉ tiêu thống kê này dự kiến gồm 54 chỉ tiêu thống kê, trong đó: 2 chỉ số tổng hợp; 31 chỉ tiêu thống kê kinh tế biển; 6 chỉ tiêu thống kê xã hội, 4 chỉ tiêu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; và 11 chỉ tiêu thống kê môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bộ chỉ tiêu thống kê được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chỉ tiêu thống kê của quốc tế và quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; đồng thời bổ sung, điều chỉnh nhằm đánh giá các chỉ tiêu kế hoạch của NQ36, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm của nước ta.
Dựa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê biển và hải đảo, cơ quan thống kê nhà nước tiến hành thu thập thông tin bằng cả 3 hình thức do Luật Thống kê quy định (Chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê và khai thác hồ sơ hành chính) để có được thông tin thống kê về 54 chỉ tiêu thống kê phản ánh thực trạng và động thái tổ chức thực hiện chiến lược biển. Trên cơ sở thông tin thống kê này, cùng với số liệu của bộ chỉ tiêu kế hoạch để tính toán mức độ kế hoạch cho thời gian tiếp theo; đồng thời theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành, vượt kế hoạch của chiến lược biển.
Xây dựng bộ chỉ tiêu kế hoạch biển và hải đảo
Việc xây dựng và ban hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bộ chỉ tiêu kế hoạch là mới mẻ và rất cần thiết cho một chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi cấp hành chính ở nước ta, đúng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị và yêu cầu thực hiện trong tổ chức triển khai chiến lược biển. Bộ chỉ tiêu kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu của chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các cấp hành chính có biển. Đáng chú ý, dữ liệu, thông tin thống kê của 54 chỉ tiêu thống kê biển và hải đảo kết hợp với dữ liệu của bộ chỉ tiêu kế hoạch nhằm vừa chỉ ra một cách khoa học, khả thi, phù hợp với mức độ phải đạt được của mỗi chỉ tiêu kế hoạch theo thời gian, thời kỳ; vừa theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành, vượt kế hoạch của chỉ tiêu kế hoạch trong chiến lược biển.
Bộ chỉ tiêu kế hoạch được xây dựng bao gồm tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong chiến lược biển, NQ36 của Đảng và NQ26 của Chính phủ. Đồng thời bổ sung một số chỉ tiêu thống kê trong số 54 chỉ tiêu thống kê về biển và hải đảo. Bộ chỉ tiêu kế hoạch biển và hải đảo phải phù hợp với Hệ thống chỉ tiêu thống kê biển và hải đảo tương ứng về tên chỉ tiêu, phương pháp tính,... Bộ chỉ tiêu kế hoạch có số chỉ tiêu thường ít hơn số chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia biển và hải đảo.
Xây dựng và theo dõi đánh giá thực hiện mục tiêu chiến lược biển
Một là, tính các chỉ số nhiệm vụ kế hoạch thực hiện và vượt kế hoạch hàng năm, 5 năm trong tổ chức chiến lược biển. Chỉ số thực hiện kế hoạch chỉ ra thực tế có vượt hay dưới kế hoạch. Để xác định mức độ vượt kế hoạch, cần tính chỉ số vượt kế hoạch.
Hai là, để xây dựng mức độ kỳ kế hoạch khả thi, phù hợp (tức là mức độ cần đạt được của một chỉ tiêu kế hoạch nào đó trong kỳ kế hoạch) thì rất cần số liệu dự báo thống kê.
Dự báo thống kê giúp cho công tác kế hoạch, cho tương lai nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Nguyên tắc chung là phải dựa vào số liệu thống kê theo dãy số thời gian. Sau đó xây dựng mô hình, hàm xu thế, xác định quy luật biến động của chỉ tiêu,... Từ đó, dự báo kết quả của chỉ tiêu những năm tiếp theo (kỳ kế hoạch mới). Để đề ra được mức độ cần đạt hoặc vượt trong kỳ kế hoạch phải dựa vào kết quả, vào dự báo thống kê và kết hợp với nguồn lực mới xuất hiện trong kỳ kế hoạch. Do đầu tư phát triển là tạo ra tốc độ tăng trưởng nên mức đầu tư, quá trình đầu tư phải được bổ sung khi xác định mức độ cần đạt được của chỉ tiêu kế hoạch trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chắc chắn rằng, khi Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ chỉ tiêu kế hoạch về biển và hải đảo được phê duyệt, công bố và đi vào cuộc sống sẽ là một công cụ khoa học, pháp lý cho hoạt động kế hoạch, hoạt động thống kê nhà nước hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần phản ánh, theo dõi và đánh giá trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời kết quả tổ chức thực hiện chiến lược biển, đặc biệt là thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam là “Quốc gia biển mạnh”./.
TS. Vũ Thanh Liêm, ThS. Vũ Trọng Nghĩa
Hội Thống kê Việt Nam