Công nghệ trong định hình nguồn nhân lực

12/03/2025 - 01:41 PM

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ đang làm thay đổi nhiều ngành nghề và xuất hiện thêm nhiều công việc mới, đòi hỏi doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở giáo dục đào tạo phải thay đổi để thích ứng, từ đó giúp Việt Nam có thể tăng lợi thế cạnh tranh và tận dụng những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) mang lại.

Từ khóa: Nhân lực, công nghệ cao, công nghiệp, Việt Nam...

Công nghệ định hình nguồn nhân lực

Trong thực tế, tác động của CMCN 4.0 và sự ra đời của các công nghệ mới đã hình thành nhiều ngành nghề mới, trong đó các ngành nghề về công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ sinh học và dịch vụ... đang tạo ra sự tương tác giữa con người với máy móc. Ngoài ra, loại hình công việc lao động chân tay chính xác hay những công việc có tính chất lặp đi, lặp lại trước tác động của cuộc CMCN 4.0 cũng đang dần được các robot và máy móc thay thế. Công nghệ trong định hình nguồn nhân lực

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây đã làm công việc thay đổi rõ rệt và nhanh chóng. Thông qua ứng dụng công nghệ, nhiều lao động có thể thực hiện được các phần việc trước đây chưa từng làm, nhiều lĩnh vực trong sản xuất đã sử dụng các ứng dụng AI để thay thế con người thực hiện nhiều công việc phức tạp và cũng đã tạo ra nhiều việc làm mới.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tự động hóa và AI hiện đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ với việc sử dụng phổ biến hơn robot trong các dây chuyền sản xuất, kho vận và các ứng dụng AI để thay thế con người thực hiện nhiều công việc phức tạp như: Chatbot, dịch vụ khách hàng, chuẩn đoán y khoa, kiểm soát chất lượng...

Trong đại dịch Covid-19, hình thức làm việc từ xa (WFH) cũng đã xuất hiện. Hình thức này nhanh chóng được nhiều người lao động tiếp nhận và mang lại hiệu quả. Theo khảo sát của PwC vào năm 2023, khoảng 8% người được hỏi mong muốn WFH hoàn toàn; 74% mong muốn kết hợp làm việc tại văn phòng và WFH; còn lại là những người làm việc hoàn toàn tại văn phòng. Thay đổi hình thức làm việc theo WFH đã tác động tới người lao động cần phải trang bị kỹ năng mới, sử dụng công cụ thông tin nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an toàn, an ninh bảo mật dữ liệu. Cũng trong đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề mới ra đời, trong đó phải kể tới sự phát triển thương mại điện tử đã làm thay đổi thị trường bán lẻ; các ứng dụng đặt xe thay đổi ngành vận tải hành khách; các nền tảng trực tuyến thay đổi lĩnh vực giải trí… Những thay đổi này kéo theo thị trường lao động có nhu cầu nhân sự lớn như các vị trí làm khoa học dữ liệu, kỹ sư dữ liệu lớn, chuyên gia an toàn thông tin, chuyên gia marketing số (streamer)…

Đứng trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ để sử dụng và vận dụng được công nghệ cũng như đáp ứng tốt công việc mới, đòi hỏi người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ, làm chủ được công nghệ, vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (2019), trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số. Theo đó, có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có rủi ro trung bình (có xác suất bị thay thế từ 30-70%) và 12% có rủi ro thấp (có xác suất bị thay thế dưới 30%). Dự báo này cho thấy tác động của ứng dụng công nghệ số đối với việc làm góp phần định hình lao động trong tương lai.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 749/ QĐ-TTg), xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế số sẽ là xu hướng chủ đạo, do đó vai trò trọng tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ ngày càng trở nên cần thiết.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao

Theo các chuyên gia, một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, dài hạn phát triển nguồn nhân lực này để đáp ứng các ngành công nghiệp mới nổi trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu.

Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam nêu rõ: “Tăng cường đào tạo kiến thức về KHCN, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM/STEAM. Tăng cường định hướng nghề nghiệp và tư vấn theo đuổi khoa học, kỹ thuật và ngành kỹ thuật trong các trường học phổ thông và các trường đại học”.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao cho thấy, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37, việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Về tuyển sinh, đào tạo, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014-2023 đạt 21 triệu 238 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh cả về quy mô và đa dạng hóa về nội dung, hình thức. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở những nước tiên tiến. Giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, từng bước quốc tế hóa tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước hiện có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương và các trung tâm thuộc các cơ quan, đoàn thể Trung ương; hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 khu làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo và hàng trăm quỹ đầu tư; hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm. Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số GII của Việt Nam năm 2023 xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022; Trong khu vực ASEAN, chỉ số GII của Việt Nam đứng thứ 4, xếp hạng sau Xin-ga- po (xếp hạng 5), Ma-lai-xi-a (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43). Chi nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với năm trước; chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2; chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật xếp vị trí 94, giảm 11 bậc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam

Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, hoàn thiện, bổ sung công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển không chỉ bảo đảm cho nguồn nhân lực KHCN có sự phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc để nguồn nhân lực phát triển. Đây được xem là giải pháp có tính chất quyết định và tác động trực tiếp đến sự phát triển của nguồn nhân lực KHCN.

Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN. Theo đó, các cơ sở đào tạo trên cả nước cần vận dụng những thành tựu của công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy học, trang bị cho người học kiến thức để làm chủ KHCN từ cơ bản đến hiện đại.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực KHCN. Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa và có cơ chế đặc biệt để phát triển và phát huy vai trò trung tâm trong các hoạt động KHCN của các trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực KHCN cao.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực KHCN, trong đó chú ý tới lựa chọn đối tác chiến lược, gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KHCN với hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác KHCN. Thực hiện chính sách thu hút chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có trình độ cao đến Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn trong nghiên cứu KHCN.

Năm là, hàng năm tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing).

Sáu là, triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEAM/STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

Bảy là, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực hiện triển khai thử nghiệm đào tạo, đào tạo lại về công nghệ số cho người lao động.

Tám là, đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số cho doanh nghiệp và người dân; phát triển các Trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số./.

ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tài liệu tham khảo

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ theo Quyêt định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.

Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động và các hàm ý chính sách (https://tapchitaichinh.vn/anh- huong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-den-nguoi-lao-dong-va-cac-ham-y-chinh-sach)


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top