Công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020

06/06/2022 - 11:08 AM
“Công nghiệp chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, là ấn phẩm được Tổng cục Thống kê (TCTK) biên soạn và phát hành năm 2021. Với mục tiêu cung cấp thông tin phục vụ quá trình hoạch định chính sách của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT). Trong đó đi sâu vào tìm hiểu, phân tích thực trạng cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp CBCT nhằm phát huy vai trò động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp này trong thời gian tới.
Ấn phẩm gồm 3 phần:
  1. Tổng quan chung về ngành công nghiệp CBCT: Trong đó nêu rõ các khái niệm, nhân tố tác động, vai trò và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp CBCT ở Việt Nam.
  2. Thực trạng ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung phân tích về bối cảnh kinh tế; Các yếu tố đầu vào của ngành CBCT, thực trạng về doanh nghiệp CBCT; Tăng trưởng ngành công nghiệp CBCT; Đóng góp của ngành công nghiệp CBCT vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020; Phân tích năng lực cạnh canh của ngành công nghiệp CBCT; Thành tựu, hạn chế của ngành công nghiệp CBCT.
  3. Giải pháp nâng cao vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Quan điểm phát triển công nghiệp CBCT Việt Nam trong thời gian tới; Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CBCT; Giải pháp nâng cao vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp CBCT.
Có thể thấy, với những nội dung đầy đủ, mang tính khái quát và cụ thể đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của ngành công nghiệp CBCT của Việt Nam thời gian qua, đồng thời cũng thấy rõ tác động và sự đóng góp trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo phân tích từ ấn phẩm, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP toàn nền kinh tế của ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp CBCT đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, sự gia tăng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ưu điểm nổi bật của nền kinh tế trong giai đoạn 2011- 2020, sự giảm dần vai trò của ngành khai khoáng trong nền kinh tế để hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai là hướng đi tích cực và đúng đắn của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020, tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo sơ bộ chiếm 16,70% trong GDP, tăng 3,35 điểm phần trăm so với năm 2011; ngành khai khoáng chiếm 5,55%, giảm 4,32 điểm phần trăm. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, ngành CBCT tăng 0,37 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 0,39 điểm phần trăm.

Cơ cấu các tiểu ngành trong nội bộ ngành công nghiệp CBCT đã có sự đa dạng hóa. Một số tiểu ngành trong ngành công nghiệp CBCT thực hiện gia công, lắp ráp sản phẩm, đảm nhận những khâu đơn giản có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu lại chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng phát triển mạnh. Sơ bộ năm 2020, giá trị tăng thêm (VA) ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm 16,42% tổng VA của toàn ngành CBCT, tăng 9,68 điểm phần trăm so với năm 2011.

Giai đoạn 2011-2020, đóng góp của ngành CBCT vào tăng trưởng kinh tế cả nước có xu hướng tăng và ngày càng ổn định. Năm 2011, ngành CBCT đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; đến năm 2017 đóng góp 2,6 điểm phần trăm; năm 2018 đóng góp 2,5 điểm phần trăm; năm 2019 đóng góp 2,3 điểm phần trăm; năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên sơ bộ chỉ đóng góp 1,3 điểm phần trăm; bình quân trong giai đoạn 2011-2020, ngành CBCT đóng góp 1,9 điểm phần trăm/năm, cao hơn mức đóng góp của các ngành dịch vụ.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2020, ngành CBCT có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng theo xu hướng chung ở các nước đang phát triển, đó là tăng trưởng kinh tế đều dựa vào tăng trưởng của ngành CBCT. Nghiên cứu cho thấy, khi giá trị tăng thêm ngành CBCT tăng thêm 1% thì tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế sẽ tăng thêm 0,31 điểm phần trăm.

Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, công nghiệp CBCT cũng có những đóng góp đáng kể về mặt xã hội. Theo đó, công nghiệp CBCT là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và sự gia tăng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ. Bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,9%/năm thì ngành công nghiệp CBCT đã cho thấy vai trò chủ đạo trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ trọng lao động tăng từ 13,9% (2011) lên 21,1% (2020), tăng 7,2 điểm phần trăm so với năm 2011 và là mức tăng cao nhất trong các ngành kinh tế.

Bên cạnh việc làm rõ những đóng góp của ngành CBCT vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020, ấn phẩm cũng đã nêu rõ quan điểm phát triển công nghiệp CBCT Việt Nam trong thời gian tới, đó là việc phát triển công nghiệp CBCT Việt Nam không thể tách rời sự phát triển công nghiệp toàn cầu nói chung và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước nói riêng. Đảm bảo mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CBCT theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 đến năm 2030: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp CBCT trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp CBCT đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Phần cuối ấn phẩm đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp CBCT. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp: Nâng cao trình độ lao động, Tập trung đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm mũi nhọn; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Thu hút FDI chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chế biến trong nước; Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp CBCT./.

 
T.H (tổng hợp)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top