Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới: Thành tựu và thách thức

22/11/2021 - 03:56 PM
Với sự ra đời và dần được hoàn thiện của nhiều cơ chế, chính sách về đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được cải thiện đáng kể, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy do dịch Covid-19, ngành công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để có thể đạt được mục tiêu đặt ra cũng như duy trì đà phát triển bền vững.
 
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) những thành tựu đạt được

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển ngành CNHT theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đã xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT là động lực phát triển kinh tế.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách đã giúp cho lĩnh vực CNHT được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản...

Nhờ vậy, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 4.840 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600 nghìn lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900 nghìn tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa là từ 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Với sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe tỷ lệ nội địa hóa đạt tỷ lệ tới 55%...

Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

 
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới: Thành tựu và thách thức

Ảnh minh họa

 
Cùng với đó, các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho CNHT, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, các bộ, ngành đã phối hợp đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNHT để mở rộng thị trường và nâng cao trình độ các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Cụ thể như: Dự án hợp tác với Samsung trong Chương trình phát triển nhà cung cấp; Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp… Bộ Công Thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng 6/2020, khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT Việt Nam. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin này đã có hơn 3.600 doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong các lĩnh vực như: cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may, da giày.

Các hỗ trợ trên đã giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nội địa. Doanh nghiệp CNHT trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam đã có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp CNHT đã có sự đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới đảm bảo các tiêu chuẩn của các đối tác…

Khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới

Mặc dù sự phát triển của CNHT thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, song trong bối cảnh hội nhập và kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 đã và đang khiến tất cả các ngành kinh tế, trong đó ngành công nghiệp của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết 115/NQ-CP đã đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nhận định cho đến thời điểm hiện nay đây vẫn được coi là mục tiêu có nhiều thách thức với ngành CNHT trong nước.

Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực công thương của Chính phủ cho biết, năng lực tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước còn nhiều bất cập; tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Điển hình như đối với ngành dệt may: Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40%-45%. Tương tự với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68%-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40%-45%. Thậm chí, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5%. Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là SamSung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Mới chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho SamSung. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của SamSung.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, thực tế các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm CNHT và gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh.

Cùng đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Bên cạnh đó sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của CNHT. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tổng hợp, trong số doanh nghiệp cung cấp cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, có 58,9% các doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam và chỉ khoảng 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn vẫn còn hạn chế. Cụ thể, trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.Trong khi đó tại Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Ngoài ra, do phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như: điện tử; dệt may; da giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.

Một trong những thách thức, khó khăn khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CNHT hiện nay là sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Trong khi đặc trưng của CNHT có tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, song các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá… điều này đã tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất, giao dịch, lưu thông hàng hoá… CNHT vẫn luôn được xác định là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy, để tiếp tục tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực CNHT trong nước phát triển, bên cạnh sự nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của mỗi doanh nghiệp thì hệ thống cơ chế chính sách về CNHT cần được hoàn thiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, có như vậy CNHT mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển bền vững./.

 
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top