Công nghiệp ô tô Việt Nam tận dụng cơ hội để hội nhập và phát triển

29/05/2019 - 04:24 PM
Từ những cơ hội và nỗ lực phát triển…

Mặc dù ra đời muộn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, song ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội để phát triển. Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: Quy mô và cơ cấu dân số, thu nhập bình quân đầu người và số lượng xe bình quân trên 1.000 dân. Trong khi đó, nước ta hiện có trên 94 triệu dân, với 58,5% trong độ tuổi lao động với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10% năm. Cùng với đó thì quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn quá nhỏ khi sản lượng tiêu thụ hiện nay đang ở mức thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, chỉ bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của thị trường Indonesia. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 xe/1.000 dân, trong khi ở các nước phát triển trung bình là 400 xe, riêng tại Mỹ đã đạt 790 xe/1.000 dân. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước là 450-500 nghìn xe và năm 2025 là 800-900 nghìn xe. Đặc biệt, ô tô cá nhân được dự báo sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của nước ta cũng có xu hướng tăng đều qua các năm. Năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016; năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Dự báo, từ nay đến năm 2035 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.780 USD. Với những yếu tố trên, cùng với cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện sẽ hứa hẹn một thị trường ô tô sôi động, tạo nhiều cơ hội để công nghiệp ô tô phát triển trong thời gian tới.

 
Công nghiệp ô tô Việt Nam tận dụng cơ hội để hội nhập và phát triển 4
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hiện, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô cũng đang tăng cao. Tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đạt khoảng 600.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách; một số chủng loại xe như xe tải trọng tải đến 7 tấn có tỷ lệ nội địa hóa 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Đáng chú ý là Ngành đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số công ty trong nước như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Huyndai Thành Công, Tập đoàn Vingroup; các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi... Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%, nhưng các doanh nghiệp lớn trong nước vẫn đang tiến hành và khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô bài bản, dài hạn, mà còn đón đầu xu hướng dự báo thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Theo đó, một số dự án đầu tư lớn đã và đang thổi vào ngành công nghiệp ô tô trong nước luồng sinh khí mới như: Tháng 3/2018, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô THACOMazda với công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus với công suất 20.000 xe/năm có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Năm 2017, THACO cũng đã trở thành nhà nhập khẩu, phân phối chính thức các sản phẩm từ thương hiệu ô tô BMW, đồng thời cũng là nhà phân phối và lắp ráp các dòng xe thương mại mang nhãn hiệu Fuso (Nhật Bản) tại Việt Nam. Năm 2017 Tập đoàn Thành Công cũng đã hợp tác cùng Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam với công suất 120.000 xe/năm. Qua đó, Tập đoàn Thành Công trở thành nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối duy nhất tất cả các dòng xe của thương hiệu Hyundai tại Việt Nam với hai sản phẩm xe du lịch và xe thương mại đã được giới thiệu trên thị trường. Đặc biệt, mới đây Tập đoàn VinGroup cũng đã đầu tư nhà máy VINFAST sản xuất xe máy điện và ô tô với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/ năm vào năm 2025. Mục tiêu của VINFAST là trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á. Sản phẩm chủ lực là ôtô động cơ đốt trong, ôtô động cơ điện và xe máy điện. Giai đoạn 1 nhà máy sẽ xuất xưởng mẫu xe sedan 5 chỗ và mẫu xe SUV 7 chỗ và xe máy đạt tiêu chuẩn châu Âu, công suất dự kiến 100.000-200.000 xe/năm.

Có thể thấy, điểm nhấn của các dự án ô tô được khởi công giai đoạn vừa qua đã đều đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN nhằm tận dụng ưu đãi về thuế theo các hiệp định thương mại tự do trong tương lai gần. Ngoài ra, với việc mở rộng quy mô, hiện đại hóa quá trình sản xuất, lắp ráp, nâng cao sản lượng ô tô chế tạo trong nước sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời sẽ đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường và hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước.

Không chỉ đa dạng trong việc đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành công nghiệp ô tô nước ta cũng đang tiếp cận các công nghệ mới nhằm từng bước hội nhập theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển theo 4 hướng chính gồm: Tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Với những xu hướng này ô tô sẽ không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm thú vị cho người dùng. ỞViệt Nam, để không bỏ lỡ thời cơ và quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ô tô, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và bước đầu có những kết quả nhất định. Từ năm 2016, Công ty cổ phần FPT đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này; đến giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình; tháng 10/2017, xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được tiến hành chạy thử nghiệm thành công. Đặc biệt, gần đây Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VINFAST đã và đang đầu tư, trang bị hàng nghìn robot tự động cho sản xuất, lắp ráp ô tô và xe điện tại Hải Phòng. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào sản xuất thương mại vào 2019, khi đó người tiêu dùng có thêm lựa chọn xe điện không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Ngoài ra, với trên 50 triệu người dùng internet, chiếm gần 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới 46,64%; cộng với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tương đối phát triển sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô có khả năng tiếp cận nhanh chóng với các thành quả công nghiệp 4.0, đây có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

…cùng sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa bao giờ được ưu đãi tốt như hiện nay. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mới đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã sản xuất cũng khá cụ thể và thiết thực. Cụ thể như: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt với những định hướng mục tiêu cụ thể, tạo tiền đề tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô phát triển. Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cũng như triển khai nhiều các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Điển hình như Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá vươn lên.

Mới đây, tháng 5/2018, kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 cũng đã được phê duyệt. Trong đó, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện ưu tiên về hạ tầng, tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô và sản xuất ô tô. Thêm vào đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao (10%), đây là mức ưu đãi về thuế cao nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay.

Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận định, ngành công nghiệp ô tô sẽ có nhiều lợi thế hơn khi công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam hiện có rất tiềm năng phát triển. Ngày càng nhiều tập đoàn lớn muốn xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam nhằm cung ứng cho nhu cầu nội địa ngày càng tăng, đồng thời tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, thông thương cảng quốc tế của Việt Nam để dễ dàng xuất khẩu sang các nước khác.

Và một số giải pháp phát triển

Có thể thấy, với sự hậu thuẫn đáng kể từ các cơ chế, chính sách của Chính phủ như hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có nhiều tiền đề để phát triển bứt phá, tuy nhiên về lâu dài theo các chuyên gia kinh tế, Ngành công nghiệp ô tô cần có chiến lược bài bản và dài hơi hơn. Các giải pháp được đưa ra trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay cần có sự triển khai đánh giá một cách toàn diện về thực trạng sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó ngành công nghiệp ô tô cần rà soát, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp; nghiên cứu, thiết kế chiến lược bám sát với chuỗi giá trị sản xuất của ngành.

Ngoài ra, việc giữ tỷ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các chính sách dài hạn đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và sự tăng trưởng ổn định của thị trường. Các chương trình hỗ trợ nhà sản xuất của Chính phủ nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cần có sự xem xét phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam. Hệ thống chính sách cũng cần được thiết kế đồng bộ, đảm bảo tính ổn định, nhất quán trong thời gian dài, phù hợp với xu thế hội nhập, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, nhằm tận dụng các cơ hội để phát triển, công nghiệp ô tô đang tập trung vào một số giải pháp khác như:Tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực. Đồng thời, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam.

Tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước thành một chuỗi cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp. Bên cạnh đầu tư về công nghệ, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng nhân lực, từ tay nghề, kỹ năng của công nhân kỹ thuật cho tới nghiệp vụ và năng lực quản trị của đội ngũ quản lý để duy trì chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và quản lý sản xuất, chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển những khâu mà chúng ta có lợi thế; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát triển thông qua các hình thức hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và gói tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ và triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trong đó có ngành ô tô.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam cần làm tốt khâu thương mại hóa sản phẩm thông qua khai thác các công cụ bán hàng; thường xuyên tìm kiếm đối tác mới nhằm mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội phát triển và giảm thiểu rủi ro.

Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Khuyến khích người dân sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước. Đảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại…

Từ những cơ hội, sự nỗ lực trong hội nhập và phát triển, cùng một số giải pháp cơ bản mà ngành công nghiệp ô tô đang từng bước triển khai thực hiện ở trên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang kỳ vọng vào một tương lai phát triển và ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị trí là một trong những ngành sản xuất trụ cột của nước ta trong thời gian tới./.

 
ThS. Đặng Thị Hiền - ThS. Nguyễn Thị Diệu Hiền
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top