Công nghiệp văn hóa tạo động lực mới cho phát triển đất nước

27/09/2024 - 11:18 AM
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế ngày càng cao, thực sự trở thành động lực mới cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
 
Từ khóa: Công nghiệp văn hóa, phát triển, chính sách, sản phẩm, nhân lực…
 
Abstract: In recent years, the Party and the State have issued and effectively implemented many guidelines, policies, and legal regulations to develop culture and the cultural industry. With the special attention of various levels and sectors, the cultural industry has gradually become an important service economy, with its contribution to the economy increasing significantly, truly becoming a new driving force for the construction, development, and protection of the Fatherland.
 
Keywords: Cultural industry, development, policy, products, human resources…
 
Phát triển công nghiệp văn hóa bắt nhịp xu hướng chung của thế giới
 
Trên thế giới hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và định vị thương hiệu quốc gia. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, cùng với các yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập như hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Cách đây đúng 10 năm, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Nghị quyết đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận sâu sắc mang tính thời đại của Đảng khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
 
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, ngày 08/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
 
Phát triển công nghiệp văn hóa với nền tảng là các giá trị văn hóa Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra với nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
 
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
 
Báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) cho thấy, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp 2,68% vào tổng sản phẩm (GDP). Sau gần 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu lao động người, tăng 7,44%/năm.
 
Công nghiệp văn hóa tạo động lực mới cho phát triển đất nước
Công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày càng khẳng định là động lực tăng trưởng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đất nước

 
Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển. Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Song song với đó, các doanh nghiệp văn hóa, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Công nghiệp văn hóa cũng góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Với 3 thành phố đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, gồm: Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã đánh dấu căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
 
Uy thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới tiếp tục được khẳng định với 4 lần được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đồng thời, năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm và trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao.
 
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế trọng điểm
 
Công nghiệp văn hóa có phạm vi bao quát rộng lớn, bao gồm nhiều ngành, nghề với đặc trưng dựa trên quá trình sáng tạo văn hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp văn hóa có sự kết hợp chặt chẽ giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, có sức lan tỏa, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Với truyền thống văn hóa nghìn năm văn hiến, sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa với 54 dân tộc, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.
 
Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh của đất nước. Thay vào đó, phát triển công nghiệp văn hóa còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức. Điển hình như: Cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ, vai trò quản lý nhà nước còn tồn tại bất cập, cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ ngành văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm; thiếu hệ thống theo dõi, thống kê để chuẩn hóa và đưa ra đánh giá. Trong xu thế chung, phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn đứng trước thách thức cạnh tranh với các quốc gia đi trước, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế và một số bất cập về đầu tư do ngành này đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng lại rủi ro cao.
 
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc vừa nếu, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế, một số nhóm giải pháp được đề xuất gồm:
 
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, có chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai…; nghiên cứu lựa chọn những ngành, lĩnh vực văn hóa có lợi thế để tập trung đầu tư phát triển, tạo tiền đề cho các ngành, nghề, lĩnh vực khác.
 
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa. Đồng thời, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch. Dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo động lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời tăng cường công tác quản lý.
 
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Song song với đó, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên môn cả trong và ngoài nước.
 
Thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa. Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: in ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, quảng cáo, triển lãm… Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.
 
Thứ năm, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa theo hướng đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo; gắn kết giữa giá trị văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại. Nâng cao giá trị của các sản phẩm văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng văn hóa của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hướng đến xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam trên thị trường văn hóa quốc tế.
 
Các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam rộng cánh bay cao, phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Công nghiệp văn hóa không chỉ phục vụ cho khía cạnh kinh tế, mà còn là “vũ khí” sắc bén trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn bản sắc, phục vụ hiệu quả công cuộc chấn hưng văn hóa quốc gia.

Kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tê sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau: Bám sát chủ trương, đường lỗi của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa đạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững” trên nền tảng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần “Tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tỉnh hoa để đột phá phát triển” các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam./.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 
2. Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
 
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
 
4. Báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
 
Duy Hưng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top