Những năm qua, phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ phát huy hiệu quả vai trò của công tác dân vận, Cà Mau đã huy động được sức mạnh toàn dân cùng tham gia xây dựng NTM.
Công tác dân vận phát huy hiệu quả xây dựng NTM
Kể từ khi tham gia thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM, hệ thống dân vận các cấp của tỉnh Cà Mau liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các mô hình dân vận khéo trong xây dựng NTM. Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng và phát huy, khơi dậy tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm và quan trọng hơn là huy động được sức sáng tạo và nguồn lực trong dân thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh uỷ Cà Mau thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM nâng cao (giai đoạn 2021-2025), xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành chức năng để triển khai thực hiện.
Qua triển khai thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở có sự chuyển biến tích cực, xem đây là trách nhiệm, là động lực để xây dựng các mục tiêu NTM, NTM nâng cao. Qua triển khai, đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, từ đó tích cực tham gia đóng góp vật chất, ngày công lao động, thực hiện các công trình phần việc ở địa phương, hộ gia đình, đặc biệt là khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước.
Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy trách nhiệm; phân công nhiệm vụ từng cấp, từng ngành, từng thành viên ban chỉ đạo, từng cơ quan đơn vị sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Với nhiều cách làm hay sáng tạo, công khai, dân chủ, qua thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình về công tác dân vận, mô hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”; huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực kinh tế có mô hình: Đưa màu xuống ruộng; Tiết kiệm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; Trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá đồng; Vận động Nhân dân xây dựng tổ hợp tác trồng màu; Trồng và bán hoa tết gây quỹ chia sẻ yêu thương… Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mô hình: 5 không, 3 sạch; Xây dựng tuyến dân cư NTM kiểu mẫu… Lĩnh vực quốc phòng- an ninh có mô hình: Kết hợp huấn luyện dã ngoại làm công tác vận động quần chúng; Ánh sáng an ninh; Thắp sáng ước mơ hoàn lương… Về xây dựng hệ thống chính trị có mô hình: Duy trì và nâng cao chất lượng chính quyền thân thiện; Xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân qua nền tảng số theo hình thức ngày tạo lập công dân số, ngày thiết lập dữ liệu số cho công dân…
Năm 2023, đã có trên 340 tập thể, 643 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2020-2023 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thủ trưởng, các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn biểu dương, khen thưởng.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác dân vận ngày càng phát huy hiệu quả nhờ các cấp ủy Đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Với những nỗ lực kể trên, nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng cao. Các hoạt động thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy tinh thần "tương thân, tương ái", trách nhiệm của cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống văn minh trong các tầng lớp Nhân dân. Tiêu biểu như: Công tác từ thiện, nhân đạo; an sinh xã hội trong chăm lo người nghèo, người yếu thế, người cao tuổi, trẻ mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng nhiều hình thức "khéo" đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân, lao động và Nhân dân đồng thuận đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn m2 đất làm đường, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật có giá trị hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội, như: Thăm tặng quà, cất mới, sửa chữa nhà, tặng học bổng, mua bảo hiểm y tế...; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: Sửa chữa, xây mới cầu giao thông, làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; thắp sáng đường giao thông nông thôn; trồng hoa ven đường...
Ngày 29/8/2024 vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM” năm 2024. Hội nghị tập trung vào 4 chuyên đề gồm: Nghiệp vụ công tác Dân vận và Dận vận khéo; Công tác Dân vận tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, giúp nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ các cấp đối với công tác dân vận tham gia xây dựng NTM; qua đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa công tác vận động và tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân để phát huy nội lực, đoàn kết chung sức tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn.
Phát huy hiệu quả, đẩy mạnh giải pháp thực hiện công tác dân vận xây dựng NTM
Hiệu quả của công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp cho các Đảng bộ hoàn thành xây dựng NTM. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy định hướng: Tiếp tục phát huy vai trò tự quản của người dân tham gia xây dựng, nâng chất các tiêu chí NTM, xây dựng các xã NTM nâng cao và tiến tới NTM kiểu mẫu; các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW và các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền và phong trào thi đua "Dân vận khéo". Tiếp tục chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, không để xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài, khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, công tác dân vận trong xây dựng NTM, NTM nâng cao tại tỉnh Cà Mau vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Một số địa phương mới chú trọng thực hiện các nội dung tiêu chí NTM, NTM nâng cao do cấp xã đảm nhận, chưa thực sự quan tâm đầy đủ việc thực hiện các nội dung ở khu dân cư, ấp, khóm và hộ gia đình.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong xây dựng NTM, Ban Dân vận tỉnh Cà Mau đề xuất một số giải pháp cần triển khai có hiệu quả và đồng bộ trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao với vai trò là chủ thể để chủ động, tích cực trong thực hiện chương trình và hưởng lợi trực tiếp từ chương trình. Đồng thời, chuyển đổi phương thức vận hành chương trình: “Nhà nước chuyển từ vai trò quản lý, điều hành chương trình sang vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển, người dân từng bước tham gia vận hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình”.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức chia sẻ thông tin, huy động và sử dụng các nguồn lực để khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đặc thù, thế mạnh của từng địa phương, vai trò tự quản của cộng đồng, tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi người dân trong phát triển cộng đồng và làm giàu chính đáng.
Thứ ba, tích cực đổi mới mạnh mẽ việc phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao. Làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội gắn với lắng nghe ý kiến, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp những nguyện vọng, đề xuất, sáng kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện các công trình, phần việc trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Thứ tư, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của cán bộ khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động và đảm nhận triển khai thực hiện các công trình, phần việc cụ thể để tham gia chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Thứ năm, trong chỉ đạo triển khai các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nên triển khai thí điểm (hoặc làm điểm) để sơ kết, đánh giá và nhân ra diện rộng. Đồng thời, thống nhất các phong trào, cuộc vận động có tính chất tương đồng; ban hành các nội dung, tiêu chí, danh hiệu thi đua, tránh chồng chéo, hình thức.
Thứ sáu, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia vận hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao./.
Thu Hiền