Công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Thống kê giai đoạn 2016-2020 - Những dấu ấn tự hào

24/03/2021 - 03:41 PM
Công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành Thống kê giai đoạn 2016-2020 được triển khai trong bối cảnh kinh tế trong nước đã đạt được kết quả nổi bật, vị thế ngành Thống kê được nâng lên, tính chuyên nghiệp dần được xác nhận và hoàn thiện. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước liên tục bị cắt giảm, dịch Covid-19, thiên tai khắc nghiệt… đã làm ảnh hưởng đến hoạt động công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ (sau đây viết tắt là VSTBPN).

Song được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Tổng cục1, các cấp uỷ Đảng và sự tích cực của Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục, các đoàn thể và đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong Ngành đã chủ động, sáng tạo lồng ghép các mục tiêu VSTBPN và bình đẳng giới vào các hoạt động chuyên môn và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Ngành và hoàn thành các mục tiêu VSTBPN Việt Nam.

Tính đến ngày 20/12/2020 số nữ CCVC là 2.888 người, chiếm 50% tổng số CCVC toàn ngành. Về độ tuổi: So với tổng số CCVC trong cùng độ tuổi, số nữ trong nhóm dưới 30 tuổi chiếm 68,7%, trong nhóm từ 30 tuổi đến dưới 45 tuổi nữ chiếm 57,3% và trong nhóm từ 45 tuổi trở lên, nữ chiếm 26,7%.

- Về trình độ học vấn: Trong tổng số tiến sĩ toàn ngành, có 09 tiến sĩ là nữ, chiếm 69,2%; nữ thạc sĩ chiếm 48,9%, nữ cử nhân chiếm 52,8%, cao đẳng chiếm 46,5% và trình độ khác chiếm 26,3%.
Kết quả thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong toàn Ngành, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực này (Mục tiêu 1)

Tron g 5 năm qua, ngành Thống kê tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động CCVC, trong đó có quan tâm đến CCVC là nữ.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Thống kê có 01 đồng chí nữ được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng
- đây là lần đầu tiên ngành Thống kê có Tổng cục trưởng là nữ. Đối với lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, trong tổng số 230 người thì nữ chiếm 23,5%; lãnh đạo cấp phòng và tương đương, trong tổng số 1.555 người thì nữ chiếm 36,2%. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra là khoảng 25% nữ CCVC giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp Vụ nhưng đây là sự cố gắng lớn của Lãnh đạo Tổng cục và cấp ủy các cấp trong việc quy hoạch và bổ nhiệm CCVC là nữ. Đáng chú ý là những CCVC nữ giữ vai trò Vụ trưởng và tương đương có độ tuổi trung bình khá trẻ (khoảng 46 tuổi).

Giai đoạn 2016-2021, số lượng CCVC nữ trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý của Tổng cục tiếp tục tăng lên. Toàn Ngành có 1 đồng chí nữ quy hoạch Tổng cục trưởng (chiếm 33,3% trong tổng số quy hoạch), 2 đồng chí nữ quy hoạch Phó Tổng cục trưởng (chiếm 33,3%), 138 đồng chí nữ quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, chiếm 31,5%; 967 đồng chí nữ quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng và tương đương, chiếm gần 52,1%. Đây có thể coi là thành công về tăng tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý.

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn nhiều CCVC nữ còn tích cực tham gia vào các công tác đảng, đoàn thể. Trong tổng số 3.797 đảng viên toàn Ngành thì nữ chiếm 48,9%; trong số cấp ủy toàn Ngành thì tỷ lệ nữ là 30,9%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 25%. Ở Đảng bộ cơ quan Tổng cục (bao gồm cả đảng viên các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục trên địa bàn thành phố Hà Nội) trong 241 đảng viên có 124 nữ đảng viên (chiếm 51,2), trong đó có 35 nữ đồng chí tham gia cấp ủy (chiếm 56,5% tổng số cấp ủy); 3 đồng chí tham gia tham gia BCH Đảng bộ cơ quan khóa 26, nhiệm kỳ 2015-2020 (chiếm 21,4%) (chưa đạt mục tiêu là 30%), đáng chú ý là có 2 đồng chí nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Tổng cục, chiếm 40%, trong đó 1 đồng chí là Bí thư Đảng ủy.
Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực công tác, lao động, việc làm (Mục tiêu 2)

Việc thực hiện quyền bình đẳng của nữ trong lĩnh vực lao động và việc làm trước hết thể hiện sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động của Ngành. Nữ giới trong Ngành đã được bố trí tham gia vào mọi lĩnh vực công tác, từ các lĩnh vực nghiệp vụ thống kê, tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, hợp tác quốc tế, xuất bản, báo chí, nghiên cứu khoa học, công tác văn phòng, trong đó, nữ CCVC làm công tác thống kê chiếm gần 51,2% trong tổng số CCVC làm công tác thống kê. Tại cơ quan Tổng cục có 03 nữ Vụ trưởng các Vụ Thống kê chuyên ngành, 01 Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê.

Việc bình đẳng trong lĩnh vực lao động và việc làm còn được thể hiện trong thi tuyển công chức, viên chức. Kết quả tuyển dụng qua các năm gần đây cho thấy tỷ lệ nữ được tuyển dụng tương đối cao và có xu hướng ngày một tăng lên. Kỳ thi năm 2019 vừa qua, đã có 389 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 269 là nữ, chiếm 69,2%.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều nữ công chức, viên chức đã được tạo điều kiện và khuyến khích tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong giai đoạn 2016-2020 trong số 40 đề tài, có 22 đề tài, chiếm 55% (trong đó có 16 đề tài cấp Bộ) do công chức, viên chức nữ làm Chủ nhiệm và nhiều đề tài trong số này được đánh giá là xuất sắc và được triển khai áp dụng trong thực tế.

Có thể khẳng định, với việc bình đẳng trong lĩnh vực lao động và việc làm thu nhập của nữ giới trong Ngành từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng trong ổn định cuộc sống gia đình, tạo điều kiện tốt hơn để chị em yên tâm, phấn khởi công tác.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác đào tạo và bồi dưỡng của toàn Ngành (Mục tiêu 3)

Trong nhiều năm qua, Tổng cục đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thông qua việc cử nữ giới tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị.

Hiện tại, toàn Ngành có 350 nữ CCVC có trình độ trên đại học, chiếm 49,3% trong tổng số những người có trình độ trên đại học của toàn Ngành (mục tiêu đề ra là từ 50% trở lên).

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Thống kê đã thực hiện tổ chức 2 kỳ thi nâng ngạch từ Thống kê viên trung cấp, cao đẳng lên Thống kê viên trong đó tỷ lệ nữ tham gia thi chiếm 58,7%;
và 2 kỳ thi nâng ngạch từ Thống kê viên lên Thống kê viên chính trong đó tỷ lệ nữ tham gia thi chiếm trên 38%.
 
 
MỘT SỐ MỤC TIÊU VÌ SỰ BÌNH ĐẲNG GIỚI CHỦ YẾU  TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
 
     1. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong toàn Ngành nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực này (Mục tiêu 1)
  • Chỉ tiêu 1: Phấn đấu trong đại hội đảng nhiệm kỳ 2025-2030 tỷ lệ nữ tham gia ban chi ủy đạt từ 30% trở lên bình quân trong toàn Ngành; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Tổng cục từ 25% trở lên.
  • Chỉ tiêu 2: Phấn đấu năm 2025 tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương đạt mức 25%.
      2. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực công tác, lao động, việc làm (Mục tiêu 2)
  • Duy trì tỷ lệ CCVC nữ trong Ngành ở mức 50%, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được tham gia trong mọi lĩnh vực công tác.
       3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong thụ hưởng đào tạo và bồi dưỡng của toàn Ngành (Mục tiêu 3)
  • Chỉ tiêu 1: Phấn đấu nữ chiếm 50% trong tổng số những người có trình độ trên đại học của toàn Ngành.
  • Chỉ tiêu 2: Phấn đấu tỷ lệ nữ từ 50% trở lên trong tổng số người tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, lý luận chính trị do Tổng cục tổ chức hoặc cử tham dự.
      4. Bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện các chế độ, chính sách (Mục tiêu 4)
  • Chỉ tiêu 1: Phấn đấu 100% CCVC nữ được khám sức khỏe định kỳ hàng năm; được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
  • Chỉ tiêu 2: Nữ giới có thai được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám và chăm sóc sức khỏe, được thực hiện đúng chế độ về thời gian nghỉ và các chế độ liên quan đến sản phụ và chăm sóc bà mẹ.
Việc cử phụ nữ tham dự các đoàn công tác, học tập, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo tại nước ngoài cũng tăng dần theo hàng năm. Trong giai đoạn 2016-2019 có 366 lượt nữ CCVC trên tổng số 662 lượt CCVC được cử tham dự các đoàn công tác, học tập, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo tại nước ngoài chiếm 55,3%, tăng 8,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 2013-2015.

Một số đơn vị còn khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ một phần kinh phí để CCVC nữ trẻ tham gia các lớp đào tạo sau đại học, từng bước bù đắp việc thiếu hụt CCVC có trình độ cao tại các đơn vị.

Với sự chú trọng thực hiện mục tiêu bình đẳng của phụ nữ trong giáo dục, đào tạo, có thể nói trình độ của CCVC nữ được từng bước củng cố, cập nhật và nâng cao, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng cao của công tác thống kê trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện các chế độ, chính sách (Mục tiêu 4)

Trong những năm qua, các đơn vị trong Ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện tốt các chế độ về chăm sóc sức khỏe cho nữ giới, chế độ thai sản. Ở khối trung ương, hai năm 1 lần Văn phòng Tổng cục đã phối hợp với Công đoàn và Ban Nữ công cơ quan tổ chức tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CCVC, trong đó có chị em phụ nữ. Đồng thời khuyến khích thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tạo điều kiện cho chị em trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng sống.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí song nhiều đơn vị vẫn quan tâm thực hiện việc hỗ trợ nữ CCVC không may bị đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức nhiều hoạt động đa dạng nhằm nâng cao sức khỏe của chị em, vừa tạo không khí sôi nổi phấn khởi trong sinh hoạt tập thể như: Kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10.

Có thể nói, được sự quan tâm của lãnh đạo và cấp uỷ cơ quan, đơn vị, hoạt động chăm sóc sức khoẻ của nữ CCVC tiếp tục được duy trì tốt trong những năm qua, tạo điều kiện cho chị em có đủ sức khoẻ, yên tâm công tác.
Thành tích của nữ giới

Với tỷ lệ nữ chiếm 50,% tổng số CCVC toàn Ngành và được bố trí tham gia vào mọi lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành, nhiều nữ cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành đã tham gia tích cực và có hiệu quả trong các hoạt động quan trọng của ngành Thống kê. Công tác đánh giá kết quả hoạt động, bình bầu thi đua các phong trào của phụ nữ được duy trì thực hiện hàng năm. Hầu hết các chị em đều đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phần lớn các gia đình của các chị em trong Ngành đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”.

Nhiều chị em đã khẳng định được năng lực và vị trí của mình, tích cực, chủ động, tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được tặng các danh hiệu thi đua - khen thưởng. Đặc biệt trong tổng số những người được tặng thưởng các danh hiệu thi đua - khen thưởng bậc cao trong giai đoạn 2016 - 20202, tỷ lệ nữ chiếm gần 29,6%, trong đó tỷ lệ nữ được tặng thưởng Huân chương lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) đạt 27,5%, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đạt 32% và Chiến sĩ thi đua Bộ, ngành đạt 26,6%.

Trong giai đoạn 2016-2020 toàn Ngành không có vụ vi phạm về quyền lợi chính sách đối với phụ nữ. Ban VSTBPN Ngành chưa phải giải quyết đơn thư khiếu kiện nào liên quan đến vấn đề chính sách và sự tiến bộ của phụ nữ.

Những số liệu nêu trên cho thấy trong những năm qua, lực lượng nữ CCVC tiếp tục khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của mình trong việc tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành. Đây cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cơ quan, đơn vị đến bình đẳng giới trong quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí tham gia vào các hoạt động đoàn thể. Vai trò và vị trí của nữ giới ngày càng được khẳng định là một lực lượng rất quan trọng trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ: Ban VSTBPN hoạt động chưa thường xuyên; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Một số chỉ tiêu của kế hoạch hành động được đặt ra nhưng chưa thực hiện được, như tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý và chưa tương xứng với tỷ lệ nữ của toàn Ngành. Công tác vận động phụ nữ tham gia các hoạt động còn hạn chế, thiếu sâu sát, cụ thể với từng đối tượng. Một số chị em còn có biểu hiện tự ty, thiếu mạnh dạn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thể hiện quan điểm; Chưa tổ chức lớp tập huấn đào tạo về giới và kỹ năng lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách, chưa tập huấn đối với người làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

Vì thế đòi hỏi công tác VSTBPN cần tập trung khắc phục hạn chế, chủ động sáng tạo để đưa hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành Thống kê phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu vì sự bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 để Phụ nữ toàn Ngành thực sự là mộc lực lượng tiến bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới./.

 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top