Covid-19: Chất xúc tác để nền kinh tế số phát triển

12/04/2021 - 11:08 AM
Năm 2020 đã đi qua, các quốc gia trên thế giới sẽ không bao giờ quên sự hành hoành của dịch bệnh Covid-19 và những mảng tối bao phủ trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành hàng không tê liệt, du lịch ảm đạm, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, thương mại nội địa và quốc tế gián đoạn... dẫn tới tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 chỉ tăng 2,91% so với năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của năm trước đó. Với ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, không thể coi dịch bệnh covid -19 là một yếu tố tích cực, song chính những xáo trộn này đã và đang trở thành chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam phát triển.
 
Chính phủ - động lực của chuyển đổi số quốc gia
 
Một “điểm tựa” quan trọng cho nền kinh tế số Việt Nam phát triển trong năm 2020 vừa qua chính là sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ, thể hiện qua việc xây dựng và hoàn thiện một hành lang chính sách phát triển kinh tế số theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Với quyết tâm thực hiện số hóa nền kinh tế, từ đầu năm, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu“nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số” trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
 
Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện mục tiêu kép là phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đồng thời hình thành một số doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu. Với quyết định này, Việt Nam nằm trong số những nước tốp đầu Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số. Cùng với đó, Việt Nam còn có một số chính sách tạo“cầu” cho kinh tế số, nổi bật trong số đó là các chính sách phát triển mô hình mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…
 
Không chỉ giữ vai trò định hướng hành trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ nói riêng và khu vực nhà nước nói chung còn là động lực quan trọng trong việc dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 36 a NQ-CP về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương được hình thành.
 
Bên cạnh đó, sau 1 năm vận hành kể từ ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) đã trở thành địa chỉ kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến ngày 30/12/2020, Cổng DVCQG đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); hơn 99 triệu lượt truy cập, khoảng 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46 nghìn giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi, hơn 9.600 nghìn phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
 
Covid-19: Chất xúc tác để nền kinh tế số phát triển
Nguồn: Văn phòng Chính phủ
 
Để thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cũng đã nhanh chóng chuyển sang hình thức họp, làm việc trực tuyến thông qua các nền tảng như Zoom, webex…, góp phần phát huy hiệu quả của Chính phủ điện tử và đảm bảo tiến độ công việc, nhất là trong thực hiện sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
 
Những kết quả trên đã giúp Việt Nam tăng 2 bậc so năm 2018 trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc và đứng thứ 86/193 quốc gia thành viên.
 
Xác định đổi mới sáng tạo là chìa khóa trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, kể từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam được cải thiện đáng kể, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42/131 nền kinh tế được xếp hạng (năm 2020) trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO). Bên cạnh đó, hiện thực hóa Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019, Việt Nam đã huy động, chuẩn bị mọi nguồn lực, khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vào tháng 01/2021, đồng thời xúc tiến thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tháng 12/2020, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) được thành lập bởi Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam chuyển đổi số. Thực hiện sứ mệnh của mình, VIDTI mong muốn xây dựng nên một cơ sở dữ liệu lớn cùng hệ sinh thái sáng tạo và chuyển đổi số Việt Nam.
 
Bảng 1. Kết quả xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam, 2012-2020
 
Covid-19: Chất xúc tác để nền kinh tế số phát triển 1
 
Nguồn: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc
 
Những sự bứt phá và bước đi ngược dòng
 
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống cũng đã khiến cho quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực thể hiện rõ nét hơn. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh.
 
Hình 2. Thống kê tăng trưởng của 4 nhóm ngành kỹ thuật số
Covid-19: Chất xúc tác để nền kinh tế số phát triển
Nguồn: Báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á, 2020
 
Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là ngành kinh tế không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn bứt phá mạnh mẽ, đóng góp vào “kỳ tích” tăng trưởng dương của nền kinh tế Việt Nam; góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trước đại dịch Covid-19. Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng mạnh mẽ của người dân trong nước từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm trực tuyến, tốc độ tăng trưởng ngành TMĐT năm 2020 được nhận định có thể đạt mức 30%, với tổng giá trị đạt hơn 15 tỷ USD (số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam). Trong khi đó, theo báo cáo về Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company được công bố vào tháng 11 vừa qua, năm 2020, ngành TMĐT Việt Nam tăng trưởng lên tới 46%.
 
Không rơi vào tình trạng “đìu hiu” như thị trường du lịch hay “đóng băng” của các hãng hàng không, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2020 vẫn được chứng kiến cuộc chạy đua khốc liệt của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Amazon, Ebay, Alibaba, Shopee... hay các trang TMĐT của Việt Nam là Lazada Việt Nam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Adayroi,... Trong đó, Shopee tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của mình trên Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam quý III/2020 do iPrice Group công bố vào tháng 11/2020 với mức tăng trưởng kỷ lục. Lượng truy cập website trung bình mỗi tháng của Shopee đạt 62,7 triệu lượt, tăng tới 81% so với cùng kỳ năm 2019, vượt qua mức cao nhất từ trước đến nay của sàn TMĐT này vào quý trước đó và vượt qua đỉnh cao mà Lazada lập được hồi quý IV/2017. Thị trường TMĐT Việt Nam còn thêm sôi động với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các startup với công nghệ đột phá cung cấp dịch vụ cho những doanh nghiệp đầu ngành. Bên cạnh các sàn TMĐT, hoạt động kinh doanh hàng trực tuyến trên các nền tảng di động như: Viber, Whatsapp, Skype, Facebook, Messenger... cũng ngày càng sầm uất.
 
Đặc biệt, tháng 11/2020, Chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến” đã chính thức được vận hành, triển khai đầu tiên trên 3 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki, với mục tiêu tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững, từ đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Gian hàng Việt trực tuyến hứa hẹn sẽ là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất Việt uy tín đa dạng hoá kênh phân phối, vươn lên mạnh mẽ trước biến động khó lường của đại dịch Covid-19.
 
Năm 2020 cũng là năm chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số nước ta. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, đến nay, phần lớn các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo bệ phóng tiến đến mô hình ngân hàng số toàn diện. Nhiều ngân hàng đã thành lập khối/trung tâm ngân hàng số và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và tập trung phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ số thông qua internet, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng; cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của khách hàng.
 
Dưới tác động của dịch Covid-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến có mức tăng đột biến. Số liệu của các ngân hàng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1,4 - 2,6 lần và chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Đặc biệt, một số ngân hàng có tỷ lệ cao chiếm trên 80% tổng số giao dịch. Điển hình như ngân hàng VIB trong 10 tháng đầu năm 2020 có số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ e-banking tăng 77%, giao dịch trực tuyến tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái và 88% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng này được thực hiện qua e-banking... Mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số từ ngân hàng số trong thời gian qua thực sự đã giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như tăng sự gắn kết với khách hàng, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
 
Trong bối cảnh thực hiện cách ly toàn xã hội, đại dịch Covid-19 cũng đã tạo một cú hích mạnh để lĩnh vực giáo dục tiến sâu hơn vào hành trình chuyển đổi số. Các bài học trực tuyến được triển khai trên cả nước thông qua gần 30 kênh truyền hình. Nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã tìm đến các giải pháp giáo dục trực tuyến (E-Learning) qua video hoặc phần mềm ứng dụng (ViettelStudy, VioEdu, Trí Việt E-Learning, Zoom Cloud Meetings, Skype, Google Classroom, Google Hangouts, Microsoft Teams…) để duy trì hoạt động và kết nối với học sinh. Các trang web học trực tuyến như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica, Onluyen.vn, Speakup. vn, Mathplay… cũng có số lượng người sử dụng tăng lên nhanh chóng.
 
Sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng đã đẩy nhanh hơn công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế nước ta. Trong những tháng đầu năm 2020, Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các giải pháp như: Bluezone, nCovi. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại địa phương. Đến nay, số điểm khám từ xa trên cả nước là hơn 1.500 điểm. Tháng 12 mới đây, Việt Nam cũng đã khai trương 3 nền tảng: Mạng kết nối y tế Việt Nam kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trên toàn quốc, giúp các bác sĩ hỗ trợ trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán, hỉnh ảnh, điều trị; Hồ sơ sức khỏe cá nhân; Quản lý thông tin y tế cơ sở V20, giúp Bộ Y tế sẽ điều hành 10.600 trạm y tế xã, từng bước xóa bỏ tình trạng hồ sơ giấy.
 
Dù là ngành còn non trẻ trong thời đại công nghệ số, thế nhưng ngành giải trí Việt Nam đã có những bước đi ngược dòng ấn tượng bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức. Trong những tháng đầu năm 2020, trong khi một loạt các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ hay hoạt động cầm chừng thì ngành giải trí nước ta lại xây dựng đường hướng, chiến lược phát triển mới với các loại hình giải trí trực tuyến thông qua các thiết bị công nghệ. Góp mặt vào thị trường giải trí trực tuyến tại Việt Nam là nhiều nhà cung ứng dịch vụ tên tuổi cùng các nền tảng mạng như Netflix, Amazon’s Prime Video, Apple TV Plus, Google Play, YouTube, Fandango, Vudu... Theo một khảo sát về truyền hình trực tuyến của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me (Việt Nam), trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nhu cầu tiêu thụ các nội dung giải trí tại nhà cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tỷ lệ xem video tại nhà tăng tới 97%; trong đó xem phim dài tập, phim lẻ là 60%; âm nhạc 50%; xem chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, chương trình thực tế 48%. Cũng trong báo cáo “Khủng hoảng Covid-19: Tác động và tiềm năng phục hồi” của Công ty quảng cáo Adsota, game và những nền tảng chia sẻ video trực tuyến đều nằm trong top đầu danh sách các ứng dụng về lượt cài đặt.
 
Sự chuyển động số của các lĩnh vực trên đã đồng thời thúc đẩy phát triển xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và triển khai tích cực Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam, đến nay xu hướng TTKDTM đã đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện có khoảng 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2020, thời điểm cao điểm của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019.
 
Cùng với việc phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, năm 2020, các tổ chức tín dụng, tổ chức tiền gửi đã tập trung đẩy mạnh giải pháp thanh toán qua mã QR Code như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
 
Cũng trong năm 2020, thị trường ví điện tử Việt Nam khá nhộn nhịp với hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ (tính đến ngày 15/10/2020), nổi lên trong số đó là các tên tuổi lớn như Momo, Moca và ZaloPay... Mỗi ví điện tử hiện đã và đang cố gắng cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ riêng. Nếu như Momo hoạt động mạnh trong thanh toán tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi thì ZaloPay mang đến ưu đãi hoàn tiền hấp dẫn cho dịch vụ nạp tiền trên thiết bị di động. Trong khi đó, Moca phát triển hai dịch vụ cơ bản trên nền tảng của Grab là gọi xe và giao đồ ăn. Theo số liệu từ công ty Nielsen Việt Nam, trong năm 2020 đã có khoảng 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019.
 
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công. Những kết quả trong phát triển Chính phủ điện tử cùng sự chuyển động số của nhiều lĩnh vực kinh tế đã giúp nền kinh tế số Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước trong năm vừa qua. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain & Company được công bố vào tháng 11/2020 ghi nhận Indonexia và Việt Nam là hai quốc gia có nền kinh tế số có mức tăng trưởng ở hai con số, riêng nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỉ USD. Đây sẽ là động lực để năm 2021 Việt Nam bước tiếp những bước đi xa hơn trên hành trình chuyển đổi số, cho dù tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp./.
 
Bích Ngọc
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top