Covid-19: Phép thử sức bền hệ thống an sinh xã hội của nhiều quốc gia

12/04/2021 - 10:50 AM
Trong năm vừa qua, khi cả thế giới phải gồng mình chống chọi với những làn sóng liên tiếp của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng thì những chính sách an sinh xã hội chính là chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới.
 
Năm 2020, nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia đã phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm và tiền lương, trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là tầng lớp lao động thu nhập thấp với việc làm bấp bênh. Tại các nước ở khu vực châu Âu, tình trạng thất nghiệp đã kéo dài suốt nhiều tháng trong năm vừa qua. Chỉ tính riêng quý III/2020, nước Anh có tới 314 nghìn người thất nghiệp, tăng 195 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 181.000 người so với quý II/2020. Đây là mức cắt giảm việc làm cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 tại quốc gia này, đưa tỷ lệ thất nghiệp quý III/2020 lên 4,8%, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Trong khi đó ở Pháp, Cơ quan thống kê quốc gia - INSEE cho biết, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 7,1% trong quý II lên 9% trong quý III, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1975. Còn ở Đức có nhiều thời điểm có tỷ lệ thất nghiệp vượt ngưỡng ổn định, khoảng 5% mà quốc gia này đã duy trì được kể từ tháng 8/2018...
 
Đại dịch Covid-19 cũng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động bị thất nghiệp. Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ liên tục lập nên những con số kỷ lục mới. Đặc biệt từ tháng 3-7/2020, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này luôn ở mức 2 con số khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan.
 
Covid-19: Phép thử sức bền hệ thống an sinh xã hội của nhiều quốc gia
Hình minh họa, nguồn Internet

Đại dịch Covid-19 cũng giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động châu Á và Thái Bình Dương. Theo một báo cáo mới được Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 12/2020, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm cho khu vực này mất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020 cũng như gây ra mức sụt giảm thời gian làm việc khổng lồ. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực này có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% - 5,7% trong năm 2020. Ở hầu hết tất cả các nền kinh tế của khu vực đều có số lượng việc làm giảm đáng kể so với năm 2019.
 
Riêng tại khu vực ASEAN, theo Báo cáo “Đánh giá nhanh về tác động của đại dịch Covid-19 đến sinh kế trên toàn khu vực ASEAN” do Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Quỹ Châu Á công bố mới đây, có đến 155 triệu lao động của khu vực ASEAN rất dễ bị tổn thương do các tác động kinh tế của đại dịch. Các nhà phân tích thuộc tổ chức BofA Global Research ước tính, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia và Việt Nam) có thể mất việc làm do tác động của đại dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, nhiều nước trên thế giới đã phải thực hiện các biện pháp ứng phó, đồng thời gấp rút triển khai chính sách, chương trình nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Ví dụ như chính phủ các nước châu Âu, nơi được coi là đạt tiêu chuẩn vàng về hệ thống an sinh xã hội, đã chi hàng nghìn tỷ Euro để trợ giúp các doanh nghiệp và đưa ra các chương trình giữ chân người lao động. Cụ thể là tại Thụy Điển, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, trong tháng 3/2020, chính phủ nước này đã nhanh chóng công bố gói biện pháp trị giá hơn 300 tỷ krona (30,94 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có các biện pháp như chính quyền trung ương gánh toàn bộ chi phí cho việc nghỉ ốm của nhân viên tại các công ty trong các tháng 4-5/2020, cũng như chi phí hỗ trợ những người mất việc tạm thời do dịch bệnh. Hay như việc chính phủ Pháp nới lỏng quy định hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp một phần, tức là hỗ trợ thu nhập cho người lao động dù chưa hẳn là mất việc làm song bị giảm lương, giảm giờ làm do Covid-19. Hơn nữa, phạm vi hưởng hỗ trợ cũng được mở rộng đến cả nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng vụ việc hoặc hợp đồng làm việc theo ngày/giờ; thời gian giải quyết hưởng được rút ngắn hơn, xuống chỉ còn 48 giờ kể từ khi cơ quan chức năng nhận đủ hồ sơ, đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi cho người lao động. Ngoài ra, nước Pháp còn cho phép người lao động tìm kiếm việc làm thứ 2 song vẫn được hưởng nguồn thu nhập hỗ trợ do việc làm chính bị ảnh hưởng.

 
Ở Italy, Chính phủ đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD), giúp quốc gia này có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh Covid-19, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty để đảm bảo việc chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.
 
Trong khi đó, chính phủ Anh thực hiện chương trình nghỉ phép kéo dài tới tháng 10/2020, trong đó chi trả tới 80% tiền lương (lên đến 2.500 bảng Anh) cho khoảng 10 triệu nhân viên của khu vực tư nhân trong giai đoạn đại dịch. Trong tháng 11/2020 mới đây, nước này tiếp tục quyết định gia hạn chương trình hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến tháng 3/2021. Đồng thời thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia về cách thức người lao động tham gia ngành nghề đang tăng trưởng cũng như hướng dẫn về hồ sơ xin việc và phỏng vấn. Đáng chú ý, các quy định được linh hoạt điều chỉnh cho phép người lao động làm việc bán thời gian để cải thiện thu nhập bên cạnh khoản hỗ trợ thất nghiệp.
 
Tại Đức, chính sách hỗ trợ thu nhập cũng đã được thực hiện, theo đó tỷ lệ hỗ trợ được nâng lên, từ việc hỗ trợ 60% thu nhập, tăng lên 70% thu nhập của người lao động, với trường hợp có con nhỏ sẽ được hưởng từ 80-87%. Với diễn biến khó lường của đại dịch như hiện tại, Chính phủ Đức đã quyết định kéo dài thời hạn của các chương trình cứu trợ đến cuối năm 2021, ước tính sẽ giúp duy trì ít nhất 1 triệu việc làm.
 
Tương tự châu Âu, nhiều quốc gia tại các châu lục khác cũng đã kịp thời xây dựng các chương trình cứu trợ người lao động trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Đơn cử là ngay trong nửa đầu tháng 3/2020, Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói tài chính trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm.
 
Trong tháng 3/2020, thời điểm dịch bệnh vừa bùng phát, Chính phủ New Zealand đã phản ứng khá nhanh, công bố gói cứu trợ trị giá 12,1 tỷ NZD (tương đương 7,34 tỷ USD), chiếm khoảng 4% GDP nước này, nhằm hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, hơn 50% tổng số tiền chi tiêu sẽ dành để trợ cấp lương cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, trong thời điểm các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.
 
Với tình hình lao động liên tục diễn biến không ổn định, Chính phủ Nhật Bản cũng đã liên tiếp phê duyệt 3 gói ngân sách của tài khóa 2020 để thực hiện chương trình trợ cấp việc làm với tổng chi ngân sách là gần 4.000 tỷ yên. Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mới đây nước này đã quyết định phê duyệt chi 35,8 nghìn tỷ Yên ngân sách năm 2021 cho lĩnh vực an sinh xã hội, chiếm tỷ trọng chi lớn nhất tới 33,6% trong tổng chi ngân sách của cả năm (106,6 nghìn tỷ Yên) và tăng 150,7 tỷ Yên so với năm 2020.
 
Ở Trung Quốc, các biện pháp an sinh xã hội là một thành phần quan trọng trong ứng phó khẩn cấp của chính phủ thời đại dịch. Vào cuối tháng 3/2020, nước này đã phân bổ 9,3 tỉ nhân dân tệ (131,58 triệu USD) trợ cấp thất nghiệp cho 2,3 triệu lao động mất việc. Ngoài ra, khoảng 67.000 người ngoại tỉnh thất nghiệp còn nhận được khoản trợ cấp sinh hoạt tạm thời trị giá 410 triệu nhân dân tệ (58 triệu USD) để trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, quốc gia này đã tăng cường trợ cấp an sinh xã hội, cung cấp một khoản lên đến 80% số tiền trợ cấp thất nghiệp cho những người đã hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và gia hạn nhận trợ cấp thất nghiệp cho những người một năm nữa là về hưu cho đến khi họ nghỉ hẳn. Đồng thời, yêu cầu trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến đã được chấp nhận ở 297 thành phố, tạm thời thay thế thủ tục bắt buộc thông thường cho phép người thất nghiệp đăng ký với các cơ quan dịch vụ công và chứng minh nỗ lực tìm kiếm việc làm của họ.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp chung đang diễn ra trong khu vực, tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA 37) diễn ra tháng 11/2020 vừa qua, các nước thành viên ASEAN cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ, đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực, đặc biệt đối với người lao động tại khu vực phi chính thức, nhóm đối tượng yếu thế.
 
Cụ thể, trong tháng 2/2020, Malaysia đã công bố gói cứu trợ, trị giá 4,7 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế và tái bố trí kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp. Sang tháng 3/2020, Chính phủ Malaysia thông báo bổ sung 230 triệu USD trong gói cứu trợ nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19, giúp chi trả lương của người lao động phải nghỉ việc, giảm giá điện, các gói cứu trợ tài chính công.
 
Tại Indonesia, trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2020, Tổng thống quốc gia này đã chỉ thị tất cả các bộ, ngành nước này hạn chế chi tiêu ngân sách để lấy kinh phí nhằm duy trì sức mua của người dân trong đại dịch Covid-19. Theo đó, ít nhất 40.000 tỷ Rp (2,66 tỷ USD) ban đầu được chuẩn bị cho các chuyến công tác và các cuộc họp của quan chức được giải ngân cho người dân để duy trì sức mua. Ngoài ra, các tổ chức có liên quan cũng được yêu cầu giải ngân trợ cấp xã hội của chính phủ (khoảng 31.300 tỷ Rp) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua Chương trình Hy vọng gia đình.
 
Covid-19: Phép thử sức bền hệ thống an sinh xã hội của nhiều quốc gia  1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nhận thấy rõ việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội là cần thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã yêu cầu Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Campuchia (NSSF) đưa ra những giải pháp cụ thể để đảm bảo sự tiếp cận thiết yếu, đảm bảo phúc lợi cho người lao động, kể cả người lao động nhập cư. Trong đó, tăng cường mở rộng chính sách cho người dân, người lao động nhằm mang lại hệ thống an sinh xã hội tốt nhất bằng các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động thuộc nhóm yếu thế, mất việc, hoãn việc do Covid-19…
 
Trong khi đó, bên cạnh gói hỗ trợ tài chính cho các khoản vay không lãi suất đối với nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng, Cơ quan An sinh xã hội Thái Lan (SSO) đã phát huy hiệu quả kết nối trong bối cảnh phải hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, lập đường dây nóng, trung tâm chăm sóc khách hàng trực 24/7; sử dụng mạng lưới đối tác xã hội nhằm duy trì mối tương tác hai chiều với SSO…
 
Tại Việt Nam, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, và thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, nhóm lao động tự do… Bên cạnh gói hỗ trợ chung của Chính phủ trên phạm vi cả nước, trên cơ sở tình hình thực tế, một số địa phương đã thông qua chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn. Điển hình là vào tháng 9/2020, ngoài kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong tháng 8 và tháng 9/2020 bởi đợt dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020, khiến nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, năm 2020 Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc.
 
Cùng với những gói kích thích nền kinh tế, những biện pháp trên đây của các nước thực tế đã góp phần làm chậm lại sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giúp nhiều người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống phúc lợi ở nhiều quốc gia đã có dấu hiệu không thể chống đỡ nổi bởi nền kinh tế phục hồi khá chậm, nguồn lực thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động đang ngày càng thu hẹp, nhất là khi đến nay cuộc chiến Covid-19 vẫn chưa kết thúc, hàng loạt quốc gia tiếp tục phải đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới do các biến thể mới của virus liên tục được phát hiện./.
 
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top