Covid-19 phủ bóng đen lên thị trường lao động thế giới

25/05/2020 - 03:55 PM
Sau hơn 5 tháng kể từ thời điểm xuất hiện đầu tiên vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, (tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc), dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đã trở thành một đại dịch, lan đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 10/4, toàn thế giới đã có gần 1,6 triệu người nhiễm bệnh, khoảng 95.500 ca tử vong. Đây được đánh giá là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đồng thời phủ bóng đen lên thị trường lao động tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo nhanh “COVID-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” lần thứ nhất được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 19/3/2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động sâu rộng đến đầu ra của thị trường lao động trên 3 khía cạnh chính: (1) Số lượng việc làm (cả thất nghiệp và thiếu việc làm); (2) Chất lượng công việc (tiền lương và tiếp cận an sinh xã hội); (3) Ảnh hưởng đến các nhóm cụ thể là những người dễ bị tổn thương hơn với tình trạng bất lợi của thị trường lao động.
 
Covid-19 phủ bóng đen lên thị trường lao động thế giới
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Cụ thể, do tác động tiêu cực của COVID-19, hoạt động sản xuất, các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị gián đoạn, cùng với đó là các lệnh cấm du lịch, đóng cửa biên giới và các biện pháp kiểm dịch khiến nhiều người lao động không thể di chuyển đến nơi làm việc, dẫn tới tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng đáng kể. Dựa trên 3 kịch bản về tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, ILO ước tính sơ bộ tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản thấp) đến 24,7 triệu người (kịch bản cao) so với con số 188 triệu người vào năm 2019. Tình trạng thiếu việc làm trên toàn thế giới cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng khi những tác động về kinh tế của COVID-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm, người lao động mất đi nguồn thu nhập lớn và số lao động nghèo gia tăng đáng kể. Theo ước tính của ILO, năm 2020, người lao động sẽ mất đi nguồn thu nhập từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD; toàn thế giới sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người).

Tuy nhiên, với tốc độ lây lan chóng mặt và sức tàn phá mạnh mẽ của COVID-19, ILO đã nhanh chóng cập nhật tình hình, tiếp tục công bố báo cáo nhanh số 2 vào ngày 7/4/2020 với những con số đáng lo ngại hơn. Theo đó, ILO ước tính có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (tương đương với 3,3 tỉ người) đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là: Ả Rập mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu lao động toàn thời gian; châu Âu mất 7,8% số giờ làm việc, tương đương 12 triệu người lao động toàn thời gian; châu Á - Thái Bình Dương mất 7,2% số giờ làm việc, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian.

Dù hầu hết các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nhưng báo cáo của ILO cho thấy các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất khi mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian. Theo lĩnh vực kinh tế, dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính là các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất.

Đánh giá có sức tàn phá vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ILO dự báo đại dịch COVID-19 sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II/2020, tương đương 195 triệu việc làm toàn thời gian, vượt qua con số dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn tiến phức tạp và các quốc gia vẫn đang loay hoay tìm kiếm các biện pháp đối phó hữu hiệu với COVID-19. Nếu so sánh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã làm 22 triệu người thất nghiệp trên thế giới thì dịch COVID-19 sẽ làm số người thất nghiệp tăng gấp nhiều lần. ILO cũng ước tính thu nhập của người lao động trên thế giới năm 2020 sẽ giảm 3,4 nghìn tỉ USD.
 
Covid-19 phủ bóng đen lên thị trường lao động thế giới
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Những con số dự báo của ILO sẽ được minh chứng rõ ràng hơn bởi tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Là quốc gia có số người nhiễm bệnh Covid -19 đứng đầu thế giới trong những ngày qua với gần 600.000 ca nhiễm, Mỹ đang phải chứng kiến sự sụp đổ nhanh và nghiêm trọng nhất của thị trường lao động trong nước. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020, đã có 10 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì COVID-19 khi chính phủ nước này triển khai các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt trong nỗ lực nhằm làm chậm sự lây lan của virus, khoảng 90% dân số đang bị yêu cầu ở nhà trong khi nhiều nhà máy, nhà hàng, cửa hàng cùng các doanh nghiệp khác bị đóng cửa và sụt giảm doanh số trầm trọng. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng con số thất nghiệp thực tế có thể cao hơn nhiều vì không ít người nộp đơn gặp rắc rối trong quá trình làm giấy tờ do sở lao động tại các bang đang quá tải. Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thất nghiệp vì COVID-19 nghiêm trọng hơn giai đoạn đại suy thoái cách đây 10 năm và có thể sẽ đạt đến những cột mốc chưa từng xuất hiện kể từ cuộc đại khủng hoảng trong những năm 1930. Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) cũng nhận định kinh tế nước này sẽ giảm 5,5% trong năm 2020 - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục 15,7% vào quý II của năm 2020. Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang thậm chí còn dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có khả năng sẽ lên tới 32%.

Tương tự, châu Âu cũng đang phải đối mặt với những dự báo bi thảm như vậy khi đã có ít nhất 1 triệu người trên khắp “lục địa già” bị cho là đã mất việc trong vài tuần qua. Tính đến 28/3/2020, Thụy Sỹ đã có khoảng 750.000 người, tương đương 15% người lao động ở trong tình trạng thất nghiệp một phần. Còn tại Tây Ban Nha có hơn 300.000 người thất nghiệp vào tháng 3/2020. Chính phủ Đức cũng cho biết, họ đã nhận được 77.000 đơn đăng ký thất nghiệp một phần vào giữa tháng 3/2020, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình hàng tuần của năm ngoái.

Mặc dù Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn đỉnh của dịch COVID-19 và dịch bệnh đã dần khống chế, song thị trường lao động quốc gia láng giềng cũng đã từng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Theo số liệu ghi nhận, Trung Quốc đã có hơn 5 triệu người lao động mất việc trong 2 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ người thất nghiệp tại thành thị đã tăng lên 6,2% trong tháng 2/2020. Đây là mức cao kỷ lục, khi trong 2 thập niên trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của nước này chỉ dao động từ 4% đến 5%. Ước tính sẽ có khoảng 9 triệu người dân thành thị Trung Quốc mất việc trong năm nay vì tác động tiêu cực của COVID-19.

Đđối phó với tình trạng thất nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu với quy mô lớn do dịch COVID-19 gây ra, ILO đã đề xuất các quốc gia cần có các biện pháp, chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột: hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp để cứu vãn tình trạng tồi tệ hiện nay. Vì dụ như Ý, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã thay đổi và sắp xếp phương thức làm việc, bao gồm làm việc từ xa và làm việc so le giờ áp dụng trên quy mô toàn quốc hoặc theo từng đơn vị/tổ chức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho người dân đảm bảo thu nhập trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, một số quốc gia mở rộng tiếp cận nghỉ phép có trả lương, tức là quy định cho nghỉ ốm vẫn được hưởng lương đối với người lao động bị ốm hoặc đang bị cách ly. Đơn cử như tại Trung Quốc, chính phủ đã hướng dẫn trả các khoản thanh toán tiền lương cho những người lao động không có khả năng làm việc do cách ly hoặc bệnh tật. Còn Ireland, Singapore và Hàn Quốc đã trả chi trả lương cho các khoản nghỉ ốm cho lao động tự làm, trong khi ở Anh, lương nghỉ ốm theo luật định sẽ được chi trả cho các cá nhân được chẩn đoán hoặc đđiều kiện tự cách ly, các khoản chi trả được thực hiện thanh toán từ ngày đầu tiên thay vì ngày thứ tư như của quy định trước đó.

Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ việc làm và thu nhập tại nhiều quốc gia như chính phủ Trung Quốc ra thông báo đảm bảo rằng các hợp đồng của người lao động nhập cư không bị chấm dứt trong trường hợp bị bệnh hoặc theo các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trợ cấp thất nghiệp cũng được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia như Mỹ, Philipines... Tuy đang phải gồng mình chống chọi lại những tác động của COVID-19 đến nền kinh tế, song các chính phủ ở châu Âu cũng đang nỗ lực để bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, để tránh sa thải diện rộng bằng chính sách «đắt đỏ» là trả lương lao động thay doanh nghiệp để ngăn họ không bị sa thải ngay từ đầu. Tại Pháp, chính phủ nước này cho biết sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời lên tới 5.330 EUR mỗi tháng thay vì 1.219 EUR theo kế hoạch trước đó. Hay như ở Hà Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp để trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong 3 tháng, chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu. Còn ở Tây Ban Nha, người lao động có thể được hưởng 70% lương cơ bản dưới dạng trợ cấp thất nghiệp, giới hạn ở mức 1.400 EUR mỗi tháng. Khi thời gian nghỉ việc tạm thời kết thúc, các công ty phải thuê lại tất cả các công nhân trong ít nhất 6 tháng… Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp trên của các nước khu vực châu Âu không chỉ cứu trợ nhanh chóng cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ suy thoái đột ngột mà còn có tác dụng giúp các công ty một khi hoạt động bình thường trở lại không phải mất thời gian tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, từ đó giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Có thể nói, trước sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhiều nước trên thế giới nhanh chóng có các biện pháp ứng phó để cứu vãn thị trường lao động đang ngày càng rơi vào tình trạng xấu hơn. Tuy nhiên điều này sẽ mất khá nhiều thời gian và nguồn lực kinh tế của các quốc gia do những tổn thương mà COVID-19 đã và đang để lại cho thị trường lao động toàn cầu là khá lớn./.
 
Bích Ngọc

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top