Cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới và những tác động từ đại dịch Covid-19

09/09/2020 - 02:20 PM
Các tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo, đại dịch Covid-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm. Nhiều người dân trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo cùng cực, điều này đã và đang tạo ra thách thức lớn cho cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.
 
Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ thế giới đạt được trong hàng chục năm qua ở các lĩnh vực chống nghèo đói, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện SDGs có thể bị gián đoạn hơn nữa trong thời gian ngắn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư và người tị nạn.

Báo cáo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) của Liên hợp quốc (LHQ) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thế giới bị “chệch hướng” trong những nỗ lực suốt 15 năm qua nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thông qua việc hoàn thành 17 SDGs vào năm 2030. Dự báo, khoảng 71 triệu người trên thế giới bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo cùng cực trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tình trạng nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.

Tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới với những nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng) cũng đã dẫn nghiên cứu của Đại học King ở Thủ đô London (Anh) và Đại học Quốc gia Australia ước tính, đại dịch Covid-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói. Đây là nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến tình trạng nghèo khổ toàn cầu trên cơ sở ngưỡng thu nhập 1,9 USD, 3,2 USD và 5,5 USD/ ngày theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).

Các phân tích cho biết, theo kịch bản tồi tệ nhất, nếu mất 20% thu nhập, số người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng từ 434 triệu người lên 922 triệu người trên thế giới. Kịch bản tương tự cũng xảy ra khi số người sống dưới ngưỡng 5,5 USD/ngày sẽ tăng thêm 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế đang lo ngại về các cuộc khủng hoảng lương thực, nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo cũng như tình trạng nghèo đói gia tăng càng khiến “bức tranh màu xám” của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu trở nên u ám hơn. Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng gần gấp đôi trong năm 2020, lên 265 triệu người do suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19.

WFP cũng cho biết, gần 10 triệu người ở Y-ê-men đang thiếu lương thực trầm trọng, khiến tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ với tốc độ đáng báo động. Những dấu hiệu cảnh báo về nạn đói đã hiện hữu tại quốc gia trên bán đảo A-rập, với hơn 20 triệu người ở Y-ê-men trong tình trạng mất an ninh lương thực. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo, ít nhất 3,5 triệu người Xô-ma-li-a cần cứu trợ lương thực khẩn cấp trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2020. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia châu Phi này chủ yếu do hậu quả của biến đổi khí hậu, xung đột, tình trạng đói nghèo lan rộng.

Ðại dịch Covid-19 cũng đang đẩy 40 triệu người dân tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. WFP cảnh báo chính phủ các nước trong khu vực và các tổ chức nhân đạo quốc tế cần hành động ngay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này biến thành “đại dịch đói”. Trong khi đó, khoảng 24 triệu người tại vùng Xa-hen của châu Phi, trong đó có hơn một nửa là trẻ em, cần được hỗ trợ và bảo vệ để có thể sống sót trong năm nay. Ðây là con số kỷ lục từng được ghi nhận. Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở khu vực này dự báo sẽ tăng vọt, với hơn 12 triệu người đối mặt nạn đói nghiêm trọng, con số cao nhất trong một thập kỷ gần đây. Tác động về kinh tế, xã hội của đại dịch Covid-19 có nguy cơ khiến số nạn nhân chịu tác động của nạn đói tăng gấp đôi.

Trong số tầng lớp chịu nhiều rủi ro thì phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới do họ thường làm trong các lĩnh vực kinh tế không chính thức, không có hoặc hầu như không được bảo đảm quyền lợi lao động. Với cuộc sống bấp bênh ngày qua ngày, những người nghèo thường không được nghỉ ngơi và không có lương thực (nguồn quỹ) dự trữ. Theo con số thống kê, có khoảng hơn 2 tỷ người làm việc trong thành phần phi chính thức không được tiếp cận với bảo hiểm trợ cấp ốm đau.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Phi của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ngày 07/7/2020 cho biết: Gần 50 triệu người dân châu Phi có thể bị rơi vào tình cảnh nghèo đói cùng cực trong bối cảnh kinh tế bị tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Theo đó AfDB cho biết, khoảng 1/3 dân số châu lục - tương đương 425 triệu người có thể sẽ sống dưới ngưỡng nghèo khổ với mức 1,9 USD/ngày trong năm 2020. Ngân hàng này cũng dự báo tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.

 
Cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới và những tác động từ đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
AfDB cho biết, kịch bản tồi tệ có thể xảy ra là sẽ có khoảng 28,2 đến 49,2 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay và năm tới. AfDB cũng dự báo châu Phi có thể phải hứng chịu một cuộc suy thoái lớn với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay giảm từ 1,7% đến 3,4%. Ngoài ra, theo báo cáo của AfDB, khoảng 24,6 triệu đến 30 triệu người sẽ bị thất nghiệp do ảnh hưởng đại dịch.

Các phân tích nghiên cứu cũng cho thấy, đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi, vào thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 trở thành một cuộc khủng hoảng y tế, các nước này đã phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế bởi sự giảm giá mạnh của nguyên nhiên liệu và khoảng hơn 80 tỷ USD đầu tư đã bị rút khỏi thị trường. Tiếp theo đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tấn công các nền kinh tế châu Phi, các lĩnh vực như hàng không, du lịch và thương mại của các nước này được cho là chịu hậu quả trước tiên. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không châu Phi tổn thất khoảng 4,4 tỷ USD. Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi cho rằng, dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến ngành du lịch châu Phi thiệt hại 7,2 tỷ USD, khoảng 80% số người lao động sẽ bị mất việc làm tạm thời, nhiều người phải kiếm sống từng ngày. Sau khi thực hiện chính sách cách ly xã hội do dịch bệnh, những người lao động tầng lớp thấp sẽ mất đi cơ hội kiếm sống. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Phi sẽ giảm từ 3,2% xuống 1,8% trong năm 2020 với tổng thiệt hại khoảng 29 tỷ USD.

Ni-ge-ri-a, quốc gia đông dân nhất châu Phi, được dự báo sẽ chứng kiến số người nghèo cùng cực tăng cao nhất trong năm nay với khoảng từ 8,5 triệu đến 11,5 triệu người trong tổng số 200 triệu dân. Trong khi đó, tại CHDC Congo, nơi có đến 72% trong tổng số 90 triệu dân đã sống dưới mức nghèo đói, sẽ có thêm từ 2,7 triệu đến 3,4 triệu người khác bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo, đại dịch Covid-19 có thể khiến 70 đến 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2020 khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với đợt suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua. Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi khoảng 4% trong năm 2021. Ni-ge-ri-a, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Công-gô là ba quốc gia được dự báo sẽ chiếm hơn 1/3 số người nghèo nhất trên thế giới. Các quốc gia này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người lần lượt là -0,8%, 2,1% và 0,3%. Trong khi đó, với tỷ lệ tăng dân số của ba quốc gia này lần lượt là 2,6%, 1% và 3,1% - điều này không đủ để giúp giảm bền vững số người nghèo.

Cũng theo dự báo của WB, số người nghèo khổ ở Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng lên khoảng 11 triệu người nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những nỗ lực đẩy lùi tình trạng đói nghèo của thế giới trong nhiều thập niên qua có nguy cơ mất trắng. Các nước đang trên đà phát triển ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đặc biệt bị tác động mạnh.

Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng hơn 2 tỷ người trên toàn cầu cần có thu nhập hằng ngày để tồn tại, song tại nhiều khu vực trên thế giới lượng người thất nghiệp đang gia tăng từng ngày, từng giờ do Covid-19 khiến cho vấn đề nghèo đói càng trở nên trầm trọng hơn. Hoạt động kinh tế giảm mạnh kéo theo thất nghiệp gia tăng và việc làm thiếu thốn. ILO đưa ra dự báo số người thất nghiệp trên thế giới có thể tăng 5,3 triệu người theo kịch bản lạc quan và tăng 24,7 triệu người trong kịch bản bi quan dựa trên số liệu thất nghiệp 188 triệu người năm 2019.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia đã đưa ra dự báo về nguy cơ số người thất nghiệp tăng mạnh ở Nga, trong trường hợp kéo dài các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, con số này có thể lên tới 20 triệu người. Còn tại Mỹ, ngày 18/6, Bộ Lao động Mỹ thông báo đã có thêm 1,5 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, nâng tổng số người mất việc, ít nhất là tạm thời, do đại dịch Covid-19 lên 45,7 triệu người.

Tại Canada những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên cao thứ hai trong lịch sử. Ít nhất 2 triệu người Canada đã mất việc trong tháng 4/2020, thêm vào đó là 1 triệu người đã thất nghiệp tính tới tháng 3/2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Canada hiện ở mức 13%, mức cao thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử nước này. Cơ quan Thống kê Canada cho biết, tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn cao hơn, gần 18%, nếu những người không tích cực tìm kiếm việc làm được đưa vào tỷ lệ thất nghiệp. Gần 1/3 người lao động Canada đã không làm việc hoặc đã giảm giờ làm trong tháng 4/2020…

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã thực sự trở thành cuộc khủng hoảng lớn tác động mạnh mẽ đến người lao động có thu nhập thấp và người nghèo lại càng chìm sâu vào nghèo khổ. Các vấn đề như khủng hoảng lương thực, vấn đề nhân đạo và cuộc chiến chống đói nghèo đã trở thành những cụm từ được các tổ chức LHQ, quốc tế nhắc đến nhiều kể từ sau khi bùng phát dịch Covid-19. Trong khi đó, WFP lại tiếp tục đưa ra cảnh báo về những khó khăn trước mắt trong hoạt động viện trợ trên toàn cầu khi phần lớn các chuyến bay nhân đạo phục vụ hậu cần của tổ chức này có nguy cơ không thực hiện được trong tháng 7/2020 do thiếu kinh phí hoạt động. Chính vì vậy, thiếu tài chính, thiếu việc làm, cùng thực trạng đói nghèo đáng báo động hiện nay đang tác động mạnh mẽ tới những nỗ lực chung trong thực hiện SDGs và đặt thế giới trước con đường đầy gian nan, thử thách trong cuộc chiến chống “giặc đói”./.

 
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top