Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã thắng lợi song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

25/10/2024 - 11:17 AM
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu về cơ bản đã thắng lợi, song nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như: Xung đột leo thang ở Trung Đông và nguy cơ căng thẳng thương mại xuất phát từ những diễn biến chính trị ở Mỹ...

Chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát

Trong bản đánh giá mới nhất về nền kinh tế toàn cầu, IMF nhận định cuộc chiến chống lạm phát nhìn chung đã thắng lợi, ngay cả khi áp lực giá cả vẫn tồn tại ở một số quốc gia. Sau khi đạt đỉnh 9,4% vào quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước đó, IMF dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 3,5% vào cuối năm sau, thấp hơn một chút so với mức trung bình trong 20 năm trước đại dịch. Ở hầu hết các quốc gia, lạm phát hiện đang ở gần mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, từ đó mở đường cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng.

 
Ảnh minh họa

Trước đó, lạm phát đã tăng tốc khi nền kinh tế thế giới phục hồi với tốc độ không ngờ sau đại dịch COVID-19, khiến các nhà máy, bến bãi, cảng biển và doanh nghiệp bị quá tải đơn đặt hàng, tạo ra tình trạng thiếu hụt, chậm trễ và giá cả tăng cao. Nhưng sau đó, mức lãi suất cao do các ngân hàng trung ương lớn đặt ra, cùng với việc chấm dứt tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, đã kéo lạm phát giảm mạnh so với mức cao nhất trong 40 năm được ghi nhận hồi giữa năm 2022.

Nền kinh tế toàn cầu vẫn duy trì khả năng chống chịu bất ngờ trong suốt quá trình giảm lạm phát này. IMF dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025. Những lo ngại về khả năng kinh tế suy yếu trên diện rộng sau đại dịch đã được xua tan, nhưng IMF cảnh báo nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình hình nợ cao và tăng trưởng chậm chạp.

Theo IMF, Mỹ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các nền kinh tế phát triển khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống gần mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khiến Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ mức ước tính trước đó là 2,6% lên 2,8%, do chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn và tiền lương tăng. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,2% vào năm 2025.

 
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và 2025

Tại một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng gần gấp đôi so với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác trong hai năm qua và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực duy trì đà tăng đó.

Đối với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu, IMF dự đoán sẽ có sự phục hồi tăng trưởng khiêm tốn trong năm tới. Triển vọng tăng trưởng rất ổn định ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, ở mức khoảng 4,2% trong năm nay và năm sau, với hiệu suất mạnh mẽ liên tục từ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định: "Lạm phát hạ nhiệt mà kinh tế toàn cầu không suy thoái là một thành tựu lớn".

Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Gourinchas cho biết, dù lạm phát giảm trên toàn cầu là một dấu mốc quan trọng, nhưng các rủi ro đang gia tăng và hiện đang chi phối triển vọng kinh tế.

Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu có thể chịu động tiêu cực nếu sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn hoặc kéo dài hơn. Điều đó có thể làm giảm tâm lý tiêu dùng ở Trung Quốc và kìm hãm hoạt động thương mại toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc đã bị cản trở bởi sự suy thoái trên thị trường nhà ở - yếu tố đã làm chậm hoạt động chi tiêu cho xây dựng. Các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ngân sách eo hẹp và hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang chật vật tìm việc làm. IMF đã hạ 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống 4,8% và giữ nguyên mức dự báo 4,5% cho năm 2025.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế của IMF vẫn lo ngại về thiệt hại mà hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas có thể gây ra cho nền kinh tế thế giới. Nếu những xung đột này leo thang hoặc mở rộng thành xung đột khu vực, chúng có thể thổi bùng lạm phát trở lại, khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt.

Ngoài xung đột ở Ukraine và Trung Đông, IMF lưu ý một nửa dân số thế giới đã hoặc sẽ bầu ra các chính phủ mới vào năm 2024, trong đó có Mỹ. Trong nhiều trường hợp, kế hoạch chính sách của những nhà lãnh đạo mới này vẫn chưa rõ ràng, nhưng sẽ mang lại những hệ quả kinh tế đáng kể.

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế và giới lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thổi bùng lạm phát, trong khi cam kết cắt giảm thuế của ông có thể khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng.

Ông Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế quan trên diện rộng lên tới 50%. Điều này rất có thể sẽ châm ngòi cho các động thái trả đũa và chiến tranh thương mại. Các nhà kinh tế cho rằng điều đó có thể thúc đẩy giá cả tăng và kìm hãm tăng trưởng, từ đó dẫn đến suy thoái.

IMF cũng cảnh báo rằng thị trường tài chính toàn cầu có thể đang đánh giá thấp nguy cơ từ bất ổn địa chính trị, khi tình hình xung đột leo thang, nhưng thị trường vẫn duy trì trạng thái ổn định đáng ngờ với biến động thấp. IMF lo ngại sự thờ ơ này sẽ dẫn đến cú sốc lớn, tương tự như khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất hồi tháng Tám. Khi đó, quyết định của BoJ đã khiến thị trường "sốc" do không lường trước được rủi ro, dẫn đến bán tháo ồ ạt và giảm mạnh giá tài sản. IMF cảnh báo kịch bản này có thể tái diễn nếu thị trường tiếp tục phớt lờ các nguy cơ tiềm ẩn./.

 
Tiến Long
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top