Thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về cả chất và lượng, đạt mức tăng trưởng nhanh chóng, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu thép Việt Nam cũng chịu không ít khó khăn dưới tác động của các chính sách liên ngành trong nước cũng như diễn biến toàn cầu, nhất là sức ép phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu.
Từ khóa: Thép, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại, biện pháp…
Abstract: Recently, Vietnam’s steel industry has had many strong changes in both quality and quantity, achieving rapid growth and affirming its position in the international market. However, Vietnam’s steel production and export also suffers from many difficulties under the impact of domestic inter-sectoral policies as well as global developments, especially trade defense pressure from importing countries.
Keywords: Steel, export, import, trade, measures...
Ngành thép Việt Nam trước sức ép từ các cuộc chiến thương mại
Ngành thép Việt Nam phát triển và đi lên từ xuất phát điểm thấp, công nghệ sản xuất khá khiêm tốn với quy mô sản xuất nhỏ, phân tán và lạc hậu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2022, các doanh nghiệp thép trong nước đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ với việc một số nhà máy được đầu tư tương đương tầm cỡ quốc tế, đạt được sự đồng bộ cả về sản lượng và thiết bị cán, đúc. Nhờ đó, ngành thép Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực và công nghệ, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất thép lớn thứ 13 trên thế giới, đồng thời đứng đầu khu vực ASEAN.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam sản xuất được 16,21 triệu tấn thép cán và 9,02 triệu tấn thép thanh, thép góc; xuất khẩu 132,7 nghìn tấn sắt thép với trị giá khoảng 104,2 triệu USD. 10 tháng năm 2024, Việt Nam sản xuất được 15,62 triệu tấn thép cán, 11,36 triệu tấn thép thanh, thép góc. Đáng chú ý, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do biến động của tình hình thế giới, giá nguyên vật liệu tăng cao song xuất khẩu thép trong năm 2024 vẫn rất tích cực. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắt thép của 10 tháng năm 2024 mới đạt 121,8 nghìn tấn, nhưng trị giá đã vượt cả năm 2023 với 114,7 triệu USD. Ngành thép đang ngày càng khẳng định là ngành công nghiệp “xương sống” đối sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với đặc thù là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia, ngành thép là một trong những ngành hàng phải đối mặt với phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Cuộc chiến thương mại toàn cầu trong ngành thép đang trở nên phức tạp khi các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ, nhất là trong xu hướng bảo hộ gia tăng, cùng với ảnh hưởng từ các cuộc xung đột chính trị, vũ trang và sự bất ổn của thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc.
Những vụ điều tra, áp thuế chống bán phá giá diễn ra liên tục tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam và các đối tác xuất khẩu chính. Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam với phạm vi sản phẩm bị điều tra không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, trong đó có sản phẩm thép.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm: Thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Úc…, trong đó Mỹ là nước điều tra nhiều nhất đối với thép có xuất xứ từ Việt Nam.
Một số chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là HRC - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo,… có nhu cầu ngày càng cao, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi bị đối tác áp dụng các biện pháp điều tra liên quan đến xuất xứ nguyên liệu. Điều đáng lo ngại là, một số quốc gia nhập khẩu cho rằng thép giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN, gây áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất nội địa và yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Điển hình tại Ấn Độ, các nhà sản xuất thép nước này đã yêu cầu Chính phủ áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Việt Nam do lo ngại sản phẩm giá rẻ này làm giảm giá thép trong nước.
Kể từ tháng Sáu đến cuối tháng Mười năm 2024, đã có 7 vụ điều tra chống bán phá giá với thép Việt Nam từ các thị trường: Úc, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm: Cuộn cán nóng (HRC), dây thép, thép chống ăn mòn (CORE) và thanh cốt thép cán nóng. Đặc biệt, các thị trường lớn như Ấn Độ và EU đã đồng loạt mở điều tra chống bán phá giá với thép HRC Việt Nam trong tháng Tám.
Với các vụ điều tra liên tiếp này, Việt Nam đang đứng trước áp lực lớn khi ngành thép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực nhưng cũng là mặt hàng dễ bị tác động bởi chính sách phòng vệ thương mại. Những biện pháp này tuy giúp bảo vệ ngành thép của nước nhập khẩu, nhưng lại đặt các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào tình thế khó khăn.
Bên cạnh đó, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường hiện nay đang ngày càng khắt khe hơn; đồng thời yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Thêm vào đó, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Mặt khác, ngành thép Việt Nam không chỉ đối mặt với biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu mà còn phải bảo vệ chính mình trước sức ép nhập khẩu thép từ nước ngoài.
Đồng thời với sức ép từ bên ngoài, việc ngân hàng siết chặt tín dụng với bất động sản cũng khiến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước chịu ảnh hưởng khá lớn. Thêm vào đó, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ, khiến hàng tồn kho cao, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất, thậm chí có giai đoạn phải tạm dừng sản xuất.
Nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa, tận dụng thời cơ vượt thách thức
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trước sức ép đa phương từ các cuộc chiến thương mại trên thị trường quốc tế và một số biến động trong nước, song ngành thép Việt Nam cũng mạnh mẽ chuyển mình trong xu thế hội nhập thương mại thế giới. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam xác định định hướng tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia; đồng thời, giảm thiểu tác hại và nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do lo ngại nguồn gốc xuất xứ. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp ngành thép đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, gia tăng tỷ lệ xuất xứ, tiến tới tự chủ nguyên liệu, nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Dù còn nhiều khó khăn, song với các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết và có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành thép. Các doanh nghiệp cũng chủ động nắm bắt cơ hội từ các FTA như CPTPP, EVFTA…, đưa ngành thép nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan.
Thêm vào đó, hệ thống thương vụ tại nước ngoài cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thông tin, giao thương để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại. Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình là việc Australia đã chấm dứt lệnh áp thuế đối với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp (ống thép chính xác, dây đai thép phủ màu, ống đồng, nhôm ép, amoni nitrat...) của Việt Nam. Đồng thời, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh… Song song với đó, Việt Nam cũng đang thực hiện những giải pháp kịp thời và tích cực nhằm bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước như tiếp nhận hồ sơ điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.
Ngoài ra, thép Việt đang ngày càng khẳng định thương hiệu, nỗ lực tận dụng cơ hội để mở rộng quy mô và thị phần tại một số thị trường lớn như EU, Mỹ… Cuộc xung đột Nga - Ukraine vốn là hai thị trường xuất khẩu thép lớn sang EU (lần lượt đứng thứ 2 và thứ 4) đã khiến nguồn cung vào EU gián đoạn, nhiều doanh nghiệp thép của Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này để mở rộng thị phần. Đến nay, sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới khoảng 30 thị trường trên thế giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ nhậm chức vào tháng 01/2025 cùng với cam kết tái thúc đẩy chính sách bảo hộ thương mại với trọng tâm là đẩy mạnh làn sóng thuế quan mới nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, tiếp nối chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Trump 1.0 đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021). Do đó, hàng nhập khẩu từ các quốc gia có thặng dư thương mại có thể phải chịu mức thuế cao; nhất là khi trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump cam kết áp dụng mức thuế 10%-20% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Đây cũng là một trong những khó khăn mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đặt ra yêu cầu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ nói chung và sản phẩm thép nói riêng cần chuẩn bị trước biện pháp ứng phó.
|
Tuy nhiên, sự phức tạp của xu hướng phòng vệ thương mại toàn cầu đòi hỏi các quốc gia cần xây dựng các biện pháp ứng phó. Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, ngành thép Việt Nam cần triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng giải pháp ứng phó thương mại và tăng cường năng lực sản xuất.
Một là, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Đồng thời, tìm hiểu các nội dung về phòng vệ thương mại để chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý sản xuất nội địa. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán.
Hai là, cần phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. Tăng cường cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu; tìm kiếm thông tin, điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thị trường. Tăng cường hợp tác, liên kết, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép trong nước
Ba là, cần có chiến lược phát triển dài hạn để thúc đẩy đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, qua đó xác lập tiền đề quan trọng để có chính sách dài hạn thúc đẩy ngành thép phát triển./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, Tổng cục Thống kê;
2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê
Duy Hưng