Đặc điểm của lao động có việc làm phi chính thức tại Việt Nam

11/04/2023 - 02:23 PM
Việc làm phi chính thức (lao động phi chính thức) là một phần không thể thiếu góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động tại Việt Nam. Báo cáo tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam cho thấy, lao động phi chính thức ở Việt Nam thực sự là lao động yếu thế với trình độ kỹ năng thấp, việc làm mang tính chất tạm thời, thiếu các bảo trợ xã hội và khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình.
 
Quy mô và cơ cấu lao động có việc làm phi chính thức


Năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Với việc quan sát thêm cả nhóm lao động trong các hộ nông, lâm nghiệp thủy sản không có đăng kí kinh doanh, tỷ lệ lao động phi chính thức theo cách tính mới cao hơn cách tính trong những năm trước 2021 khá nhiều, 12,3 điểm phần trăm (68,5% so với 56,2%). So với một số nước trong khu vực như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam thấp hơn, tuy nhiên so với nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này của Việt Nam vẫn ở mức cao. Mặc dù, lao động phi chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, là bệ đỡ của thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, tuy nhiên muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao. Chính vì vậy, Việt Nam và các quốc gia khác đã và đang tìm cách để giảm thiểu tỷ lệ này.

Hầu hết lao động phi chính thức đang làm việc ở khu vực phi chính thức (chiếm 81,8%). Số lao động phi chính thức làm việc ở khu vực khác chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, 17,8% ở khu vực chính thức và 0,4% ở khu vực hộ gia đình.

Trong khu vực chính thức, mặc dù số lao động phi chính thức ở trong khu vực này chỉ chiếm 17,8% tổng số lao động phi chính thức, thấp hơn rất nhiều so với khu vực phi chính thức, tuy nhiên với số lượng gần 6 nghìn lao động phi chính thức trong khu vực này (trong đó 47,8% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 36,9% là trong các doanh nghiệp tư nhân) vẫn là vấn đề cần phải được các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm và lưu ý.

Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2021 cho thấy, toàn quốc có 24,4 triệu lao động phi chính thức làm việc ở khu vực nông thôn, chiếm 72,5% tổng lao động phi chính thức. Con số này ở khu vực thành thị thấp hơn rất nhiều, tương ứng 9,2 triệu người, chiếm 27,5%. Điều này một phần là do dân số ở nông thôn chiếm tỷ trọng cao hơn dân số thành thị làm cho số người làm việc ở khu vực nông thôn cao hơn ở khu vực thành thị (63,7% so với 36,3%), một phần khác do tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở nông thôn cao hơn rất nhiều so với ở khu vực thành thị. Ở khu vực nông thôn, cứ trong 100 người lao động đang làm việc thì có khoảng 78 người là lao động phi chính thức, trong khi đó con số này ở khu vực thành thị chỉ là 52 người. Rõ ràng, lao động ở khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với lao động ở khu vực thành thị.

Lao động phi chính thức phân bố chủ yếu tại 3 vùng kinh tế - xã hội có quy mô dân số lớn của cả nước là Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 64,8% tổng lao động phi chính thức toàn quốc. Đáng chú ý, mặc dù quy mô lao động ở Vùng Tây Nguyên thấp nhất trong cả nước (với khoảng 3 triệu người) nhưng vùng này lại sử dụng lao động phi chính thức cao nhất trong cả nước. Tỷ lệ lao động phi chính thức ở Tây Nguyên là 86,6%, cao hơn vùng đứng thứ hai là Đồng bằng sông Cửu Long đến 6 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là hầu hết lao động ở vùng Tây Nguyên chưa được bảo vệ bởi các quy định của luật lao động, của các chính sách bảo hiểm và phúc lợi xã hội dành cho người lao động.

Trong 6 vùng kinh tế xã hội, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ lao động phi chính thức thấp nhất, với 48,6%, thấp hơn nhiều so với vùng có thứ hạng liền kề là vùng Đồng bằng sông Hồng, 60,5%. Sự phát triển kinh tế sôi động, tập trung nhiều khu công nghiệp liên hợp, khu chế xuất của các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Vùng Đông Nam Bộ đã tạo điều kiện tốt hơn cho thị trường lao động nơi đây, góp phần giảm việc làm phi chính thức của người lao động ở vùng này.

Năm 2021, có đến 42 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%, thậm chí còn trên 80% (26 tỉnh).

Hơn hai phần ba số lao động phi chính thức (70%) có độ tuổi từ 25-59, tương đương với sự phân bố độ tuổi của lao động có việc làm chung. Nếu xét riêng theo từng nhóm 5 độ tuổi, ở nhóm dân số từ 15 đến 19 tuổi, tỷ lệ lao động phi chính thức khá cao, 83,7%. Tỷ lệ này giảm mạnh ở nhóm tuổi 20 đến 24 với 61,8% và bắt đáy ở nhóm tuổi 25-29, với 54,5%. Sau độ tuổi 29, tỷ lệ phi chính thức của lao động bắt đầu tăng lên và tăng mạnh từ nhóm tuổi 45-49 trở đi. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm lao động từ 60 tuổi trở lên. Hơn 90% lao động ở độ tuổi từ 60 trở lên có việc làm phi chính thức.

Rõ ràng, có mối tương quan khá chặt chẽ (hình chữ V) giữa độ tuổi và tình trạng việc làm của người lao động. Người lao động ở độ tuổi quá trẻ (từ 15 - 19 tuổi) hoặc đã qua độ tuổi lao động (60+) thường phải chấp nhận làm các công việc thiếu bền vững, dễ bị tổn thương hơn lao động ở các nhóm tuổi khác. Điều đáng lưu tâm nhất chính là sự tăng mạnh về tỷ lệ lao động phi chính thức ở nhóm tuổi từ 30 trở lên, nhóm tuổi trung niên vẫn được coi là có đóng góp chủ yếu cho nền kinh tế. Xu hướng này cũng quan sát thấy qua nhiều năm. Có giả thiết cho rằng tình trạng này là hệ lụy của việc sa thải lao động từ 30 tuổi trở lên của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, các bằng chứng về vấn đề này vẫn chưa rõ và cần có thêm nhiều khảo sát chuyên sâu để tìm hiểu kỹ hơn thực trạng đáng lưu tâm này.

Ở nhóm tuổi 20 đến 24, có gần 2/3 lao động có việc làm trong nhóm tuổi này là lao động phi chính thức, những lao động này chủ yếu là nữ giới (chiếm 60%) và làm các nghề là lao động giản đơn hoặc nhân viên bán hàng với trình độ thấp và 84,2% chưa qua đào tạo.

Người lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật có nhiều ưu thế hơn và có nhiều cơ hội được làm các công việc chính thức hơn so với người không được đào tạo hoặc đào tạo ở trình độ thấp. Phần lớn (87,3%) lao động phi chính thức là những người không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, cao gấp 2 lần tỷ trọng chưa qua đào tạo của lao động chính thức, 44,8%. Trình độ càng cao thì tỷ lệ lao động phi chính thức càng giảm, xu hướng này quan sát được qua nhiều năm và ở cả hai giới, nam và nữ. Điều này dễ lý giải bởi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ khó có thể tiếp cận với các công việc yêu cầu có chuyên môn, tay nghề. Họ buộc phải chấp nhận làm các công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, mang tính tạm thời và không được bảo vệ. Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến chế tạo; Xây dựng và Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô xe máy là các ngành thu hút hầu hết lao động phi chính thức của cả nước. Có đến 82,8% lao động phi chính thức của Việt Nam đang làm việc ở các ngành này.

Có sự khác biệt trong phân bố lao động phi chính thức giữa khu vực thành thị và nông thôn. Ở khu vực nông thôn, có đến 51,9% lao động phi chính thức làm trong ngành NLNTS; ngược lại ở khu vực thành thị, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ, điều này do sự khác biệt về cơ cấu lao động giữa hai khu vực này. Quan sát riêng từng ngành có thể thấy, rất nhiều ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao như ngành NLNTS; Xây dựng; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình. Hầu hết (hơn 90%) lao động làm việc trong các ngành này đều là lao động phi chính thức. Ở khu vực nông thôn tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn làm việc trong các ngành này đều ở mức trên 96%. Riêng ngành NLTS, con số này còn đạt mức 99%. Nghĩa là người lao động nếu làm việc trong các ngành này, đặc biệt ở khu vực nông thôn, sẽ phải làm các công việc dễ bị tổn thương và không được bảo trợ bởi các chính sách pháp luật về lao động.

Lao động phi chính thức thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao (như Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng) chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp khoảng 1,9%. Đặc điểm này hoàn toàn trái ngược với lao động chính thức. Đối với lao động chính thức, công việc đòi hỏi trình độ quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nói trên thu hút đến 32,8% lao động nhóm này.

Thu nhập của lao động có việc làm phi chính thức

Thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (8,2 triệu đồng). Nam giới dù làm công việc chính thức hay phi chính thức thì đều có thu nhập cao hơn nữ giới trong cùng nhóm khoảng 2 triệu đồng. Thu nhập của lao động chính thức nam đạt 9,2 triệu đồng, của nữ giới nhóm này đạt 7,2 triệu đồng; thu nhập của lao động phi chính thức nam đạt 5,4 triệu đồng, của nữ giới nhóm này chỉ là 3,2 triệu đồng. Gần một nửa (47,0%) số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Con số này ở lao động chính thức chỉ là 8,0%. Rõ ràng, so với lao động chính thức, lao động phi chính thức không chỉ chịu nhiều thiệt thòi hơn do phải làm công việc bấp bênh, tạm thời, không được bảo trợ xã hội mà còn khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Tình trạng này ở nữ giới còn đáng quan ngại hơn. Hơn 61% lao động nữ có việc làm phi chính thức nhận mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cao gần gấp 2 lần tỷ lệ này ở nam giới. Chủ trương chính thức hóa lao động phi chính thức có thể là một trong những giải pháp tốt để giảm thiểu tỷ lệ lao động có mức thu nhập thấp.

Vị thế của người lao động có ảnh hưởng đáng kể đến mức chênh lệch về thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức. Mức chênh lệch này cao nhất ở nhóm chủ cơ sở có đăng kí kinh doanh và nhóm chủ cơ sở không đăng kí kinh doanh (5,3 triệu đồng); tiếp đến là nhóm lao động tự làm: Những người tự làm (có thể là chủ cơ sở không thuê lao động) ở các cơ sở có đăng ký kinh doanh có thu nhập cao hơn những người tự làm ở các cơ sở phi chính thức không có đăng ký kinh doanh là 4,4 triệu đồng; đối với nhóm lao động làm công hưởng lương thì mức chênh lệch này là 2,2 triệu đồng; không có sự khác biệt nhiều về thu nhập của nhóm những người là thành viên hợp tác xã.

Khoảng 45,4% những người tự làm phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tỷ lệ này ở nhóm lao động phi chính thức làm công hưởng lương là 25,7%. Tỷ lệ lao động có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng ở nhóm lao động chính thức tự làm và làm công ăn lương chỉ là 12,6% và 7,4%.
Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức làm việc trong khu vực NLTS là thấp nhất, với 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác (dịch vụ: 5,1 triệu đồng/tháng; công nghiệp: 5,2 triệu đồng/tháng và xây dựng: 5,9 triệu đồng/tháng).

Thứ hạng về thu nhập của lao động phi chính thức làm việc trong các ngành kinh tế không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, ở tất cả các ngành, thu nhập bình quân của lao động phi chính thức nam luôn cao hơn nữ. Mức chênh lệch cao nhất ghi nhận được ở ngành NLTS, thu nhập của nam cao gấp 2,5 lần thu nhập của nữ. Ở các ngành khác, mức chênh lệch này chỉ xấp xỉ 1,5 lần.

Số giờ làm việc

So với lao động chính thức, lao động phi chính thức có thời gian làm việc trung bình ít hơn. Bình quân mỗi tuần, lao động phi chính thức giành 37,5 giờ để làm việc trong khi đó lao động chính thức giành đến 42,8 giờ để làm việc. Số giờ làm việc trung bình của lao động phi chính thức đều cao hơn từ 2 giờ trở lên đối với nhóm lao động là chủ cơ sở, lao động tự làm.

Số giờ làm việc thấp cộng với thu nhập không được đảm bảo (44,5% lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng) khiến tỷ lệ thiếu việc làm theo giờ của lao động phi chính thức cao hơn rất nhiều so với lao động chính thức. Có 3,6% người lao động phi chính thức làm việc dưới 35 giờ một tuần cho biết họ có nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động chính thức là 1,6%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở lao động phi chính thức. Có sự khác biệt lớn về số giờ làm việc bình quân của người lao động phi chính thức theo vị thế việc làm. Chủ cơ sở và người làm công hưởng lương có số giờ làm việc bình quân trong tuần cao nhất, khoảng gần 42 giờ/tuần, cao hơn 10 giờ/tuần so với người lao động tự làm, lao động gia đình và xã viên hợp tác xã. Sự khác biệt này không phát hiện thấy ở nhóm lao động chính thức.

Thu nhập thấp cùng với thời gian làm việc thiếu ổn định là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức làm thêm công việc khác, có 10,2% lao động có việc làm phi chính thức làm thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập, trong khi đó tỷ lệ này ở lao động chính thức chỉ là 2,4%. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm lao động là xã viên HTX (42,2%) và nhóm lao động tự làm (12,39%).

Theo Bộ luật Lao động, số giờ làm việc tối đa của người lao động trong 1 tuần không quá 48 giờ, tuy nhiên, tỷ lệ lao động làm quá số giờ theo luật này còn khá cao, đặc biệt ở nhóm lao động làm công hưởng lương phi chính thức. Năm 2021, có 35,6% lao động làm công hưởng lương phi chính thức làm việc vượt quá 48 giờ/tuần, cao hơn 10,1 điểm phần so với lao động làm công hưởng lương chính thức (25,5%).

Hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội

Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý thể hiện mức độ bền vững của công việc người lao động đang làm và khả năng được bảo vệ trước pháp luật. Trong khi đa số lao động chính thức có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên (95,4%) và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ có hợp đồng từ 3 tháng đến 1 năm, ngược lại đối với lao động phi chính thức đa số họ là không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng không bằng văn bản (chiếm gần 79%) và chỉ có 15,3% là có hợp đồng lao động. Với thực tế này, lao động phi chính thức sẽ phải đối mặt với tình trạng không bảo đảm về việc làm, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động. Tỷ lệ lao động không có hợp đồng hoặc hợp đồng không bằng văn bản ở nam cao hơn so với nữ 7,7 điểm phần trăm.

Mức độ ổn định của công việc đang làm của người lao động còn phụ thuộc vào tính pháp lý của đơn vị nơi người lao động làm việc. Điều này được thể hiện qua việc đơn vị đó có đăng ký kinh doanh hay không. Thông thường, hoạt động của các cơ sở có đăng ký kinh doanh thường mang tính lâu dài. Vì vậy, công việc của người lao động cũng mang tính ổn định hơn. Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2021 cũng cho thấy, đa số lao động không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng miệng/giao khoán chủ yếu nằm ở khu vực phi chính thức (65,9%).

Bảo hiểm xã hội

Tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ giúp người lao động được hưởng chế độ lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động mà còn giúp người lao động được hưởng thêm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác giành cho người lao động. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai rất nhiều chương trình chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn ít. Có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chỉ có 0,1% lao động phi chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc (chủ yếu là nhóm lao động gia đình và lao động tự làm). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tăng rất chậm trong hai năm qua (từ 1,6% năm 2019 lên 2,1% năm 2021). Điều này cho thấy, nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHXH và các chính sách của BHXH chưa thực sự hấp dẫn đối với người lao động. Việc đa số lao động phi chính thức không tham gia BHXH đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đối với những lao động kí hợp đồng từ 1 tháng trở lên người chủ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên nhưng không có bảo hiểm xã hội vẫn chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Trong khu vực chính thức, có đến 20,8% lao động làm công hưởng lương có kí hợp đồng lao động nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đây là một khoảng trống pháp luật mà các cơ quan quản lý cần lưu tâm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thâm niên trong công việc

Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 đến 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

Có thể nói, lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển và có quy mô dân số lớn như Việt Nam. Thực trạng này đang thực sự là một rào cản đối với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường với thu nhập trung bình cao theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững cần giảm thiểu được việc làm phi chính thức và đây cũng là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam./.

 
(Nguồn: Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top