Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho chính phủ số, nền kinh tế số

05/07/2024 - 01:45 PM

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, công nghệ số được khẳng định là “chiếc chìa khóa vàng” có thể đưa Việt Nam tiến nhanh đến Chính phủ số, nền kinh tế số và mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc ứng phó với các nguy cơ đe dọa, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi.

Thách thức an toàn thông tin, an ninh mạng trong tình hình hiện nay

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Việt Nam phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử - bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm - được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. Năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI), đến năm 2030 thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về EGDI.
 
Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử” được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả nước đã tạo cơ sở nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Thông tin được đồng bộ, góp phần công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của từng đối tượng. Kể từ thời điểm đi vào hoạt động chính thức ngày 9/12/2019 đến hết năm 2023, cổng Dịch vụ công quốc gia đã công khai, đồng bộ thông tin trên 6.400 thủ tục hành chính với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ cấp bộ đến cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản.
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho chính phủ số, nền kinh tế số
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là một trong những yếu tố quyết định thành công của
Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số

 
Tuy nhiên, thách thức lớn đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình chuyển đổi Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số với không chỉ Việt Nam mà bất kể quốc gia nào trên thế giới hiện nay chính là vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống số của cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
 
Theo Báo cáo tổng kết An ninh mạng Việt Nam năm 2023 của Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), năm 2023 có khoảng 13,9 nghìn vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022. Trong đó, có 554 trang thông tin của các cơ quan, tổ chức Chính phủ và giáo dục đã bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo không phù hợp, gồm 342 trang website giáo dục có tên miền “.edu.vn” và 212 trang web của cơ quan Chính phủ có tên miền “.gov.vn”. Tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công trong năm 2023 là 43,6%, tuy có giảm nhẹ 8,6% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao của thế giới. Có hơn 83 nghìn máy tính, máy chủ đã bị mã độc mã hóa dữ liệu, tấn công tống tiền, tăng 8,4% so với năm 2022.
 
Từ hơn 13,9 nghìn vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, ước tính trung bình mỗi tháng xảy ra 1,16 nghìn vụ tấn công mạng. Đặc biệt trong 3 tháng cuối năm 2023, số vụ tấn công mạng tăng mạnh, lên tới 1.614 vụ, gấp rưỡi mức bình quân của các tháng. Ngoài ra, tình trạng lộ lọt dữ liệu của người dùng tại Việt Nam được Bộ Công an cảnh báo là đang ở mức báo động.
 
Đáng nói là, mục tiêu của các vụ tấn công mạng phần lớn hướng đến các cơ quan Chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác. Trong khi đó, Chỉ thị 09/ CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, còn gần 40% hệ thống thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương chưa hoàn thành việc phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Hầu hết các hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin chưa được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt. Nhiều cơ quan, địa phương chưa tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Do đó, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
 

Quyết liệt các giải pháp ứng phó đảm bảo an ninh mạng


Mọi nỗ lực của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số vì mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững sẽ trở nên vô nghĩa nếu không tìm ra giải pháp sớm ứng phó với vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng. Đứng trước thực trạng kể trên, Chính phủ đã dành nhiều nỗ lực để đẩy mạnh các tuyến phòng vệ, bảo đảm an ninh mạng cho các hệ thống. Cụ thể, “Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đặt mục tiêu, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam duy trì thứ hạng 25 đến 30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (Chỉ số GCI). Cùng với đó là việc hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...
 
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho chính phủ số, nền kinh tế số 1

 
Đặc biệt, trong năm 2024, có nhiều văn bản của Chính phủ được ban hành, trong đó có các định hướng, mục tiêu, giải pháp nhằm kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh mạng. Ngay trong tháng 2 đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Ngày 07/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện số 33/ CĐ-TTg yêu cầu lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
 
Trong tầm nhìn dài hạn Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn đề an ninh mạng hiện nay. Trong đó, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là một trong 5 yêu cầu phát triển được đặt ra với định hướng: An toàn thông tin mạng, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, gắn kết, song hành với hoạt động chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành, khai thác. Phát triển các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Chú trọng triển khai các hệ thống, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Phổ cập công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể người dân.
 
Việt Nam quyết tâm đến năm 2025 sẽ tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh. Xây dựng được hệ thống Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, dịch vụ nội dung số. Đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á. Hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
 
Để thực hiện được các định hướng trong tương lai, giải pháp đặt ra đối với Việt Nam là cần thực hiện giám sát an toàn không gian mạng; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin; bảo vệ người dân trên môi trường mạng; làm chủ và phát triển công nghệ là các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng; đồng thời nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế về an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam trên trường quốc tế./.
 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top