Dân số suy giảm đang đe dọa kinh tế Trung Quốc

31/08/2024 - 10:25 PM
Dân số Trung Quốc đang giảm dần và lão hóa, làm suy giảm lực lượng lao động và gây áp lực lên chính sách tài khoá, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của nước này.

Dân số suy giảm nhanh

Trên thế giới, tỷ lệ sinh đang có xu hướng giảm do phụ nữ chọn có con muộn hoặc thậm chí không sinh con. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ sinh tại các quốc gia này đã giảm từ mức khoảng 3,3 con/phụ nữ vào năm 1960 xuống còn 1,5 con/phụ nữ vào năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì dân số mà không cần tới người nhập cư - là 2,1 con/phụ nữ.

Tại Trung Quốc, số liệu từ Tổng cục Thống kê nước này cho thấy, dân số đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, còn 1,409 tỷ người, ít hơn 2,08 triệu người so với năm trước. Mức giảm dân số Trung Quốc năm 2023 nhiều hơn mức giảm 850.000 người ghi nhận vào năm 2022. Đây là một hệ quả của chính sách một con thiết lập vào năm 1980.

 
Ảnh minh họa

Theo một số dự báo, dân số Trung Quốc đến năm 2050 sẽ giảm còn 1,317 tỷ người và đến năm 2100 sẽ giảm gần một nửa so với hiện nay, còn 732 triệu người.

Ông Darren Tay, chuyên gia của công ty phân tích BMI nhận định, dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ giảm rất nhanh trong 1 thập kỷ tới, khiến nền kinh tế nước này mất đi 1% trong tăng trưởng GDP mỗi năm trong 10 năm tới.

Theo nhà kinh tế cấp cao Tianchen Xu của tổ chức nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (EIU), tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm nhanh hơn so với ở các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Tianchen Xu cho biết, các nền kinh tế lớn châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dân số già đi nhanh chóng, phần lớn là do mức sống được cải thiện - điều có mối quan hệ nghịch đảo với tỷ lệ sinh sản.

Sự mở rộng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây ở các quốc gia phát triển đã mang lại mức thu nhập tăng lên và mở rộng cơ hội giáo dục và nghề nghiệp cho phụ nữ. Những điều kiện được cải thiện này đã dẫn đến chi phí cơ hội lớn hơn cho việc sinh con.

Theo các chuyên gia, tại các xã hội phát triển hơn, xu hướng cha mẹ phải đối mặt với chi phí nuôi dạy con cái cao hơn nhiều và điều đó có xu hướng cản trở việc sinh con. Nền kinh tế càng phát triển thì các tác nhân trong nền kinh tế càng phải có nhiều kỹ năng hơn, và do đó, mức đầu tư cần thiết cho mỗi trẻ em cũng sẽ tăng lên.

Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ rất cao trong gần ba thập kỷ qua để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi đó, hệ thống phúc lợi của Trung Quốc còn chưa đuổi kịp sự phát triển kinh tế và hỗ trợ của nhà nước cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ “còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế”.  

Bên cạnh đó, giá nhà tăng chóng mặt cũng là một lý do khiến tỷ lệ sinh giảm sút. Ông Tianchen Xu cho biết, khi chính phủ không có khả năng quản lý chi phí nhà ở tăng đáng kể, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc mua nhà và trì hoãn việc lập gia đình.

Ngoài ra, văn hóa làm việc ở châu Á cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của tỷ lệ sinh. Tại nhiều nước ở châu Á, có một tư duy đã ăn sâu là ưa chuộng thời gian làm việc kéo dài, nhất là ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á. Những nước này có tổng số giờ làm việc dài nhất thế giới, nên người lao động có ít thời gian hơn cho việc xây dựng gia đình.

Giải pháp ứng phó

Theo các chuyên gia dân số học, tỷ lệ sinh giảm sẽ gây áp lực lên nền kinh tề và xã hội vì khiến lực lượng lao động giảm theo. Tỷ suất sinh của một quốc gia tại một thời điểm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động ở thời điểm khoảng 2 thập kỷ sau đó.

Ngoài ra, tỷ lệ sinh giảm có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ người già cần được thế hệ trẻ hơn chăm sóc, từ đó có thể đặt ra gánh nặng quá mức đối với hệ thống y tế và lương hưu của một quốc gia. Cùng với đó, áp lực đối với thế hệ trẻ hơn sẽ tăng lên vì họ vừa phải chăm sóc con nhỏ vừa phải chăm sóc cha mẹ già.

Giới chuyên gia cho rằng, sự dịch chuyển nhân khẩu học này tại nhiều nền kinh tế châu Á là một vấn đề mang tính cấu trúc đòi hỏi “nỗ lực toàn diện và quyết liệt của chính phủ” cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo ông Tianchen Xu, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đang nhấn mạnh việc tăng trưởng năng suất lao động. Họ đã nhận thấy sự giảm sút mạnh mẽ trong đóng góp của nhân công vào tăng trưởng GDP. Đây là một sự sụt giảm mà không một dạng can thiệp chính sách ngắn hạn nào có thể giải quyết được và đó là lý do vì sao họ tập trung vào tăng trưởng năng suất.

Hiện nay, Trung Quốc đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp kỹ thuật số và phát triển các công nghệ như tự động hóa và con chip tiên tiến, với mục tiêu đưa các ngành công nghiệp truyền thống trở nên hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện môi trường lao động, bao gồm các biện pháp như tăng cường thực thi luật lao động và thúc đẩy cân bằng công việc-cuộc sống.

Các nhà kinh tế học cũng đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc nên tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này, có thêm chính sách hoàn thuế cho người nuôi con nhỏ, và đẩy mạnh nỗ lực xây dựng nhà ở giá phải chăng. Theo tính toán của EIU, nếu tuổi nghỉ hưu tăng lên 65 tuổi vào năm 2035 thì mức thâm hụt ngân sách tiền lương hưu có thể giảm 20% và tiền lương hưu ròng mà người hưu trí được nhận có thể tăng 30%, đồng nghĩa giải tỏa áp lực cho các chính phủ và hộ gia đình./.

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top