Đánh giá các rủi ro chính của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam

21/10/2024 - 04:35 PM
Năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đi được ba phần tư quãng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn nên dễ bị tác động bởi những rủi ro, thách thức từ môi trường bên ngoài. Những tháng cuối năm 2024 và bước sang năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tạp chí Con số và Sự kiện xin giới thiệu bài viết của Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương về chủ đề này

Những rủi ro, thách thức kinh tế Việt Nam phải đối mặt

Về phía cung

Một là, hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh dẫn đến giảm sản lượng cây trồng, vật nuôi. Chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp; giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. Sản phẩm thủy sản đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác lớn; rào cản kỹ thuật và cảnh báo thẻ vàng IUU.

Hai là, sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thế giới, nhất là các ngành chế biến, chế tạo. Kinh tế thế giới hồi phục chậm, doanh nghiệp có nguy cơ thiếu đơn hàng, kéo theo sự sụt giảm sản xuất ngành công nghiệp, nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng tới giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp. Cùng với đó, chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao, sản phẩm công nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu; rủi ro về các rào cản thương mại mới.

Ba là, hoạt động dịch vụ chịu áp lực khi nhu cầu trong nước chưa cao. Tăng trưởng một số ngành dịch vụ đạt thấp cho thấy tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ 9 tháng năm 2024 tăng 7,56%, thấp hơn mức tăng 11,56% và 8,44% của cùng kỳ các năm 2022 và 2023; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 41,82% và 13,58% của cùng kỳ hai năm trước đây.

Bốn là, các ngành, động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng của các lĩnh vực này. Cụ thể, từ cuối năm 2023 đến nay, Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp chíp; In-đô-nê-xi-a thông qua gói ngân sách 455 triệu USD trợ cấp mua xe điện; Ma-lai-xi-a ban hành Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới năm 2030 (NIMP) với quy mô khoảng 20 tỷ USD...

Năm là, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2024 đạt 8,3 tỷ đồng, thấp nhất cùng kỳ các năm 2020-2024; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt 9,5 tỷ đồng, chỉ cao hơn 9 tháng năm 2023 trong giai đoạn 2020-2024[1]. Ngoài ra, giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp[2]. Bên cạnh thách thức về chi phí đầu tư, kỹ năng cho nguồn nhân lực, các doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều rủi ro về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, những cam kết tuân thủ về tiêu chuẩn môi trường...


Đánh giá các rủi ro chính của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam

Về phía cầu

Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm so với cùng kỳ những năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 tăng 8,8%, chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (năm có dịch Covid-19) trong giai đoạn 2014-2024[3]. Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua  sắm có giá trị lớn. 

Thứ hai, xuất khẩu hàng hóa đối mặt với những rủi ro do bị tác động bởi nhu cầu tại các thị trường lớn (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU), tỷ giá, áp lực cạnh tranh gia tăng, rủi ro về các rào cản thương mại, áp thuế chống bán phá giá, điều tra phòng vệ thương mại (với thị trường điều tra ngày càng mở rộng và phạm vi sản phẩm ngày càng đa dạng hơn).   

Thứ ba, tích lũy tài sản của nền kinh tế tăng thấp, 9 tháng tăng 6,8%, cao hơn mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trước dịch Covid-19 (cùng kỳ năm 2018 và 2019 tăng lần lượt là 7,3% và 7,9%). Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 55,7% kế hoạch vốn năm 2024, chỉ tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm kể từ năm 2015 đến nay[4] (riêng năm 2021 giảm 5,7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án/công trình, nhưng việc thực hiện vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 chưa đạt kỳ vọng.

Thứ tư, hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn do giá cước vận tải tăng cao. Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi 9 tháng tăng 14,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt tăng 14,88%; chỉ số giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 3,07% do tác động của căng thẳng an ninh và địa chính trị ở khu vực Biển Đỏ, chi phí nhiên liệu và bảo hiểm hàng hóa vẫn ở mức cao. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 99,17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí khai thác bay tăng, một số hãng hàng không giảm quy mô khai thác và dừng khai thác các đường bay kém hiệu quả. Do ảnh hưởng của giá cước tăng cao nên vận chuyển hàng hóa theo ngành đường sắt 9 tháng chỉ tăng 5,9% và luân chuyển tăng 1,8%; vận chuyển hành khách theo đường hàng không giảm 5,9% và luân chuyển tăng 11,7%, thấp nhất trong các loại hình vận tải.

Rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, là kênh cung ứng vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của nền kinh tế. Năm 2024, ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu và những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Một số yếu tố rủi ro chính của hệ thống ngân hàng phải đối mặt hiện nay là:

Một là, rủi ro tín dụng

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra trong năm 2024 là khoảng 15%. Dưới áp lực tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là những tháng cuối năm, đồng thời việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp[5] khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thanh khoản do lãi suất tiền gửi không còn đủ hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, trong khi các kênh đầu tư khác, đặc biệt là biến động giá vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 6%-8%/12 tháng[6]. Những nguyên nhân này có thể tạo áp lực tín dụng rất lớn cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Hai là, rủi ro từ biến động tỷ giá và chính sách tiền tệ quốc tế

Tỷ giá USD/VND giảm trong thời gian qua đã giúp NHNN có thêm dư địa trong việc điều tiết lãi suất tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, sức ép tỷ giá vẫn hiện hữu do diễn biến quốc tế khó lường, giá vàng thế giới vẫn trong xu thế biến động phức tạp và nhu cầu ngoại tệ thường tăng vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi chậm, đặc biệt là các cuộc xung đột giữa Nga-U-crai-na, I-xra-ren - Iran làm tăng lo ngại về giá nguyên liệu dầu mỏ và đồng USD có sự biến động mạnh cũng là nguyên nhân gia tăng biến động tỷ giá và chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Ba là, rủi ro lạm phát

Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên, vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Thiên tai, dịch bệnh có khả năng tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương; quy luật lạm phát thường tăng vào các tháng cuối năm, dịp lễ tết; điều chỉnh giá điện, giáo dục, y tế… Mặc dù giá năng lượng toàn cầu được dự đoán sẽ ổn định nhưng bất kỳ cú sốc hoặc gián đoạn cung ứng do căng thẳng, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực hoặc gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong mùa đông dẫn đến tăng giá đột biến giá năng lượng toàn cầu, từ đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.

Bốn là, rủi ro công nghệ và an ninh mạng trong hệ thống ngân hàng

Dưới áp lực cạnh tranh thị trường gia tăng, các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh như vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán ngân hàng trực tuyến; tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật; sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng; sử dụng thiết bị giả trạm BTS; khách hàng cố tình trục lợi hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống… đang gia tăng. Những hoạt động tội phạm này diễn ra ngày càng tinh vi hơn nhằm khai thác những lỗ hổng bảo mật ngành ngân hàng.

Năm là, nợ công toàn cầu đang ở mức cao gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô ở các nước

Nợ công toàn cầu tiếp tục gia tăng nhanh, do các cuộc khủng hoảng liên tiếp và tăng trưởng không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu. Năm 2023[7], nợ công toàn cầu là 97 nghìn tỷ USD, tăng 5,6 nghìn tỷ USD so với năm 2022. Chi phí trả nợ tăng dẫn đến tình trạng thắt chặt tài chính và trong năm tới, vấn đề nợ công sẽ làm suy yếu các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời khiến các quốc gia không có nguồn lực chuẩn bị tốt ứng phó với đợt suy thoái kinh tế tiếp theo trong tương lai.

Đề xuất một số khuyến nghị

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải quyết liệt, chủ động hơn nữa để có các chính sách, giải pháp điều hành, kịp thời, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro kinh tế vĩ mô do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một số khuyến nghị đối với Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp như sau:

Đối với Bộ, ngành

Tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.

Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra; thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giải pháp đồng bộ để hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói tín dụng nhà ở xã hội và gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nhất là các khoản cho vay mới, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu. Hệ thống ngân hàng cần nâng cao năng lực quản lý rủi ro, tăng cường quản trị nội bộ và đầu tư vào công nghệ để đối phó với các thách thức sắp tới.

Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình kinh tế thế giới, trong nước để có giải pháp, tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trước mọi biến động kinh tế vĩ mô. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt, phù hợp; nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng ứng phó với rủi ro từ môi trường bên ngoài; nâng cao năng suất lao động, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và phát triển lâu dài. Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử. Đây là vấn đề cốt yếu, quan trọng hàng đầu để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Tăng cường tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các giải pháp để đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo các hiệp định thương mại tự do./.
TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

[1] Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Chín các năm 2020-2024 lần lượt là: 19,7 tỷ đồng; 16 tỷ đồng; 11,9 tỷ đồng; 9,2 tỷ đồng; 8,3 tỷ đồng. Tính chung chín tháng năm 2020-2024, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là: 14,4 tỷ đồng; 14 tỷ đồng; 11,3 tỷ đồng; 9,3 tỷ đồng; 9,5 tỷ đồng.
[2] So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng năm 2024 tăng 8,07%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,33%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 6,6%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 14,99%.
[3]  Tốc độ tăng lần lượt là: 12,6%; 10,6%; 10,1%; 11,3%; 11,4%; 12,2%; -3,3%; -9,2%; 22,5%; 10,1%; 8,8%.
[4] Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2015-2024 lần lượt là: 8,1%; 13,1%; 6,6%; 11,4%; 6,3%; 30,6%; -5,7%; 20,3%; 24,7%; 2%.
[5] Đến ngày 30/9/2024, lãi suất tiền gửi bình quân các giao dịch phát sinh mới của NHTM ở mức 3,75%/năm (báo cáo của NHNN gửi Tổ 1317).
[6] Nguồn: https://nhandan.vn/xu-huong-tang-lai-suat-huy-dong-post816001.html.
[7] UNCTAD (2024), “Một thế giới của sự nợ nần”, https://unctad.org/publication/world-of-debt, truy cập ngày 16/10/2024.
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top