Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số. Thông qua 215 mẫu khảo sát và các phân tích định lượng trên phần mềm SPSS26. Kết quả cho thấy 7 yếu tố có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh là Hỗ trợ khởi nghiệp; Nhận biết xu hướng công nghệ số; Kinh nghiệm về các nền tảng công nghệ số; Chuẩn chủ quan; Sự tự tin; Môi trường giáo dục về kiến thức công nghệ số; Nhận thức kiểm soát hành vi. Qua đó, một số hàm ý quản trị được gợi mở nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng khởi nghiệp thành công trong kỷ nguyên số.
Từ khoá: Ý định; Khởi nghiệp kinh doanh; Kỷ nguyên số.
Evaluating the Factors Influencing Entrepreneurial Intention in the Digital Era
Abstract: The study aims to evaluate the factors influencing entrepreneurial intention in the digital era. Using a survey of 215 respondents and quantitative analysis conducted with SPSS 26, the results reveal that seven factors positively impact entrepreneurial intention: entrepreneurial support, awareness of digital technology trends, experience with digital platforms, subjective norms, self-confidence, educational environment for digital knowledge, and perceived behavioral control. Based on these findings, several managerial implications are proposed to foster entrepreneurial spirit and enhance the likelihood of successful entrepreneurship in the digital era.
Keywords: Intention; Entrepreneurial intention; Digital era.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh kỷ nguyên số, khởi nghiệp kinh doanh không chỉ là la bàn chỉ hướng cho việc thúc đẩy nền kinh tế nước nhà và giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội mà còn đóng vai trò như một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn đối với sinh viên những người đang đứng trước ngưỡng cửa của sự nghiệp. Sự bùng nổ của công nghệ số, từ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thương mại điện tử đến nền tảng số, đã mở ra cơ hội tiếp cận khởi nghiệp dễ dàng hơn bao giờ hết. Với lợi thế về tư duy cởi mở, khả năng sáng tạo và nắm bắt công nghệ nhanh nhạy, sinh viên là đối tượng có tiềm năng lớn trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, sinh viên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hạn chế về vốn, năng lực quản trị kinh doanh và khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh nhiều biến động.
Mặt khác, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ý định khởi nghiệp, song vẫn chưa có nhiều công trình chuyên sâu về tác động của công nghệ số và các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên. Đặc biệt, thế hệ sinh viên ngày nay phần lớn thuộc Gen Z, là thế hệ có những đặc điểm rất khác biệt trong tư duy, hành vi và cách tiếp cận cơ hội kinh doanh. Chính vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trong kỷ nguyên số, qua đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường đại học cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Kỷ nguyên số là giai đoạn phát triển trong lịch sử nhân loại, nơi công nghệ số đóng vai trò trung tâm trong mọi lĩnh vực của đời sống, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, blockchain và các nền tảng số, tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong cách con người làm việc, giao tiếp và kinh doanh. Trong kỷ nguyên số, mô hình kinh doanh truyền thống dần nhường chỗ cho những mô hình dựa trên nền tảng số, nơi thông tin, dữ liệu và kết nối đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh dựa trên sản phẩm hay dịch vụ mà còn dựa vào năng lực khai thác công nghệ, tối ưu trải nghiệm khách hàng và tận dụng hệ sinh thái số để mở rộng quy mô.
Khởi nghiệp là một khái niệm đa chiều, được định nghĩa theo nhiều góc độ khác nhau tùy vào cách tiếp cận và mục đích nghiên cứu. Theo MacMillan (1993), khởi nghiệp là quá trình một cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thành lập doanh nghiệp mới hoặc kinh doanh độc lập với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng tài sản. Hisrich và Drovensek (2002) mở rộng quan điểm này khi cho rằng khởi nghiệp không chỉ là việc tạo ra một doanh nghiệp, mà còn là hành trình biến ý tưởng thành giá trị thực tiễn thông qua sự đầu tư về thời gian, công sức và khả năng chấp nhận rủi ro về tài chính, tinh thần và xã hội. Trong khi đó, Nga và Shamuganathan (2010) cho rằng khởi nghiệp là việc theo đuổi các cơ hội kinh tế trong bối cảnh không chắc chắn, nơi cá nhân tận dụng sáng kiến và nguồn lực hạn chế để xây dựng một hoạt động kinh doanh có tiềm năng. Theo Koe, Sa’ari, Majid và Ismail (2012) khởi nghiệp là quá trình thiết lập một doanh nghiệp hoặc công việc kinh doanh mới dựa trên ý tưởng sáng tạo, biết cách nhận diện và tận dụng cơ hội nhằm đạt được sự thỏa mãn cá nhân trong kinh doanh. Như vậy, khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là việc thành lập một doanh nghiệp, mà còn là sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo, khả năng quản trị rủi ro và sự chủ động tìm kiếm cơ hội trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Trong nghiên cứu này, khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số được hiểu là quá trình cá nhân hoặc nhóm cá nhân tạo lập và phát triển một hoạt động kinh doanh mới dựa trên ý tưởng sáng tạo, tận dụng công nghệ số, dữ liệu, nền tảng trực tuyến và các nguồn lực sẵn có nhằm tối ưu hóa mô hình kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế, đóng góp lợi ích cho xã hội và hướng đến sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.
Dựa trên lược khảo một số nghiên cứu trong và ngoài nước của Lĩnán và cộng sự (2011), Ambad và Damit (2016), Haris và cộng sự (2016), Nguyễn Ngọc Hạnh và Hồ Thị Thảo Nguyên (2022) nhằm kế thừa có chọn lọc các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên. Đồng thời để đảm bảo sự phù hợp với đối tượng nghiên cứu và và thực tiễn khởi nghiệp trong thời đại số, tác giả thực hiện thảo luận cùng các sinh viên tại các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý định khởi nghiệp kinh doanh kết hợp tham vấn ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế có sự am hiểu sâu sắc về khởi nghiệp của giới trẻ. Qua đó tác giả đề xuất các giả thuyết trong mô hình nghiên cứu gồm:
H1: Chuẩn chủ quan có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số.
H2: Hỗ trợ khởi nghiệp có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
H3: Nhận thức kiểm soát hành vi có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
H4: Nhận biết xu hướng công nghệ số có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
H5: Môi trường giáo dục về kiến thức công nghệ số có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
H6: Kinh nghiệm về các nền tảng công nghệ số có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
H7: Sự tự tin có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
Tổng hợp các giả thuyết trên, mô hình nghiên cứu được xác định như sau:
YD = β0 + β1*CQ + β2*HT + β3*NT + β4*XH + β5*GD + β6*KN+ β7*TT + e
Trong đó:
YD (yếu tố phụ thuộc): Ý định khởi nghiệp kinh doanh trong kỷ nguyên số
Các yếu tố độc lập bao gồm (Xi): Chuẩn chủ quan (CQ); Hỗ trợ khởi nghiệp (HT); Nhận thức kiểm soát hành vi (NT); Nhận biết xu hướng công nghệ số (XH); Môi trường giáo dục về kiến thức công nghệ số (GD); Kinh nghiệm về các nền tảng công nghệ số (KN); Sự tự tin (TT).
βk: Hệ số hồi quy (k = 0, 1, 2,...,7).
e: Sai số ngẫu nhiên.
Hình 1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu xây dựng phiếu phỏng vấn dựa trên thang đo chính thức được kế thừa từ các nghiên cứu trong và ngoài nước trong phần cơ sở lý thuyết kết hợp với quá trình thảo luận nhóm cùng một số sinh viên và chuyên gia để hiệu chỉnh thang đo. Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ (Mức 1 - Rất không đồng ý đến Mức 5 - Rất đồng ý), phiếu khảo sát được phát trực tiếp bằng phương pháp phi xác suất thuận tiện đến các sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội. Dữ liệu thu thập được phân tích bằng phần mềm SPSS 26 với cỡ mẫu được tính theo tỷ lệ tối thiểu trong phân tích nhân tố khám phá theo Hair và cộng sự (2010). Thời gian khảo sát từ tháng 09/2024 đến tháng 11/2024 với số phiếu hợp lệ thu về là 215 phiếu.
Kết quả nghiên cứu
Bảng 1: Kết quả phân tích hệ số Cronbach’s Alpha, hệ số nhân tố khám phá EFA
và hệ số tương quan Pearson

(Nguồn: Phân tích của tác giả)
Kết quả phân tích bảng 1 cho thấy các yếu tố độc lập đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,7 và hệ số tương quan biến tổng > 0,4 nên thang đo đạt được độ tin cậy và giá trị phân biệt. Đồng thời, khi phân tích EFA cho thấy các biến quan sát trong thang đo đều đạt chất lượng bởi hệ số tải nhân tố đều > 0,5 và không có biến quan sát nào bị loại khỏi thang đo. Hệ số KMO = 0,785 và tại giá trị Eigenvalue lớn hơn 1 có 7 yếu tố được trích với tổng phương sai trích đạt 79,214%, nghĩa là 7 yếu tố độc lập giải thích được 79,214% sự biến thiên của dữ liệu nghiên cứu. Ngoài ra, khi thực hiện phân tích tương quan Pearson cho thấy có mối tương quan rất tốt giữa các yếu tố độc lập và yếu tố phụ thuộc với hệ số tương quan đều > 0,4 và hệ số Sig < 0,05 bên cạnh đó, giữa các yếu tố độc lập không xuất hiện nghi ngờ về hiện tượng đa cộng tuyến (Hair và cộng sự, 2010). Đối với yếu tố phụ thuộc khi thực hiện các phân tích đều đáp ứng tốt các điều kiện đưa ra của Hair và cộng sự (2010).
Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến

(Nguồn: Phân tích của tác giả)
Kết quả phân tích hồi quy theo phương pháp Enter, các yếu tố độc lập được đưa vào cùng một lúc để kiểm định mô hình lý thuyết cho thấy giá trị R2 hiệu chỉnh đạt 0,814 nghĩa là các yếu tố độc lập giải thích được 81,4% yếu tố phụ thuộc. Giá trị Durbin–Watson đạt 1,829 nên chấp nhận giả thuyết không có sự tương quan chuỗi bậc nhất trong mô hình. Kết quả phân tích ANOVA và kiểm định F cũng cho thấy trị số thống kê có giá trị Sig đạt 0,000, do đó mô hình hồi quy tuyến tính là phù hợp với tệp dữ liệu và có thể sử dụng được. Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu cho kết quả các yếu tố đều có mức ý nghĩa Sig. bé hơn 0,05. Hệ số phóng đại phương sai VIF của các yếu tố độc lập đều nhỏ hơn 2, như vậy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các yếu tố độc lập. Bên cạnh đó kiểm tra giả định về phân phối chuẩn của phần dư cho thấy độ lệch chuẩn gần = 1 và Mean xấp xỉ = 0 nên giả thuyết phân phối chuẩn của phần dư khi xây dựng mô hình hồi quy không bị vi phạm. Biểu đồ phân tán thể hiện sự phân tán ngẫu nhiên của các giá trị phần dư trong một vùng đi qua đường tung độ 0 và các điểm quan sát không phân tán quá xa đường thẳng kỳ vọng, do đó giả định liên hệ tuyến tính không vi phạm.
Do đó các giả thuyết nghiên cứu đưa ra đều được chấp nhận 7 yếu tố độc lập đều có tác động chiều dương đến yếu tố phụ thuộc theo thứ tự giảm dần là Hỗ trợ khởi nghiệp; Nhận biết xu hướng công nghệ số; Kinh nghiệm về các nền tảng công nghệ số; Chuẩn chủ quan; Sự tự tin; Môi trường giáo dục về kiến thức công nghệ số; Nhận thức kiểm soát hành vi với phương trình hồi quy theo hệ số Beta chuẩn hóa như sau:
YD = 0,378*HT + 0,361*XH + 0,349*KN + 0,305*CQ + 0,283*TT + 0,254*GD + 0,237*NT + e
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương đồng với kết quả các nghiên cứu của Lĩnán và cộng sự (2011), Ambad và Damit (2016), Haris và cộng sự (2016), Nguyễn Ngọc Hạnh và Hồ Thị Thảo Nguyên (2022). Tuy nhiên, nghiên cứu có sự khác biệt về mức độ tác động và thứ tự ảnh hưởng của 7 yếu tố độc lập, do hoàn cảnh và đối tượng nghiên cứu khác nhau. Hạn chế của nghiên cứu là sử dụng mô hình hồi quy đơn giản với cỡ mẫu khảo sát nhỏ, phương pháp khảo sát thuận tiện chỉ tập trung vào đối tượng nghiên cứu là sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết luận và hàm ý quản trị
Kỷ nguyên số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp trong bối cảnh này không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ về tài chính, đào tạo mà còn cần đến một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, môi trường giáo dục thực tiễn và các chính sách hỗ trợ phù hợp. Dựa trên kết quả nghiên cứu một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng khởi nghiệp thành công của sinh viên như:
Các trường đại học, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và chính phủ cần nâng cao công tác hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư cho sinh viên khởi nghiệp, các chương trình cố vấn, hỗ trợ tài chính, vườn ươm khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp. Tổ chức các quỹ tài trợ, cuộc thi khởi nghiệp hoặc chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho sinh viên có ý tưởng kinh doanh khả thi.
Tăng cường đào tạo về công nghệ số trong môi trường đại học, không chỉ giới hạn ở ngành công nghệ thông tin mà còn mở rộng sang các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh. Đưa các khóa học về thương mại điện tử, tiếp thị số, AI, dữ liệu lớn vào chương trình giảng dạy để sinh viên hiểu và ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh. Thúc đẩy các chương trình giảng dạy thực tế, khuyến khích sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp thực tiễn, kết nối với doanh nghiệp hoặc làm việc trong các startup để có cơ hội học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Các trường cũng nên tổ chức nhiều hội thảo, talkshow với doanh nhân thành công, giúp sinh viên có góc nhìn thực tiễn hơn về quá trình khởi nghiệp.
Ngoài ra, cần có các chương trình huấn luyện về tư duy khởi nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý rủi ro và kỹ năng giải quyết vấn đề. Các trường đại học và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có thể triển khai các chương trình huấn luyện tinh thần khởi nghiệp thông qua các workshop thực chiến, mentoring cùng doanh nhân hoặc mô hình trải nghiệm thực tế. Xây dựng một cộng đồng văn hoá khởi nghiệp tích cực, nơi sinh viên có thể chia sẻ ý tưởng, kết nối với những người cùng chí hướng sẽ giúp gia tăng động lực khởi nghiệp./.
TS. Nguyễn Danh Nam
Trường Đại học Thành Đông
Tài liệu tham khảo
1. Ambad, S. N. A., & Damit, D. H. D. A. (2016). Determinants of entrepreneurial intention among undergraduate students in Malaysia. Procedia Economics and Finance, 37(2016), 108-114.
2. Haris, N. A., Abdullah, M., Othman, A. T., & Rahman, F. A. (2016). Exploring the entrepreneurial intention among information technology students. Information Technology Journal, 22, 116-122.
3. Hisrich, R. D., & Drovensek, M. (2002). Entrepreneurship and small business research: A European perspective. Journal of Small Business and Enterprise Development, 9(2), 171-222.
4. Koe, W. L., Sa’ari, J. R., Majid, I. A., & Ismail, K. (2012). Determinants of entrepreneurial intention among millennial generation. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 40(2012), 197-208.
5. Liñán, F., Rodríguez-Cohard, J. C., & Rueda-Cantuche, J. M. (2011). Factors affecting entrepreneurial intention levels: A role for education. International Entrepreneurship and Management Journal, 7(2), 195-218.
6. MacMillan, I. C. (1993). The emerging forum for entrepreneurship scholars. Journal of Business Venturing, 8(5), 377-381.
7. Nga, J. K. H., & Shamuganathan, G. (2010). The influence of personality traits and demographic factors on social entrepreneurship start-up intentions. Journal of Business Ethics, 95(2), 259-282.
8. Nguyễn Ngọc Hạnh, & Hồ Thị Thảo Nguyên. (2022). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh trong thời đại số. Kỷ yếu hội thảo quốc gia năm 2022 Kế toán, Kiểm toán và Tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới, NXB Tài chính, 1152-1167.