Đánh giá khả năng an toàn tài chính theo khía cạnh dòng tiền của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

15/10/2024 - 08:11 AM

Tóm tắt: Xét cả ở tầm vi mô và vĩ mô thì thông tin về dòng tiền thuần (lưu chuyển tiền thuần) hữu ích cho các chủ thể quản lý hơn rất nhiều so với thông tin về dòng vốn hay dòng thu nhập, kể cả dòng lợi nhuận, bởi lẽ dòng tiền thuần là có thật còn các dòng vốn, doanh thu... lợi nhuận đôi khi chỉ tồn tại trên danh nghĩa do sự nhào nặn hay nghệ thuật quản lý, ngay cả giá trị ghi sổ được phản ánh theo các nghiệp vụ kế toán. Nghiên cứu nhằm phân tích khái quát dòng tiền thuần từ đó đánh giá khả năng an toàn tài chính của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019-2023.


Từ khóa: logistics, doanh nghiệp logistics niêm yết, dòng tiền thuần, lưu chuyển tiền thuần.
 
1. Cơ sở lý thuyết
 
Lưu chuyển tiền thuần: Là dòng tiền chênh lệch giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra của doanh nghiệp phát sinh trong một kỳ hoạt động. Trong đó:

Dòng tiền ra: Là dòng tiền phát sinh đi ra khỏi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ví dụ: Các khoản chi tiêu tiền của doanh nghiệp để đầu tư mua sắm tài sản, để thanh toán các khoản tiền mua nguyên vật liệu, trả lương, nộp thuế, nộp bảo hiểm mua dịch vụ bên ngoài cung cấp, trả nợ vay,…

Dòng tiền vào: Là dòng tiền phát sinh đi vào doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ví dụ: Các khoan tiền thu được từ bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đi vay vốn, phát hành cổ phiếu, thanh lý tài sản, rút vốn đầu tư...

Lưu chuyển tiền thuần của doanh nghiệp gồm:

Lưu chuyển tiền thuần (LCTT) từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) là sự chênh lệch giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra từ hoạt động kinh doanh, công thức như sau:


LCTT từ HĐKD = Dòng tiền vào từ HĐKD - Dòng tiền ra từ HĐKD


Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư (HĐĐT) là sự chênh lệch giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra từ hoạt động đầu tư, công thức như sau:


LCTT từ HĐĐT = Dòng tiền vào từ HĐĐT - Dòng tiền ra từ HĐĐT


Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (HĐTC) là sự chênh lệch giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra từ hoạt động tài chính, công thức như sau:

LCTT từ HĐTC = Dòng tiền vào từ HĐTC - Dòng tiền ra từ HĐTC


Như vậy:

LCTT của doanh nghiệp = LCTT từ HĐKD + LCTT từ HĐĐT + LCTT từ HĐTC

Mỗi doanh nghiệp khi xem xét LCTT trong kỳ có thể xảy ra một trong các trường hợp sau [4]:

Bảng 1: Tổng hợp đánh giá dòng tiền
 
Các trường hợp 1 2 3 4 5 6 7 8
1. LCTT từ HĐKD + + + + - - - -
2. LCTT từ HĐĐT + + - - + + - -
3. LCTT từ HĐTC + - + - + - + -
LCTT trong kỳ + ? ? ? ? ? ? -

 

Nguồn: Ngô Thế Chi, 2015. Chú giải:
 
Dấu (+) là dòng tiền dương (thu > chi). Dấu (-) là dòng tiến âm (thu < chi).
 
Dấu (?) là có thể xảy ra 1 trong 3 trường hợp ≥ 0 hoặc < 0.
 
Ở mỗi trường hợp cụ thể của bảng trên, việc xét đoán trị số của chỉ tiêu này là khác nhau, nhưng có thể đưa ra những đánh giá ban đầu như sau:
 
Thứ nhất: Về tổng thể, lưu chuyển tiền thuẩn của doanh nghiệp nếu dương không thể khiến đơn vị gặp nguy hiểm ngay, còn nếu âm là dấu hiệu không bình thường đã xuất hiện.
 
Thứ hai: Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD dương sẽ kiến tạo bình yên cho doanh nghiệp, nếu dòng tiền này âm là đang có sự bất ổn trong kinh doanh, là dấu hiệu cảnh báo tình hình an toàn tài chính.
Mối quan hệ giữa LCTT từ các hoạt động
Hoạt động kinh doanh phải là hoạt động tạo ra tiền để thông qua đó doanh nghiệp có thể bù đắp những chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí đầu tư tài sản cố định và có được lợi nhuận. Tiền tạo được từ hoạt động kinh doanh được dùng để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản vay, chi trả cổ tức và mở rộng đầu tư, hay nói cách khác LCTT từ HĐKD sẽ cung cấp tiền chi cho các dòng lưu chuyển tiền của hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Ngược lại, nếu lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh thiếu (âm), doanh nghiệp có thể huy động dòng tiền vào từ hoạt động tài chính như đi vay, huy động thêm vốn góp của chủ sở hữu hoặc không chia lợi nhuận cho chủ sở hữu, để tài trợ cho tiền thiếu từ hoạt động kinh doanh. Trong một số trường hợp việc thu hẹp đầu tư bằng cách bán bớt các tài sản dài hạn cũng tạo ra một dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư để đáp ứng nhu cầu chi trả các khoản nợ đến hạn hoặc bù đắp phần tiền thiếu từ hoạt động kinh doanh (khi LCTT từ HĐKD âm).
LCTT từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế

Giữa LCTT từ HĐKD và lợi nhuận sau thuế có sự khác biệt. Thước đo khả năng thanh toán của doanh nghiệp không thể là lợi nhuận sau thuế mà phải là LCTT từ HĐKD. Một doanh nghiệp có thể có lợi nhuận cao nhưng vẫn gặp khó khăn về khả năng thanh toán khi lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD âm, có nghĩa là tiền thu vào từ HĐKD không đủ chi cho hoạt động kinh doanh, điều này thường do nguyên nhân của sự gia tăng quá lớn nhu cầu vốn lưu động. Ngược lại, một doanh nghiệp có thể bị lỗ nhưng lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD lớn vẫn có khả năng thanh toán tốt, doanh nghiệp vẫn có khả năng trả được các khoản nợ vay, đảm bảo an toàn tài chính hoặc có khả năng mở rộng đầu tư.
2. Thực trạng dòng tiền của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu gồm 39 doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023, trong đó có 17 doanh nghiệp niêm yết tại sàn HNX và 22 doanh nghiệp niêm yết tại sàn HOSE.

2.1. Đánh giá dòng tiền từ các hoạt động

Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX 
 
Bảng 2.1. Đánh giá dòng tiền của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX
Đánh giá khả năng an toàn tài chính theo khía cạnh dòng tiền của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2
(Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết)
 
Năm 2019 là năm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi những tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng này đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics là chưa lớn. Điều này được biểu hiện cụ thể là LCTT từ HĐKD của phần lớn các doanh nghiệp vẫn ở trạng thái dương (chiếm 82,4%), trong đó có một số doanh nghiệp logistics có LCTT từ HĐĐT âm, HĐTC âm và tổng LCTT dương, nghĩa là các doanh nghiệp này đang mở rộng hoạt động đầu tư vào cả bên trong và ra bên ngoài doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo khả năng thanh toán như: DS3, NAP, PRC.
 
Năm 2021 nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những tác động của đại dịch Covid - 19, tuy nhiên dòng tiền của các doanh nghiệp logistics vẫn tương đối ổn định. Biểu hiện cụ thể là có tới 76,5% doanh nghiệp có LCTT từ HĐKD dương, trong đó một số doanh nghiệp có khả năng thanh toán được đảm bảo như: CDN, PTS, VSM.
 
Giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid 19. So với các năm 2019 và 2021 thì năm 2023 dòng tiền của các doanh nghiệp logistics có xu hướng âm nhiều hơn ở cả 3 hoạt động HĐKD, HĐĐT và HĐTC, điều này cho thấy ở giai đoạn này các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư. Một số doanh nghiệp có trạng thái dòng tiền tốt như: CDN, HMH, PJC, VSM. Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp khác cần lưu ý về tình hình tài chính, khả năng thanh toán bởi trạng thái tổng LCTT âm như PRC, TJC, VNF, VSA.
 
Nhìn chung, trong giai đoạn 2019-2023, phần lớn các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX có sự kiểm soát quá trình vận động của dòng tiền hiệu quả, không có doanh nghiệp nào có LCTT từ HĐKD bị âm liên trong nhiều năm.

Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE 

Bảng 2.2: Đánh giá dòng tiền của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE

 

TT
 

Mã CK
Năm 2023 Năm 2021 Năm 2019
LCTT từ HĐKD LCTT từ HĐĐT LCTT từ HĐTC Tổng LCTT LCTT từ HĐKD LCTT từ HĐĐT LCTT từ HĐTC Tổng LCTT LCTT từ HĐKD LCTT từ HĐĐT LCTT từ HĐTC Tổng LCTT
1 CLL + + - + + + - + + - - -
2 DVP + - - - + - - + + - - -
3 GMD - + - + + - - + + - - +
4 GSP + + - + + - + + + - + +
5 HAH + - + - + - + + + - + -
6 HTV - + - - + - - - + - - -
7 MHC + + - - - - + + + - - +
8 NCT + - - + + - - + + - - +
9 PDN + - - - + - - + + - - +
10 PJT + + - + + - + - + - + -
11 PVT + - + - + - + - + - + -
12 SCS + + - + + - - + + - - +
13 SFI + + - + + + - + + - - +
14 SGN + - - + + + - + + - - -
15 STG + + - + + - - + + + - +
16 TCL + - - - - + - - + - - +
17 TMS - - + - + - + + + - - -
18 VIP + - - - + - - - + - - -
19 VJC - - + + - - + - - - + -
20 VOS + - - + + + - + + + - -
21 VSC + - + + + - + + + - - +
22 VTO + + - + + + - + + - - +
 Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết
 
Năm 2019, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi những tác động của đại dịch Covid-19 nhưng có đến 95,5% doanh nghiệp logistics niêm yết có LCTT từ HĐKD dương và các doanh nghiệp này hầu hết vẫn có hoạt động đầu tư nâng cao năng lực hoạt động (90,9% doanh nghiệp có LCTT từ HĐĐT âm) và đầu tư tài chính ra bên ngoài (77,3% doanh nghiệp có LCTT từ HĐTC âm). Duy nhất có VJC có sử dụng nguồn tài trợ bên ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư.
 
Năm 2021 có 86,4% doanh nghiệp logistics có LCTT từ HĐKD dương, tuy nhiên các doanh nghiệp này cũng phải chịu sự ảnh hưởng bởi diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19. Biểu hiện có 27,3% doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất (LCTT từ HĐĐT dương) và 36,4% sử dụng nguồn tài trợ từ bên ngoài (LCTT từ HĐTC dương) để ổn định hoạt động kinh doanh. Trong đó, VJC vẫn sử dụng nguồn tài trợ bên ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư nhưng nguồn này vẫn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng tiền của doanh nghiệp.
 
Năm 2023 có 81,8% doanh nghiệp logistics có LCTT từ HĐKD dương (giảm 4,6% so với năm 2021), 45,5% doanh nghiệp logistics có LCTT từ HĐĐT dương (tăng 8,2% so với năm 2021) và 22,7% doanh nghiệp logistics có LCTT từ HĐTC dương (giảm 4,6% so với năm 2021). Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp logistics đang có xu hướng thu hẹp đầu tư để bù đắp phần tiền thiếu hụt từ HĐKD hoặc đó là biểu hiện của quá trình cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. Năm 2023, VJC vẫn sử dụng nguồn tài trợ bên ngoài để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư, khác với năm 2021 nguồn tài trợ này hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng tiền của doanh nghiệp.
 
Nhìn chung, trong giai đoạn 2019-2023, sự luân chuyển dòng tiền từ các hoạt động của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE là tương đối hiệu quả, đã góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho các doanh nghiệp này.
2.3. Đánh giá biến động lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh
 
Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX
 
Qua biểu đồ 2.1 cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, có 11/17 doanh nghiệp logistics niêm yết (chiếm 74,7%) có LCTT từ HĐKD tương đối ổn định qua các năm, đặc biệt CDN có LCTT từ HĐKD dương được duy trì ở quy mô lớn. Trong số còn lại 6/17 doanh nghiệp logistics có sự biến động lớn LCTT từ HĐKD thì có 3 doanh nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc LCTT từ HĐKD ở năm 2023, khi nền kinh tế được phục hồi sau suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, cụ thể DXP tăng 1.521,7%, PCT tăng 1.677,4%, VGP tăng 220,3%. Kết quả này phản ánh tình hình tài chính của các doanh nghiệp này là an toàn, khả năng thanh toán các khoản nợ từ nội lực của doanh nghiệp được đảm bảo.

Biểu đồ 2.1. LCTT từ HĐKD của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX

 
Đánh giá khả năng an toàn tài chính theo khía cạnh dòng tiền của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

 
Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết
 
Xét trên tổng thể ngành, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HNX là tương đối lành mạnh, phần lớn các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì được trạng thái LCTT dương ngay cả khi nền kinh tế bị khủng hoảng bởi những tác động của đại dịch Covid-19.
 
Đối với các doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE
 
Qua biểu đồ 2.2 cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, hầu hết các doanh nghiệp logistics niêm yết đều có sự tăng trưởng LCTT từ HĐKD qua các năm, trong đó điển hình 6/22 doanh nghiệp duy trì LCTT từ HĐKD dương với quy mô lớn đạt mức trên 300 tỷ đồng, bao gồm: GMD, HAH, PVT, SCS, VOS, VSC. Duy nhất có VJC có LCTT từ HĐKD duy trì ở trạng thái âm liên tục từ năm 2019 đến năm 2023, kết quả này làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Biểu đồ 2.2. LCTT từ HĐKD của doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn HOSE

Đánh giá khả năng an toàn tài chính theo khía cạnh dòng tiền của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam 1
 
Nguồn: Tổng hợp BCTC các công ty niêm yết
 
 3. Kết luận
 
Qua phân tích lưu chuyển tiền thuần của các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2019-2023 cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp đều có tổng lưu chuyển tiền thuần ở trạng thái an toàn tài chính, có thể đảm bảo khả năng thanh toán toàn bộ hoặc một phần các khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngay cả khi nền kinh tế trong nước khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả này là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh hay tăng lợi nhuận trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Các doanh nghiệp logistics niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2019 - 2023), Báo cáo tài chính. [2]. Bùi Văn Vần (2015), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính.
 
[3]. Ngô Kim Phượng, Lê Hoàng Vinh (2021), Phân tích Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính. [4]. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ (2015), Phân tích Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính.

ThS. Trần Thu Hằng

Đại học Công nghệ Đông Á
 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top