Danh nhân Việt Nam tuổi Hợi: Học giả Bùi Kỷ - Một đời tâm huyết với quốc văn

17/05/2019 - 04:06 PM
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay”.

 Lời văn mạnh mẽ, hào hùng trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của thiên tài chính trị Nguyễn Trãi đã được thể hiện nguyên bản nội dung với văn dịch thanh thoát, cổ kính, có thần của nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả đa tài - Bùi Kỷ (1987-1960). Tên ông không phải nhắc đến ai cũng biết, nhưng nếu đã trải qua những năm tháng cắp sách đến trường thì sẽ thấy gần gũi, quen thuộc qua các tác phẩm khảo cứu, nghiên cứu và dịch thuật của ông được đưa vào chương trình giáo dục.

Nhà văn hóa Bùi Kỷ (tên chữ là Ưu Thiên) sinh năm Đinh Hợi 1887, tại Hà Nam, ông là con của Tiến sĩ Nho học Bùi Thức, gia đình ông thuộc dòng dõi khoa bảng có nhiều vị đại khoa tên tuổi như Bùi Văn Dị, Bùi Văn Quế… Con đường khoa cử của ông rất rộng mở, năm 1908 ông đỗ Cử nhân, rồi đậu Phó bảng vào năm sau, năm 1912, ông được cử đi học trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Pháp và đỗ bằng Thành Chung. Nhưng lấy cớ làm tròn chữ hiếu, ông từ chối ra làm quan và từ chối cả lời mời bổ dụng của Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1917, ông ra Hà Nội kí hợp đồng dạy học từng năm ở các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng pháp chính chứ không vào biên chế của “Nhà nước bảo hộ”. Từ năm 1932, ông được mời trực tiếp giảng dạy cho Trường tư thục Thăng Long, đây là ngôi trường do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Nguyên Giáp… lập ra.

Ngoài việc dạy học, sự nghiệp chính của ông là một nhà biên khảo có tâm, có tầm với những tác phẩm có giá trị cao đối với nền giáo dục Việt Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm của ông phần lớn để phục vụ cho chương trình giảng dạy trong nhà trường như Việt Nam văn phạm bậc trung học (soạn chung với Trần Trọng Kim và Nguyễn Quang Oánh năm 1945), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bảng (soạn chung với Trần Văn Giáp năm 1942). Đặc biệt phải kể đến hai công trình quan trọng nhất của ông là Quốc văn cụ thể và Truyện Thúy Kiều. Hai tác phẩm này cho đến nay vẫn được xem là những tài liệu tham khảo đáng tin cậy, là dấu mốc không thể bỏ qua trong tiến trình chung của ngành khảo cứu văn hóa dân tộc. Cuốn Quốc văn cụ thể xuất bản năm 1942 được trình bày gọn gàng, đầy đủ, sáng sủa, gồm 4 thiên; giới thiệu về niêm, luật, đối… và cách thức làm một bài thơ luật. Thứ hai là công trình hiệu khảo Truyện Thúy Kiều do ông thực hiện cùng học giả Trần Trọng Kim được cho in lần đầu năm 1925. Tới nay, tác phẩm chiếm vị trí nhất định trong nghiên cứu Truyện Kiều và nó đã được phổ biến sâu rộng trong nhân dân cũng như trong trường học suốt nhiều thập kỉ.

Về dịch thuật, ngoài áng hùng văn thiên cổ Bình Ngô đại cáo của nhà văn hóa, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi, dịch giả Bùi Kỷ còn có nhiều đóng góp đáng kể như: Bài ký Lầu Nhạc Dương của Phạm Trọng Yêm, Trần tình văn của Cao Bá Nhạ, Thơ chữ Hán Nguyễn Du (dịch chung với Phan và Nguyễn Khắc Hanh)… Ông còn dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán để giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc như thơ Bà Huyện Thanh Quan, Truyện Kiều…

Là một nhân sĩ tri thức yêu nước được Hồ Chủ tịch tin mến, trong kháng chiến, học giả Bùi Kỷ từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, Ủy viên Hội Liên hiệp Liên khu. Khi hòa bình lập lại, ông tham gia Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và làm Hội trưởng Hội Việt-Trung hữu nghị. Những năm tháng này, mọi người lại được thấy một tài năng nữa của ông, đó là làm thơ. Trước khi mất 2 ngày,tuổi 73, vào đúng sinh nhật thứ 70 của Bác Hồ 19-5-1960, khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn làm 4 câu thơ thật ý nghĩa chúc thọ Hồ Chủ tịch.

Có thể nói, nhà khảo cứu Bùi Kỷ đã đặt cả tâm huyết của đời mình truyền dạy Việt văn, tìm tòi cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ dân tộc, bảo tồn giá trị quốc văn để giới thiệu rộng rãi cho các thế hệ người Việt, tài năng và tấm lòng của ông như một viên ngọc sáng của đất nước./.

 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top