Tóm tắt: Để chuyển đổi thành công từ nhóm các nước có thu nhập trung bình lên nhóm các nước có thu nhập cao, đòi hỏi tổng hợp của các yếu tố, trong đó bồi dưỡng nhân tài có trình độ chuyên môn là vấn đề được các nước ưu tiên. Hiện Việt Nam đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học đổi mới để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Từ khóa: Thu nhập trung bình, nhân lực, chất lượng cao, công nghệ
Abstract: To successfully transition from the group of middle-income countries to the group of high- income countries, it requires a combination of factors, among which nurturing talented individuals with specialized expertise is a priority for these countries. Currently, Vietnam is focusing on developing human resources and fostering scientific innovation to overcome the middle-income trap, striving to become a developed, high-income country by 2045.
Keywords: Average income, high-quality workforce, technology
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), các nước trên thế giới được phân chia thành 4 nhóm theo phân loại thu nhập gồm: (1) Nhóm nước có thu nhập thấp; (2) Nhóm nước có thu nhập trung bình thấp; (3) Nhóm nước có thu nhập trung bình cao; (4) Nhóm nước có thu nhập cao.
Theo phân loại thu nhập năm 2023, World Bank công nhận 26 nền kinh tế là thu nhập thấp (có thu nhập quốc dân - GNI bình quân đầu người năm 2022 từ 1.135 đô la Mỹ trở xuống); 108 quốc gia có thu nhập trung bình, gồm: 54 nền kinh tế là thu nhập trung bình thấp (GNI bình quân đầu người từ 1.136 đô la Mỹ đến 4.465 đô la Mỹ); 54 nền kinh tế là thu nhập trung bình cao (GNI bình quân đầu người từ 4.466 đô la Mỹ đến 13.845 đô la Mỹ) và 83 nền kinh tế là thu nhập cao (GNI bình quân đầu người từ 13.846 đô la Mỹ trở lên). 108 quốc gia có thu nhập trung bình đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng toàn cầu về lâu dài và vấn đề tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế thu nhập trung bình đang là mối quan tâm của các nhà xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia.
Nhu cầu về lao động có tay nghề cao tăng ở các nước có thu nhập trung bình
Các nhà phân tích cho rằng, các nước có thu nhập trung bình cần trải qua 2 quá trình chuyển đổi liên tiếp mới có thể đạt được vị thế thu nhập cao. Cụ thể, khi chuyển sang trạng thái thu nhập trung bình, các nước cần trải qua quá trình chuyển đổi đầu tiên là từ việc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn cho cơ sở vật chất và con người (những yếu tố trụ cột mang lại tăng trưởng thành công ở mức phát triển thu nhập thấp) của chiến lược 1i sang chiến lược 2i là kết hợp đầu tư với chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất trong nước từ sự học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới (quá trình chuyển giao và ứng dụng công nghệ). Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cần bổ sung chính sách chuyển đổi, áp dụng các công nghệ hiện đại và học hỏi kinh nghiệm thế giới về phương thức kinh doanh vào các chiến lược đầu tư cho nền kinh tế của mình.
Để chuyển đổi thành công từ nhóm các nước có thu nhập trung bình lên nhóm các nước có thu nhập cao, tức là thành công trong kết hợp đầu tư với chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất trong nước, đòi hỏi tổng hợp của các yếu tố, trong đó bồi dưỡng nhân tài có trình độ chuyên môn là vấn đề được các nước ưu tiên. Bởi khi nền kinh tế phát triển, quy trình sản xuất trong nền kinh tế trở nên phức tạp hơn; sự phân công lao động cũng ngày càng tăng và nhu cầu về nhân tài mới xuất hiện.
Theo tổng kết của Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới chỉ có 43 nước vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thu nhập cao. Nếu không tính các nước châu Âu hay quốc gia và vùng lãnh thổ có tài nguyên dầu mỏ, tại châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thực hiện được.
Nhìn vào quá trình chuyển đổi của các quốc gia có thể thấy, nền kinh tế phát triển dựa trên trụ cột là ngành nông nghiệp cần ít lao động có kỹ năng, trong khi các quốc gia có thu nhập cao cần nhiều lao động có trình độ, kỹ năng hơn cho các hoạt động sản xuất. Điều này thể hiện ở việc lượng lao động có tay nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong lực lượng lao động ở các quốc gia có thu nhập thấp, nhưng tỷ lệ này tăng đều đặn khi các quốc gia chuyển từ thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao rồi đến thu nhập cao (hình 1).
Hình 1. Nhu cầu về lao động có tay nghề cao tăng ở các nước có thu nhập trung bình

Nhìn chung, các quốc gia có thu nhập trung bình phát triển - đặc biệt là khi họ tiếp cận vị thế thu nhập cao và phải đổi mới thay vì chỉ áp dụng công nghệ - họ cần nhân tài ngày càng có trình độ cao hơn. Sự chuyển đổi này trong nền kinh tế khiến việc phát triển và phân bổ nhân tài trở nên đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập trung bình. Lúc này, người lao động có tay nghề là chìa khóa cho sự chuyển đổi kinh tế, cơ cấu và công nghệ, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi lên nhóm các nước có thu nhập cao.
Thực tế, ở các quốc gia có thu nhập thấp với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người dưới 3.000 đô la Mỹ, hầu hết người lao động đều không có kỹ năng và làm việc tại các công ty nhỏ có ít hơn 10 nhân viên (hình 2). Khi các quốc gia có GDP bình quân đầu người tăng, tỷ lệ lao động làm việc trong các công ty nhỏ có xu hướng giảm và tỷ lệ lao động làm việc trong các công ty vừa và lớn tăng dần. Tại các công ty áp dụng các công nghệ mới đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế có nhu cầu khá cao về kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia có tay nghề cao, để áp dụng và sử dụng công nghệ cũng như các nhà quản lý để điều hành các công ty hiện đại.
Như vậy, khi nền kinh tế chuyển sang trạng thái thu nhập cao hơn, nhu cầu về lao động có tay nghề như kỹ thuật viên, chuyên gia và quản lý tăng đáng kể, giúp không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn đóng góp vào sự sáng tạo và tiến bộ kinh tế cho toàn bộ nền kinh tế.
Hình 2. Tỷ lệ lao động có tay nghề trong các công ty lớn tăng theo GDP bình quân đầu người

Ngày nay, với sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã kéo theo sự chuyển dịch lao đồng từ lao động thủ công sang lao động có trình độ chuyên môn. Và hiện những người tốt nghiệp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đang đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra và truyền bá ý tưởng và công nghệ. Điều đáng mừng là theo thống kê, 3/4 số sinh viên tốt nghiệp ngành STEM hiện nay đều ở các nước có thu nhập trung bình, trong đó sinh viên tốt nghiệp ngành STEM tại Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng một nửa số sinh viên tốt nghiệp ngành STEM trên toàn cầu.
Việt Nam tập trung phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học đổi mới để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam năm 2023 đạt gần 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người, chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình cao. Nhưng theo cách tính mới từ 1/7/2024 trở đi, nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao bình quân trên đầu người từ 4.516 - 14.005 USD/đầu người, như vậy Việt Nam cần tiếp tục cố gắng để vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Bẫy thu nhập trung bình là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, gia nhập các nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ không thể vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Theo một số chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “mắc bẫy” thu nhập trung bình.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Lịch sử cho thấy, nước đạt thu nhập cao có tốc độ tăng trưởng hai con số kéo dài 20-30 năm. Như vậy, quỹ thời gian của chúng ta còn rất ít, chỉ còn 20 năm đến mốc năm 2045. Nếu đi những bước đi tuần tự như các nước thì Việt Nam khó có thể để đạt được mục tiêu. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, dựa vào văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam để trỗi dậy vươn lên.
Thực tế, hiện Việt Nam đang dành một sự quan tâm rất lớn cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Minh chứng cụ thể là Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Mới đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều này không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược, quyết tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chèo lái con thuyền Việt Nam đến đích.
Cùng với đó, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, Qualcomm, Intel, NVIDIA, AMD… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử. Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Đó là niềm tin để Việt Nam tự tin vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiến cùng và vượt lên các quốc gia khác trên thế giới./.
ThS. Hà Thị Kim Dung
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo phát triển thế giới 2024 - Các bẫy thu nhập trung bình, Ngân hàng Thế giới;
- Vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo, Báo Đầu tư online.