Dấu ấn ngành ngân hàng năm 2019 và triển vọng năm 2020

20/03/2020 - 03:25 PM

Năm 2019 được xem là một năm ghi nhiều dấu ấn quan trọng của ngành Ngân hàng Việt Nam, khi kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng thương mại đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, lập mốc kỷ lục mới về lợi nhuận, dự trữ ngoại hối và kiều hối đạt mức cao, tăng trưởng tín dụng được kìm hãm, công nghệ số ngân hàng ngày càng phát triển. Ðây cũng chính là nền tảng để các tổ chức tín dụng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong năm 2020.

Những dấu ấn năm 2019
 
Năm 2019, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy đã có sự bứt phá lớn trong tăng trưởng lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục bảo vệ thành công “ngôi quán quân” khi lợi nhuận tiếp tục đạt được mức cao. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng năm 2019 giảm mạnh từ mức 0,97% hồi đầu năm xuống còn 0,77% cuối năm 2019. Cùng với Vietcombank, năm 2019 cũng là năm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó, tổng lợi nhuận kinh doanh năm 2019 của Agribank vượt 1.000 tỷ đồng so kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng 83% so với năm 2018 và vượt 26% kế hoạch năm; Tỷ lệ nợ xấu cuối năm; chỉ còn mức 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%).

Riêng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của BIDV tăng 13,7% so với năm 2018. Tổng nguồn vốn huy động tăng 12,2% so với năm 2018; trong đó, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành. BIDV tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Ngân hàng Quân đội (MBBank) cho biết, cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng, tăng trưởng 13% so với năm 2018. Tài sản sinh lời tăng 13% và chiếm tỷ trọng 96% tổng tài sản của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 ở mức rất cao, tăng khoảng 30% so với năm 2018 và vượt 5% kế hoạch được Đại hội cổ đông thông qua trong khi tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, dưới 1%.

Hệ thống các ngân hàng khác như: HDBank, Sacombank, TPBank, OCB, SeABank… hay NamABank, BacABank cũng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 với mức đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những dấu ấn tích cực trong kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, năm 2019 cũng đã cho thấy sự điều hành linh hoạt trong việc ban hành hàng loạt các chính sách điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng nhà nước nhằm đảm bảo các mục tiêu điều hành thị trường tiền tệ. Cụ thể như: Tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất điều hành lần đầu kể từ năm 2017. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm. Đến tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thay đổi đối với trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%/năm.

Bên cạnh việc thay đổi lãi suất, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2019/TT- NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng sẽ giảm dần từ mức 40% xuống 30% trong 3 năm. Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Với nhiều tác động nhằm điều chỉnh sâu rộng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, Thông tư 22 được xem là một trong những chính sách quan trọng nhất để các tổ chức tín dụng và thị trường từng bước thích nghi theo lộ trình từ năm 2020.

Đặc biệt, trong năm 2019, với sự bùng nổ của công nghệ đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp fintech tham gia vào lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán, cho vay trực tuyến... Nhiều ví điện tử xuất hiện như Smartnet, Moca, Paytech, Monpay, Momo, Zalopay... chiếm đến 80% thị phần thanh toán. Hệ thống các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh cải tiến, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nghiệp vụ và hoạt động tín dụng. Theo đó, việc đưa công nghệ số vào hệ thống ngân hàng được thể hiện thông qua việc chuyển đổi thẻ chip, kết hợp với phát triển các ứng dụng di động, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Ngân hàng Nhà nước hiện đang từng bước đẩy mạnh sử dụng tiền di động thông qua việc lấy ý kiến dự thảo về tiền di động, thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử.

Năm 2019 cũng là năm ghi dấu với việc ngân hàng thương mại của Việt Nam đầu tiên vượt qua những điều kiện khắt khe để được cấp phép hoạt động tại Mỹ: Tháng 11/2019, Vietcombank đã chính thức khai trương hoạt động n phòng đại diện tại Mỹ. Đây là văn phòng đại diện đầu tiên của một ngân hàng thương mại Việt Nam được chính thức hiện diện tại thị trường này. Sự kiện này cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực sự hội nhập và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế…


Dấu ấn ngành ngân hàng năm 2019 và triển vọng năm 2020

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Một dấu mốc khác không thể không nhắc đến trong ngành ngân hàng năm 2019 là những thương vụ mua bán - sáp nhập lớn của ngành ngân hàng Việt Nam. Thương vụ lớn nhất của ngành Ngân hàng Việt từ trước đến nay diễn ra khi KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước Việt Nam - Hàn Quốc tháng 11/2019.
Trước đó, đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 111,1 triệu cổ phiếu mới cho GIC Private Limited (GIC) - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho) - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang chào bán 6,5% cổ phần, tương ứng với gần 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Quân đội (MBbank) cũng đang có kế hoạch bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thu về khoảng 240 triệu USD. Trong đó, lượng cổ phần ngân hàng muốn chào bán gồm 141,5 triệu cổ phiếu mới và 47 triệu cổ phiếu quỹ…

Trước sự diễn ra của các thương vụ mua bán - sáp nhập lớn trong ngành ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng các thương vụ này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm và quản trị điều hành của các tổ chức tài chính nước ngoài…

 
Dự báo về triển vọng phát triển năm 2020
Có thể thấy, bức tranh với những gam màu sáng từ sự tăng trưởng bứt phá về lợi nhuận cùng những dấu ấn quan trọng của ngành Ngân hàng năm 2019 đang mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong năm 2020. Theo đó, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhờ hệ thống chính sách tiếp tục ổn định; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Dự báo về triển vọng ngành Ngân hàng năm 2020, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, đối với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục định hướng tập trung vào chất lượng thay vì tăng dư nợ cho vay. Do đó, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với giai đoạn 2016- 2017 và tương đương năm 2018-2019, không quá 14% cho năm 2020. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ cũng tiếp tục giữ ở mức thấp; thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định. Dự báo năm 2020, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất. Theo đó, việc giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng lớn và nhỏ do quy định giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) mới đây cũng đã đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm 2020. Theo BSC, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, trong khi đó Việt Nam hiện đang có mức tăng trưởng GDP khá cao và ổn định trong những năm vừa qua, môi trường kinh doanh được đánh giá ổn định… những yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho đà tăng trưởng của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều yếu tố tích cực khác cũng đang hỗ trợ tăng trưởng cho các ngân hàng như: Nhiều ngân hàng đã từng bước đạt chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng); Khả năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tốt hơn; Nhiều ngân hàng hoàn tất xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC),…

Ngoài ra, phân tích của giới chuyên gia cho rằng, những năm gần đây các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động, theo đó các ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ từ bán buôn sang bán lẻ, giảm phụ thuộc vào tín dụng, tăng thu ngoài lãi. Việc tăng thu từ bán lẻ và các hoạt động phi tín dụng sẽ giúp các ngân hàng đảm bảo mức tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời đối phó với những tác động xấu của nền kinh tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực năm 2020 được dự báo sẽ là năm có nhiều thử thách lớn đối với ngành Ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ra bởi chủng mới virut corona đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam, ngành Ngân hàng cũng đã chung tay chia sẻ những rủi ro và khó khăn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh này. Thông qua việc hạ lãi suất cho vay, tăng thời hạn thu hồi vốn, mở thêm các gói tín dụng phù hợp... ngành Ngân hàng đã khẳng định sự đồng hành với các doanh nghiệp và cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, chia sẻ khó khăn... Mặc dù, với những hỗ trợ đó ngành Ngân hàng sẽ có những tổn thất đáng kể, song thông qua việc cải cách cơ cấu thu nhập, cải tổ hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, cùng những kỳ vọng nền kinh tế vẫn tiếp tục sáng hơn và tăng trưởng khá trong năm 2020... Đó sẽ là nền tảng quan trọng để ngành Ngân hàng đối phó với các rủi ro của nền kinh tế, duy trì đà tăng trưởng./.

 
TS. Nguyễn Bích Ngọc
Học viện Ngân hàng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top