Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc

20/11/2023 - 12:53 PM
Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc là nội dung nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Tiểu Dự án 2 của Dự án 4 về “Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc”. Chiến lược đặt mục tiêu củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người dân tộc thiểu số.

Một số thông tin về Tiểu Dự án

Đối tượng được hưởng đầu tư cơ sở vật chất là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực dân tộc, bao gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Tân Trào.

Nội dung đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc gồm:

Đầu tư xây dựng các công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho giáo viên và học sinh (Nhà ký túc xá, Nhà hiệu bộ, Trạm y tế học sinh dân tộc nội trú, Nhà thí nghiệm thực hành, Nhà thư viện tổng hợp, Nhà đa chức năng, Giảng đường, Nhà công vụ cán bộ giáo viên nội trú, sân vận động, bể bơi, công trình thể thao, Phòng công vụ giáo viên, Nhà ăn, nhà bếp, Phòng quản lý học sinh nội trú, Công trình vệ sinh, Nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc; cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng);

Mua sắm trang thiết bị hỗ trợ hoạt động giảng dạy, học tập (Thiết bị, dụng cụ phục vụ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, các thiết bị thực hành, thí nghiệm; hệ thống máy tính, máy chiếu; thiết bị phục vụ giảng dạy tin học, ngoại ngữ, y, dược; dụng cụ giáo dục thể chất và các trang thiết bị khác phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập).

Việc tổ chức thực hiện được phân cấp như sau: Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với các trường dự bị đại học và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với các trường: Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên; Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với Trường Đại học Tân Trào.

Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2: 2.800 tỷ đồng (vốn đầu tư từ ngân sách trung ương).

Bước ngoặt với các trường chuyên biệt

Trong những năm qua, hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc đang thể hiện vai trò "bệ đỡ" quan trọng để học sinh DTTS, nhất là học sinh DTTS rất ít người có cơ hội bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học. Từ hoạt động giáo dục và đào tạo, hệ thống trường Dự bị đại học dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ người DTTS và miền núi, cũng như việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình dự bị đại học dân tộc nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập, cần có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách, phương pháp đào tạo để phù hợp với giai đoạn mới.

 
Cơ sở vật chất tại trường Dự bị Đại học Dân tộc trung ương còn nhiều thiếu thốn

Thực hiện theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các trường dự bị đại học dân tộc bao gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Việt Trì, Phú Thọ), Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa), Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang (Khánh Hòa), Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh; hệ dự bị đại học dân tộc là Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, chuyển cơ quan quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Điều này đã mở ra cơ hội cho các trường dự bị đại học tiếp cận nguồn đầu tư về cơ sở vật chất và những chính sách ưu tiên, đảm bảo cho việc duy trì sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nhà trường. Từ đó, thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực giáo dục dân tộc. 

Sau khi các trường chuyển về Ủy ban Dân tộc quản lý, Ủy ban đã rà soát lại mô hình đào tạo dự bị đại học dân tộc; và xác định, đây là mô hình đào tạo đặc thù, cần phải sửa đổi, bổ sung xây dựng chính sách phát triển hệ thống các trường Dự bị đại học dân tộc để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Theo đó, triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (1719), Ủy ban Dân tộc đã triển khai Tiểu dự án 2 (Dự án 4) về đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc nhằm củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người DTTS.

Hiện nay, Ban quản lý Dự án Đầu tư chuyên ngành xây dựng đã phối hợp với các vụ, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng sử dụng, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho giáo viên và học sinh; cũng như nhu cầu mua sắm trang thiết bị hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết, với việc Chương trình MTQG 1719 thiết kế các tiểu dự án riêng dành cho các trường dự bị đại học dân tộc về tạo điều kiện quan trọng về nguồn lực để các cơ sở giáo dục dự bị đại học được đầu tư, phát triển toàn diện về mọi mặt trong thời gian tới. Qua đó, phát huy thế mạnh của loại hình trường chuyên biệt đối với việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương là ngôi trường dự bị đầu tiên được thành lập trong cả nước để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong suốt những năm qua, Nhà trường luôn là địa chỉ tin cậy, là sự lựa chọn hàng đầu của con em đồng bào các DTTS khi có nguyện vọng bồi dưỡng hệ dự bị đại học. Năm học 2023-2024, Nhà trường tuyển được 1.100 học sinh để tiếp tục bồi dưỡng theo chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông, trước khi xét chuyển các em đi học tại các cơ sở giáo dục đại học. 

Theo báo cáo của Nhà trường, chất lượng bồi dưỡng hệ dự bị đại học của Trường ngày càng được nâng cao, trung bình hàng năm có gần 50% học sinh (không đi theo nguyện vọng ở trong trường) tiếp tục đăng ký tham dự kì thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển và đỗ vào các trường đại học tốp đầu thuộc các khối ngành: An ninh - Quân đội, sức khỏe, kinh tế, xã hội… 

Ông Hoàng Trọng Ngô, Quyền Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang cho biết, sau 1 năm thực hiện Quyết định số 1127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang đã có những chuyển biến tích cực. Năm học 2023 - 2024, công tác tuyển sinh có nhiều khởi sắc so với năm học trước. Cụ thể, tổng số hồ sơ đăng ký xét tuyển là 531 hồ sơ. Học sinh trúng tuyển (qua 02 đợt tuyển sinh) là 494 thí sinh...

Nhà trường phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục giai đoạn mới; tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy; tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt – học tốt…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, khẳng định, sau khi tiếp nhận các trường, Ủy ban Dân tộc sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền tỉnh, thành phố nơi các trường đứng chân đảm bảo tốt nhất về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để mở rộng cơ hội, quy mô giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cơ hội phát triển mới đang mở ra với các trường khi nhận được sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (CTMTQG) được tổ chức thực hiện từ năm 2021.

Lãnh đạo các trường dự bị đại học dân tộc đều tin tưởng, với sự đầu tư của Chương trình MTQG sẽ mở ra cơ hội để hệ thống các trường ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục dân tộc. Các trường phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; xứng đáng với kì vọng và niềm tin của Đảng, Nhà nước khi giao trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS cho đất nước./.

 
Thu Hường
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top