Đầu tư trực tiếp nước ngoài với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại vùng đồng bằng sông Hồng

02/12/2020 - 09:17 AM

 
 
 
Là một nước đang phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển và ổn định nền kinh tế Việt Nam. FDI là nguồn lực đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, định hướng phát triển các vùng kinh tế đã được Chính phủ nêu rõ: Thu hút FDI nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; từ đó tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

FDI đã có mặt tại khắp các tỉnh thành Việt Nam, so với nguồn vốn chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế có thế mạnh phát triển. Vùng đồng bằng sông Hồng nhiều năm qua luôn dẫn đầu về thu hút hút FDI, tính đến tháng 12/2018, đã thu hút được 8913 dự án với vốn đầu tư 98,8 tỷ $, tương ứng 32,75% số dự án và 30,1% của tổng vốn đầu tư của cả nước. Mặc dù là vùng kinh tế thu hút được nhiều vốn đầu tư, song FDI vào vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại một số hạn chế trong việc liên kết giữa các tỉnh, nguồn vốn đầu tư vẫn tập trung vào những thành phố lớn có thế mạnh thu hút FDI như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; cơ cấu ngành kinh tế trong vùng chuyển dịch chậm. Với thực tế đó, bài viết dưới đây tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về tác động của FDI đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, phân tích thực trạng FDI với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại đồng bằng sông Hồng, từ đó đưa ra những khuyến nghị trong thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế vùng thời gian tới.
 
Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Hồng
 
Đồng bằng sông Hồng là một trong hai khu vực kinh tế thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Trong những năm đầu thu hút FDI, vốn đầu tư vào cả nước và đồng bằng sông Hồng chưa nhiều, năm 1995, vốn đầu tư vào đồng bằng sông Hồng mới đạt 40 triệu USD. Song từ năm 2000 số vốn đầu tư vào đồng bằng sông Hồng bắt đầu tăng nhanh, cụ thể, năm 2000 vốn FDI vào đồng bằng sông Hồng là 75,487 triệu USD, năm 2010 là 2,7 tỷ USD, đạt mức 7,5 tỷ USD năm 2017, năm 2019, tổng vốn FDI vào đồng bằng sông Hồng là 6.84 tỷ USD (tuy có giảm song vẫn ở mức cao so với cả nước). Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng bằng sông Hồng so với cả nước có xu hướng tăng trong những năm gần đây, năm 1995 tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cả nước mới đạt 4,17%, năm 2000 là 13,4%, tỷ trọng này đạt 15,5% năm 2010, đến năm 2017 là 21.1% và tỷ trọng năm 2019 là 22.8%.
 
Tính đến năm 2019, khu vực đồng bằng sông Hồng có một số tỉnh thu hút được nhiều vốn đầu thư nhất là Hà Nội với 5934 dự án, vốn đầu tư 34,11 tỷ USD (xếp thứ 3 cả nước về vốn đầu tư); Bắc Ninh với 1.510 dự án với vốn đầu tư 18,85 tỷ USD; Hải Phòng (xếp thứ 6 cả nước về vốn đầu tư); Hải Phòng 799 dự án với vốn đầu tư 10,7 tỷ USD (xếp thứ 7 cả nước về vốn đầu tư) và Hải Dương 449 dự án với 8,17 tỷ USD (xếp thứ 11 cả nước về vốn đầu tư). Tính riêng năm 2019 Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư tại Hà Nội chủ yếu là theo phương thức góp vốn, mua cổ phần với 6,47 tỷ USD, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội. Tiếp sau Hà Nội là Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nam đều thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI năm 2019.
 
Trong giai đoạn 2015-2019, tại vùng đồng bằng sông Hồng đã thu hút được một số dự án lớn, điển hình như: Năm 2016, dự án LG Display Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng (dự án này tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD vào 2018) và dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng. Năm 2018, dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự án thu hút nhiều vốn FDI nhất năm 2019 là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
 
Thực trạng FDI với chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng
 
Trong giai đoạn 2000 – 2018, cùng với quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế của Việt Nam, khu vực đồngbằng sông Hồng đã có những thay đổi cơ bản về cơ cấu ngành kinh tế. Trong 11 tỉnh được nghiên cứu tại vùng đồng bằng sông Hồng, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế diễn ra tích cực tuy nhiên sự chuyển dịch cơ cấu này không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố.
 
Bảng: Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng Giai đoạn 2010-2018 *
 
  2010 2014 2016 2017 2018
 
 
Hà Nội
Nông nghiệp 4.9 3.6 3.2 2.8 1.94
Công nghiệp 29 29.6 29.7 29.7 22.63
Dịch vụ 58.6 57.3 57.7 57.8 64.03
 
Vĩnh Phúc
Nông nghiệp 13.6 7.81 7.14 6.51 6.36
Công nghiệp 57.2 47.6 44.9 45.6 47.73
Dịch vụ 20.6 30.97 32.4 36.5 38.71
 
Bắc Ninh
Nông nghiệp 10.6 4.2 3.6 2.9 2.72
Công nghiệp 58.4 77.9 81.6 83.2 76.55
Dịch vụ 21.3 8.1 9.4 7.9 16.59
 
Quảng Ninh
Nông nghiệp 5.7 6.5 6.8 6.3 5.97
Công nghiệp 52.4 51.2 51.6 51.3 49.18
Dịch vụ 32 32.5 31.2 31.7 33.24
 
Hải Dương
Nông nghiệp 17 13.2 12.4 10.6 10.51
Công nghiệp 43 47.8 48.3 50.2 51.38
Dịch vụ 33.3 32.7 31.5 31.3 30.51
 
Hải Phòng
Nông nghiệp 10.1 7.2 6.02 5.31 4.47
Công nghiệp 36.2 35.2 37.2 32.2 42.29
Dịch vụ 49.3 50.4 50.4 49.2 47.25
 
Hưng Yên
Nông nghiệp 20.9 13.8 12.4 10.9 10.58
Công nghiệp 42.2 45.8 46.1 48.6 51.56
Dịch vụ 33.1 34.4 35.4 36.9 28.78
 
Thái Bình
Nông nghiệp 34.3 26.7 28.65 25.82 24.44
Công nghiệp 32.3 30.8 29.1 33.14 36.21
Dịch vụ 30.6 34.2 35.47 35.56 33.99
 
Hà Nam
Nông nghiệp 21.9 14.3 12.6 10.6 9.85
Công nghiệp 43.6 47.7 49.7 52.7 56.01
Dịch vụ 29.5 28.1 28.7 29.7 26.74
 
Nam Định
Nông nghiệp 28.1 25.1 22.9 20.7 20.63
Công nghiệp 37.3 33.1 34.9 36.4 37.07
Dịch vụ 30 36.1 38.4 40.2 38.2
 
Ninh Bình
Nông nghiệp 21.6 14.9 12.2 11.1 10.29
Công nghiệp 32.5 36.9 38.3 37.3 40.73
Dịch vụ 37.6 38.6 41.1 41.2 40.09
 

* Không tính Thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm (Nguồn: Tổng cục thống kê và theo tính toán của tác giả)
 
Theo số liệu của Cục đầu tư trực tiếp nước ngoài – Bộ kế hoạch và đầu tư, tính đến 20/12/2018, FDI đã xuất hiện ở tất cả các ngành, song FDI vẫn được thu hút nhiều nhất vào ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo có sự đóng góp lớn của FDI, chiếm 54% số dự án và 56% vốn đầu tư.

Ngành nông – lâm – ngư nghiệp chỉ chiếm 1.47% tổng vốn FDI vào đồng bằng sông Hồng, có rất ít chuyển biến về thu hút FDI vào ngành này. Từ năm 2001 trở lại đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ có xu hướng tăng nhanh, nhất là ngành kinh doanh bất động sản. Đến hết 2019 số dự án vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm đến 21% tổng vốn đầu tư.
 
Thực tế cho thấy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại đồng bằng sông Hồng có tác động từ nguồn vốn đầu tư, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn quan trọng.
 
Theo số liệu bảng trên, tại vùng đồng bằng sông Hồng, quá trình chuyển dịch cơ cấu diễn ra theo đúng xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp trong GDP có sự giảm đáng kể từ 2010 đến 2018. Năm 2018 có 9/11 tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp trong GDP dưới 11%, 2 tỉnh còn lại là Thái Bình và Nam Định. Trong đó Thái Bình là tỉnh thu hút được ít FDI nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng với 74 dự án và 582 tr USD, không có dự án nào vào lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội và Bắc Ninh là hai tỉnh có số lượng vốn FDI lớn nhất trong vùng năm 2018. Tác động chuyển dịch cơ cấu ngành rõ nét nhất là Bắc Ninh, năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của tỉnh Bắc Ninh 10,6% và năm 2018 là 2,72% cho thấy vai trò rõ nét của FDI đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại tỉnh này.
 
Tính đến 31/12/2018, song song với nguồn vốn FDI thu hút nhiều vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, cơ cấu ngành kinh tế tại vùng đồng bằng sông Hồng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP tại các tỉnh đều trên 30%, trong đó một số tỉnh có tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP lớn như Bắc Ninh 76,55% (tại tỉnh Bắc Ninh, tổng nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp là 15,2 tỷ USD chiếm 96,2% vốn đầu tư); Hà Nam 56.01% (vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp đạt 2,193 tỷ USD chiếm 98,9% tổng số vốn đầu tư của toàn tỉnh); Hưng Yên: 51,56% (vốn FDI vào ngành công nghiệp đạt 3,78 tỷ USD chiếm 94,97% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh); Hải Dương: 51,38% (vốn FDI vào ngành công nghiệp là 6,68 tỷ USD chiếm 95,57% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh). Vĩnh Phúc và Quảng Ninh cũng có tỷ trọng giá trị gia tăng của công nghiệp trong GDP lần lượt là 47.43% và 49.18%, trong đó vốn FDI vào công nghiệp của hai tỉnh này chiếm trên 88% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Hà Nội và Hải Phòng là hai thành phố có tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP chiếm tỷ trọng thấp nhưng thay vào đó, hai thành phố này có xu hướng phát triển với ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao tương ứng với 64.03% và 47,25%, đây chính là xu thế cơ cấu tương lai của các tỉnh, thành phố khi hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Thông qua số liệu thống kê, phân tích định tính cho thấy FDI là một nguồn vốn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Là một nước đang phát triển, Việt Nam khó có thể tránh khỏi tình trạng thiếu vốn trong giải quyết các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá. Tiếp tục chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một biện pháp tích cực và hữu hiệu đối với Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng. Để làm tốt điều này, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, giảm thiểu những chi phí giao dịch ngầm trong quá trình xin cấp phép đầu tư, xử lý triệt để tình trạng tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc cũng như các loại dịch vụ khác nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Một vấn đề quan trọng khác là tập trung đào tạo đội ngũ lao động có chuyên môn và tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hoá một cách bền vững, vùng đồng bằng sông Hồng cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước, đầu tư cơ sở hạ tầng các đô thị, đảm bảo điều kiện về mọi mặt để đô thị hóa phát huy được những ưu điểm vốn có của nó nhằm phục vụ cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá./.

 
Vũ Thị Vân Anh
Trường Đại  học Kinh tế quốc dân
  
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 
  1. Agosin, M. R. and Maver, R. (2000), “Foreign Investment in Developing Countries: Does it crowd in Do- mestic Investment”, UNCTAD Discussion Paper, No. 14
  2. Baltagi, B. (2008), Econometric Analysis of Panel Data (Vol. 1), John Wiley & Sons.
  3. Bornschier, Volker & Chase-Dunn, Christopher (1985), Transnational Corporations and Underdevelop- ment, Praeger.
  4. Blundell, R. & Bond, S. (1998), ‘Initial conditions and moment restrictions in dynamic panel data models’
  5. Journal of Econometrics, 87(1), 115–143.
  6. Borensztein, E., De Gregorio, J., and J-W. Lee (1998), ‘How Does Foreign Direct Investment Affect Eco- nomic Growth?’, Journal of International Economics 45, 115-135
  7. Bui Hoang Ngoc, Dang Bac Hai (2019), “ The impact of foreign direct investment on structural Eco- nomic in Viet Nam”, Springer Nature Switzerland AG 2019 V. Kreinovich et al. (Eds.): ECONVN 2019, SCI 809, pp. 352–362, 2019.
  8. Chandra, R. (1992), Industrialization and Development in the Third Word, Routledge, London. Gui-Diby,
  9. S.L. & Renard, M-F. (2015), ‘Foreign Direct Investment Inflows and the Industrialization of African Countries’,World Development, 74, 43-57. 
  10. Đào Văn Hiệp (2005), ‘Đầu tư trực tiếp nước ngoài và ảnh hưởng của nó đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, hiện đại hoá tại Hải Phòng’, luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học kinh tế Quốc dân.
  11. Kang, S.J. & Lee, H. (2011), ‘Foreign direct investment and deindustrialisation’, The World Economy, 313- 329.
  12. Kaya, Y. (2010), ‘Globalization and industrialization in 64 developing countries, 1980–2003’, Social Forc- es, 88(3), 1153-1182.
  13. Le, Q.H. & Pomfret, R. (2011), ‘Technology spillovers from foreign direct investment in Vietnam: hori- zontal or vertical spillovers?’, Journal of the Asia Pacific Economy, 16(2), 183-201.
  14. Markusen, J.R. & Venables, A.J. (1999), ‘Foreign direct investment as a catalyst for industrial develop- ment’, European Economic Review, 43, 335–356.
  15. McMillan, M., Rodrik, D. & Verduzco-Gallo, Í. (2014), ‘Globalization, Structural Change, and Productivity Growth, with an Update on Africa’, World Development, 63(C), 11-32. Morsy, H., Levy, A. & Sanchez, C. (2014), Growing Without Changing: A Tale of Egypt’s Weak Productivity Growth,
  16. Marcel P. Timmer (2014), “Patterns of structural change in developing countries”, GGDC research mem- orandium 149.
  17. Nguyễn Tiến Long (2011), Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Nguyên , Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân
  18. Octavio và Henning Muhlen (2018): the role of FDI in structuaral change: Evidencce from Mexico, Ho- henheim discussion paper in business, University of Hohenheim, Germany.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top