Đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng ứng phó với BĐKH và thực hiện cam kết quốc tế

31/05/2023 - 03:50 PM
Từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng cũng như số lượng rừng bị cháy của Việt Nam đang tăng mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh thời tiết chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nắng nóng, khô hạn và làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, phòng, chống cháy rừng đang trở thành vấn đề đáng quan tâm và cần có các biện pháp kịp thời nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Biến đổi khí hậu góp phần gia tăng nguy cơ cháy rừng

Tại Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái trung tính trong các tháng từ tháng 5-6/2023, sau đó trong nửa cuối năm 2023 có khả năng chuyển sang pha nóng (El Nino) với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang năm 2024. Trong điều kiện EI Nino, dự báo ở hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường. Năm 2023, nền nhiệt độ các tháng trong năm có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình. Số ngày nắng nóng trong năm 2023 cũng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022, thậm chí có thể xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất, vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Thời gian nắng nóng ở miền Bắc tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm là tháng 6-7; miền Trung là tháng 5-8, cao điểm là tháng 7; các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2-4 ngày, có đợt dài hơn.

 
Đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng ứng phó với BĐKH và thực hiện cam kết quốc tế
Phòng, chống cháy rừng đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam. Ảnh minh họa

Những yếu tố thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là hạn hán, nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt được coi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng tại Việt Nam. Dưới góc nhìn từ tự nhiên, do mục đích phát triển kinh tế, rừng trồng ở Việt Nam thường là các loại bạch đàn, thông, tràm, khộp… là những loại cây thường có tinh dầu hoặc nhựa rất dễ bắt lửa và cháy đượm. Nguyên nhân cháy tự nhiên còn có sự tác động từ cành lá khô, quả khô, thân cây chết khô, tầng thảm mục dày, các vật liệu cháy tinh (nhỏ, dễ bắt lửa), nhiệt độ quá cao rút ngắn quá trình khô của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất kéo theo lớp không khí sát mặt đất nóng lên, kết hợp với gió làm cho ngọn lửa bùng phát và lan nhanh. Các yếu tố do địa hình tạo ra cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện bốc hơi nước và độ ẩm của vật liệu cháy hoặc chi phối quy mô, tốc độ lan tràn của các đám cháy rừng. Bên cạnh sự tác động từ tự nhiên, các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội còn thiếu ý thức và bất cẩn của con người cũng gây ra phần lớn các vụ cháy rừng ở Việt Nam. Tại một số địa phương đặc biệt là tại các khu vực miền núi, nơi đồng bào có dân trí thấp, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt nương làm rẫy, thậm chí đốt rừng làm nương rẫy; đốt quang thực bì để nhặt kim loại; đốt cỏ khô, rơm rạ, chai lọ… gần rừng; đốt lửa sưởi ấm, hun khói để lấy mật ong… rồi bất cẩn để lửa cháy lan không kiểm soát được. Nhiều khi là do con người vào rừng vô ý để lại các vật liệu bắt lửa như than củi, tàn thuốc… vào những tầng thực bì dễ cháy...

Những vụ cháy rừng không chỉ đe dọa tính mạng và tài sản của người dân sống gần đó mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với quốc gia. Các vụ cháy rừng trên diện rộng gây cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát thải khói bụi, khí CO2 gây ô nhiễm môi trường; làm tăng nhiệt độ và đóng góp vào các tác nhân gây biến đổi khí hậu. Đối với rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, sự biến mất của các khu rừng khiến gia tăng lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, lũ quét. Sinh vật, động thực vật bị thiêu hủy dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Trong khói cháy rừng không chỉ có bụi mà còn có lượng lớn các chất khí độc hại như cacbon monoxit, metan, axit axetic và fomandehit…, người dân sống trong khu vực cháy rừng đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây bệnh tật; thiệt hại về kinh tế, cuộc sống con người, xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng. Những tác nhân gây hại từ cháy rừng còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có 41,4 ha rừng bị cháy, giảm tới 97,3% so với năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng gia tăng đáng kể. Diện tích rừng bị thiệt hại do chặt phá và cháy trong tháng 4 (tính từ 15/3 đến 15/4) là 279,3 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước; riêng diện tích rừng bị cháy là 111 ha, gấp 26 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 534 ha rừng bị thiệt hại, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 356,3 ha, tăng 2,3%; diện tích rừng bị cháy là 177,7 ha, gấp 13 lần (diện tích rừng bị cháy 4 tháng đầu năm 2022 là 13,7 ha, giảm 89,8% so với cùng kỳ năm 2021).

Những số liệu trên đã cho thấy tình trạng cháy rừng đang trở nên đáng báo động khi mùa nắng nóng mới chỉ đang vào thời điểm bắt đầu, còn chưa bước qua hết giai đoạn cao điểm trong năm; đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách đối với công tác phòng, chống cháy rừng. Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm Việt Nam, tính đến ngày 23/5/2023, nhiều vùng trên cả nước đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong đó, có 24 tỉnh, thành phố với 53 vùng có rừng đang ở tình trạng nguy cơ cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm và 26 tỉnh, thành phố với 90 vùng có rừng ở tình trạng nguy cơ cháy cấp IV - cấp nguy hiểm. Tại khu vực Bắc Trung bộ, nắng nóng thường kéo dài với nền nhiệt lên đến trên 400C, cộng thêm gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô nóng thổi sang làm chất xúc tác khiến lửa phát tỏa nhanh hơn, phạm vi rộng hơn nếu có xảy ra cháy rừng tại đây.

Công tác phòng, chống cháy rừng cần sự chung tay của toàn xã hội

Cùng với các nguy cơ cháy rừng, dưới tác động của El Nino gây ít mưa, mùa mưa ở nước ta có khả năng kết thúc sớm, kéo theo tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, hạn hán, xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng vào giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024. Kể từ đầu năm, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến đều thiếu hụt so với TBNN từ 10-30%, riêng trên sông Thao thiếu hụt 70%. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới. Nắng nóng gay gắt cùng với tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa phổ biến đều thiếu hụt làm tăng nguy cơ khô hạn và ảnh hưởng đến khả năng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Với phương châm “phòng còn hơn chống”, Việt Nam cần mạnh mẽ thực hiện đồng thời nhiều phương án phòng, chống cháy rừng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đối diện với nguy cơ cháy rừng cao khi bước vào giai đoạn nắng nóng lịch sử ở nhiều nơi trên cả nước. Một số phương án được đề xuất như: (1) Tập trung cao độ về lực lượng, bám sát những cánh rừng, không chủ quan, sẵn sàng ứng phó khi chảy ra cháy rừng, nhất là thời điểm khi thời tiết bắt đầu nắng nóng. (2) Chuẩn bị tốt mọi công tác phòng, chống cháy rừng, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. (3) Xuất phát từ nguyên nhân xảy ra tình trạng cháy rừng do người dân trong quá trình làm nương rẫy đốt thực bì hoặc sử dụng lửa không kiểm soát được nên gây cháy lan, vì vậy, khi bước vào mùa khô từ tháng 3-8 hàng năm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sống canh tác gần rừng ký cam kết phòng chống cháy rừng; đồng thời phải báo trạm bảo vệ rừng khi dùng lửa trong rừng để phối hợp kiểm soát. (4) Cần chủ động rà soát, bổ sung các vùng trọng điểm cháy rừng trên cơ sở bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng và xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phần được giao. Song song với xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. (5) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. (6) Kiện toàn Ban Chỉ huy, các tổ, đội bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng các tình huống giả định và tổ chức thực tập xử lý sự cố cháy rừng trên diện tích được giao quản lý. (7) Đảm bảo kinh phí hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng và chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát, kiểm tra, vận hành các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy để ứng cứu kịp thời khi có xảy ra cháy rừng.

Trong thời gian tới, để rừng thực sự phát huy vai trò lá phổi xanh bảo vệ môi trường, đem lại nguồn lợi kinh tế cao thì việc tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng là một trong những hành động cấp thiết góp phần thực hiện những cam kết quốc tế về bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính. Hiện, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo cháy rừng qua vệ tinh. Qua đó có thể xác định được các khu vực trọng điểm có thể xảy ra cháy rừng nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, giám sát chặt chẽ hơn công tác bảo vệ rừng và các điểm cháy nhằm xác định vị trí cần ứng cứu và chống cháy lan ra các khu vực lân cận. Tuy nhiên, phòng chống cháy rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng tác động tiêu cực và những tác động từ sản xuất, sinh hoạt không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà cần có sức mạnh to lớn từ toàn xã hội, nhất là những người dân sinh sống ở các địa phương có rừng và thói quen sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm từ gỗ của người dân trên cả nước./.

 
Theo Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Đặc biệt, năm 2023 được dự báo sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,08oC đến 1,32oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp; đồng thời là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1oC so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, kèm theo đó là tính bất ổn cao với tình trạng mưa ít, hạn hán. Nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới là một trong những mối đe dọa lớn về nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra nhiều hơn so với các năm trước.
 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top