Với nhiều đặc sản có giá trị kinh tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được đánh giá còn nhiều tiềm năng cho sản xuất hàng hóa nông sản. Do đó, thời gian tới để nâng cao giá trị và đưa các đặc sản, sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới người tiêu dùng trong và ngoài nước cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản; chú trọng thực hiện tốt công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm...
Kết nối cung cầu nông sản miền núi thời gian qua
Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của các đặc sản, sản phẩm khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển các khu vực này, trong đó phải kể đến việc ban hành các chính sách ưu tiên phát triển thương mại, các chương trình đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu nông sản đang phát huy tác dụng như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn từ 2014-2020 và đang được thực hiện tiếp nối giai đoạn 2021-2025; Chính phủ ban hành Quyết định 801/TTg ngày 7/7/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 với giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2030 với điểm nhấn là hoạt động kết nối cung cầu nông sản; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021. Đặc biệt thành công của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại kết quả tích cực trong hoạt động đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thời gian qua.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo đó, sau 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã đạt được mục tiêu Chương trình đặt ra với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng năm tăng trưởng đạt 8-10%; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tăng trưởng đạt 8-10%.
Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương để đưa vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và phục vụ xuất khẩu và nhờ đó đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hàng hóa ngày càng đa dang về chủng loại, mẫu mã. Nhiều đặc sản vùng miền đã có mặt tại hệ thống phân phối trong nước và nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Mật ong xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như: Anh, Australia; vải Lục Ngạn được đánh giá cao tại thị trường Nhật Bản, Pháp… Sản xuất một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Những thay đổi trong kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần tạo sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống và giảm nghèo cho nông dân ở khu vực này.
Bên cạnh đó Bộ Công thương đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo. Hiện, sản phẩm tỏi Lý Sơn cũng như sản phẩm thuỷ sản, hải sản của Côn Đảo đã đến được các hệ thống phân phối lớn cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch...
Thông qua Chương trình cũng xây dựng được các chỉ dẫn về địa lí và quảng bà sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và ngoài nước. Tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại. Hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng - tiêu thụ có tính liên tục. Diện mạo hạ tầng cơ sở đặc biệt là hạ tầng chợ tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được đầu tư có sự chuyển biến rõ rệt qua đó từng bước đã tạo được kết nối, thu hút các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa góp phần thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ngoài ra, Chương trình cũng đã đào tạo được nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn gặp nhiều khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo còn yếu; công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm nông sản miền núi chưa phát huy hết tiềm năng trong sản xuất hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử còn khó khăn; khâu vận chuyển tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn…
Hiện còn nhiều tiềm năng và dư địa cho phát triển đặc sản, sản phẩm hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa kết nối cung cầu nông sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và tiếp nối thành công đã đạt được trong giai đoạn 2015-2020, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm trong giai đoạn 2021-2025. Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Phát triển sản phẩm, hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn đảm bảo 100% cán bộ quản lý thương mại thuộc đối tượng của Chương trình được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Chương trình, trong năm 2022, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai 15 đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới
Để đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, Triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Hai là, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,... ) trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Bước đầu hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ đặc sản vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.
Ba là, cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Xây dựng thêm cơ sở dữ liệu thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tiếp tục xây dựng chứng nhận về chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể cho một số nông sản đặc thù riêng để quảng bá tốt hơn cho nông sản. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực. Các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.
Bốn là, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa. Các bộ, sở ngành địa phương cần tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực xúc tiến cho các hộ nông dân, hợp tác xã.
Năm là, đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Triển khai ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch TMĐT, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội./.
Nguyễn Trang