Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc khởi công các dự án lớn, công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay nhiều chương trình trọng điểm quốc gia đã được đẩy nhanh triển khai và đạt kết quả khả quan. Tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới sẽ là nguồn năng lượng tích cực để chúng ta về đích mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030 mà Nghị quyết đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
Từ khóa: Chương trình trọng điểm, dự án đầu tư
Tăng tốc triển khai các chương trình trọng điểm
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định đột phá đầu tư xây dựng hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông) là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế. Với chủ trương đó, giai đoạn 2021-2023, hàng loạt các dự án lớn đã được phê duyệt, khởi động và triển khai, tạo đà cho năm 2024 tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư là 422.000 tỷ đồng.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài tại một số dự án như nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, CHKQT Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tập trung xử lý. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đang được Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai thi công đảm bảo bám sát kế hoạch, tiến độ như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; 03 dự án trục Đông – Tây; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa…
Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng đã hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Hòa Bình - Mộc Châu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Dầu Giây - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Với khí thế làm việc “xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “ ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, nhiều công trình, dự án cao tốc đã vượt qua các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, thời tiết cực đoan để đảm bảo yêu cầu tiến độ, khánh thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: 09 Dự án thành phần (DATP) cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gồm cầu Mỹ Thuận 2), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên gần 1.900 km.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, thời gian qua cả nước đã hoàn thành gần 700 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc cả nước lên trên 2.000 km.
Ở khu vực phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Tháng Sáu vừa qua, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài 128,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 25.540 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và hoàn thiện các thủ tục liên quan, để đưa vào khai thác thương mại trong tháng 7/2024. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đang tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý IV/2024.
Nhiều công trình, dự án cao tốc đã vượt qua các khó khăn để đảm bảo yêu cầu tiến độ
Thông tin tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 diễn ra ngày 16/7/2024 mới đây cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có giá trị giải ngân cao nhất cả nước với 25.500 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của Bộ Giao thông vận tải cũng đạt tỷ lệ cao nhất là 100%.
Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả thực hiện các công trình trọng điểm cũng còn một số vướng mắc. Công tác giải phóng mặt bằng chậm vẫn là trở ngại lớn nhất dẫn tới tiến độ triển khai thi công một số dự án chưa đạt kế hoạch, do các khó khăn về xác minh nguồn gốc đất ở, khiếu nại về đơn giá, việc di dời đường điện cao thế với yêu cầu kỹ thuật cao còn chưa đạt tiến độ đề ra, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn kéo dài… Bên cạnh đó là các nguyên nhân như: Thủ tục đầu tư kéo dài; các đơn vị chưa chủ động nguyên vật liệu do vướng mắc quy định; chế độ, chính sách khuyến khích các đơn vị, cá nhân nỗ lực tập trung thúc đẩy các dự án chưa kịp thời…
Quyết tâm hoàn thành 3000 km cao tốc trong năm 2025
Việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi. Do đó, nhiệm vụ giải ngân 422.000 tỷ đồng trong năm 2024 là rất lớn. Hoàn thành nhiệm vụ này góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước thông qua việc giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, cũng như tạo các không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ… từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ đã giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tổ chức vào tháng 6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết thời gian tới.
Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.
Thứ hai, về hạ tầng kỹ thuật, các Bộ, ngành liên qua cần có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc di dời các công trình kỹ thuật giao chéo đường cao tốc.
Thứ ba, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tích cực hơn nữa tìm nguồn cung ứng cát, vận dụng các điều kiện cho phép để làm.
Thứ tư, về các vướng mắc liên quan việc thi công ban đêm, Lãnh đạo các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân, thăm hỏi, động viên, vận động người dân ủng hộ việc thi công “3 ca, 4 kíp”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; đồng thời nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.
Thứ năm, về thủ tục đầu tư các dự án hợp tác công tư (PPP), các địa phương phải chủ động, tích cực xử lý các vấn đề theo thẩm quyền được giao.
Thứ sáu, các Bộ, ngành, địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu trong triển khai các dự án.
Ngành Giao thông vận tải quyết tâm về đích mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025
Với tinh thần “khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ”, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, cùng ngồi lại để chia sẻ, thông cảm, tìm giải pháp. Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích đúng kế hoạch. Các công trình phải bảm đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; chú trọng việc tạo cảnh quan môi trường, không gian chung của các dự án khi hoàn thành.
Tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị sẽ là nguồn năng lượng tích cực để ngành Giao thông vận tải hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, về đích mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030 mà Nghị quyết đại hội XIII của Đảng đã đặt ra./.
Ngọc Linh