Đẩy mạnh thực hiện tài chính toàn diện - Chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình

13/03/2025 - 03:27 PM
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại những lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế.
 
Từ khóa: Tài chính, toàn diện, bình đẳng, người dân
 
In the era of the nation's rise, the National Comprehensive Financial Strategy until 2025, with a vision towards 2030, holds immense significance for the country's socio-economic development; it helps all citizens and businesses access the necessary resources and financial services for development, contributing to the improvement of people's living standards, promoting savings and investment, thereby bringing substantial and positive benefits to society and the economy.
 
Keywords: Finance, inclusive, equality, people
 

Đảm bảo tiếp cận tài chính rộng khắp, bao trùm, toàn diện, bình đẳng

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, nhằm hướng đến mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Chiến lược đặt ra 9 mục tiêu cụ thể cho năm 2025 là có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội).

Bên cạnh đó, đến năm 2025 có ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm; ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%; ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong bối cảnh nền kinh tế có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19 với hậu quả kéo dài, những biến động kinh tế và tài chính toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng... tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Nhân dân, doanh nghiệp, nước ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong thực hiện Chiến lược, nhất là bảo đảm tiếp cận bình đẳng về tài chính với mọi đối tượng, đặc biệt là những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện, với 8 luật, 11 nghị định, 10 quyết định được ban hành như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện.

Mạng lưới các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển đa dạng, bao phủ rộng khắp các địa bàn trên cả nước, với tỷ lệ hơn 15 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng/100.000 dân, hơn 32% xã, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; đặc biệt là hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 34%, trong đó nhiều khu vực công thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt đạt 100%.

Hạ tầng tài chính được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, đến nay có khả năng hoàn thành 5/9 chỉ tiêu của Chương trình, gồm: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tốc độ tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Các chỉ tiêu còn lại về số lượng chi nhánh, phòng giao dịch, tỷ lệ điểm cung ứng dịch vụ tài chính, tỷ lệ người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng… đang được đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung xử lý, giải quyết, một số việc cần làm tốt hơn. Theo đó, cần tiếp tục phát triển hợp lý và tăng độ bao phủ dịch vụ tài chính cung ứng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn, các đối tượng yếu thế.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện để vừa quản lý được, vừa thúc đẩy phát triển, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất.

Hạ tầng tài chính cần tiếp tục được hoàn thiện, kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng cần tiếp tục được đa dạng hóa và thiết kế phù hợp hơn với các đối tượng người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ.

Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân cần tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh hơn nhằm giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức.
 
Đẩy mạnh thực hiện tài chính toàn diện - Chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình

Chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình

Tình hình thế giới đang diễn biến nhanh chóng, khó lường, xu hướng phát triển dựa vào khoa học, công nghệ ngày càng rõ; mô hình quản lý, phương thức cung cấp tài chính cũng chuyển đổi; kèm theo đó, tội phạm trên không gian mạng khiến rủi ro gia tăng…

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tài chính toàn diện giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại những lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện ngày 12/3, Thủ tướng chỉ rõ trong thời gian tới cần phải nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó một trong những giải pháp quan trọng, then chốt là đẩy mạnh triển khai thực hiện tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh 3 khía cạnh: (i) Thứ nhất, phải bảo đảm tiếp cận bình đẳng của mọi công dân với dịch vụ tài chính, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh, sinh viên. (ii) Thứ hai, người dân phải được thụ hưởng thành quả từ Chiến lược tài chính toàn diện một cách thực sự, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. (iii) Thứ ba, người dân phải được bảo vệ an toàn, an ninh khi tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là khi các dịch vụ này được số hóa, không để các đối tượng xấu trục lợi, gây ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tổ chức thực hiện thật tốt để vừa quản lý chặt chẽ, vừa thúc đẩy phát triển, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả và công bằng.

Hai là, phát triển hạ tầng thông suốt, đồng bộ, đều khắp trên phạm vi cả nước, bao trùm các khu vực, đối tượng, nhất là hạ tầng cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hạ tầng phù hợp cho những người yếu thế, đặc biệt là hạ tầng số thông qua phủ sóng 5G, 6G, internet vệ tinh…

Ba là, đào tạo, phổ biến kiến thức, phát triển công dân số trên phạm vi cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng lộ trình, bước đi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Năm là, trong tổ chức, các cấp, các ngành, các chủ thể liên quan phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm".

Sáu là, đa dạng hóa cách thức, phương pháp truyền thông phù hợp với các đối tượng, địa bàn khác nhau, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trong nhân dân về thực hiện Chiến lược.

Bảy là, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện.

Tám là, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy tính bổ trợ giữa các chương trình, giữa các địa phương, các lĩnh vực.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan cần ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tài chính toàn diện cần được thực hiện thông qua nền tảng kỹ thuật số và công nghệ tài chính, trong đó, các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới, tiện ích, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí, mang lại cơ hội tiếp cận rộng rãi, bình đẳng, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính.

Bên cạnh các nguồn lực trong nước, cần tiếp tục huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, học hỏi kinh nghiệm ở các quốc gia đi trước, tích cực hội nhập, tham gia sâu rộng các khuôn khổ hợp tác về tài chính toàn diện nhằm nâng cao năng lực triển khai các sáng kiến, áp dụng các thực tiễn tốt, hỗ trợ cho thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Đồng thời, chủ động rà soát việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tại Kế hoạch hành động của bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình; nhận diện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2026-2030 của Chiến lược cho phù hợp với các xu thế và bối cảnh mới./.
 
Tài liệu tham khảo:
 
- Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, tháng 3/2025;
 
- Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, ngày 12/3/2025.
 
ThS. Nhữ Thị Hồng
Khoa Kế toán - Kiểm toán (Học viện Ngân hàng)

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top