Đẩy mạnh triển khai các gói phục hồi kinh tế tạo sức bật cho nền kinh tế

12/04/2022 - 08:48 AM

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng thì đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua. Việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết này sẽ tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế.

 
Gói hỗ trợ kinh tế gần 350.000 tỷ đồng

Trong hai năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra phúc lợi nhiều gói hỗ trợ để giúp nền kinh tế có thể đứng vững trong đại dịch. Năm 2022, Chính phủ tiếp tục đưa gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, được chi trong vòng hai năm 2022-2023, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; Đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; Phát triển kết cấu hạ tầng và các giải pháp khác.
Về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện chương trình, Chính phủ đề xuất giải pháp tài khoá tổng quy mô là 291.000 tỷ đồng. Cụ thể: Tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng, bao gồm: Giảm thuế, phí, lệ phí là 64.000 tỷ đồng (chưa tính tới tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu ngân sách Nhà nước); Chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển. Khoản này chia ra, phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp Trung ương là 14.000 tỷ đồng.

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 5.000 tỷ đồng, bao gồm: Cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn 3.000 tỷ đồng. Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng; Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5.686 tỷ đồng.

Hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là 5.000 tỷ đồng.

Chính sách tài khoá bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 (135.000 tỷ đồng).

Tăng thêm tối đa 38.400 tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ khẳng định điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất.

Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Sử dụng khoảng 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; theo dõi sát tình hình, sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước tác động tới thị trường ngoại hối.

Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, còn một số giải pháp khác như: Sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, trong đó sử dụng 1.000 tỷ đồng để mua máy tính bảng thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Như vậy, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng
46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán cụ thể. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là chương trình phục hồi kinh tế một cách toàn diện và có quy mô lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay.

Kỳ vọng tạo sức bật cho nền kinh tế

Khác với những lần trước, gói hỗ trợ lần này của Chính phủ nhằm mục tiêu phục hồi, phát triển và tạo sức bật tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh các tỉnh thành trên cả nước đã xác định sống chung với dịch bệnh.

Trong gói hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, nổi bật là giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế VAT 10%, ngoại trừ một số nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được nêu rõ trong Nghị quyết. Trong bối cảnh chi tiêu, tiêu dùng giảm do dịch bệnh diễn ra, chính sách này đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi việc giảm thuế GTGT sẽ tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng giúp phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh các hỗ trợ về thuế, chính sách tài khóa còn bổ sung một điểm quan trọng đó là các hỗ trợ liên quan đến người lao động và an sinh xã hội, theo đó hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người thuê nhà đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ với trái phiếu phát hành trong nước cho ngân hàng chính sách xã hội, để cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận dòng vốn khôi phục sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trên một năm, cao nhất là 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ. Dòng vốn giá rẻ này được nhiều doanh nghiệp đón nhận và sẽ như một “dòng máu” tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay được, mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Gói hỗ trợ lần này, nếu như thực hiện được sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm chi phí rẻ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Thêm một điểm đáng chú ý của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là dành 176.000 tỷ đồng chi cho phát triển với đa phần là đầu tư mới cho hạ tầng giao thông, sẽ có tác động kích thích đầu tư để phục hồi tăng trưởng. Chương trình này có quy mô lớn nhất bởi vì nó tác động trong trung hạn, tăng chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm triệt để các nút nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, các công trình liên vùng đang không triển khai được vì thiếu nguồn lực, thiếu vốn.

Đặc biệt, điểm nổi bật ở gói hỗ trợ này được nhiều chuyên gia đánh giá là có vai trò then chốt phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế, chính là chuẩn bị một nguồn lực đáng kể cho công tác phòng chống dịch bệnh lên tới 60.000 tỷ đồng, trong đó có 14.000 tỷ đồng để xây dựng đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng y tế và 40.000 tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc, thiết bị y tế. Theo giới chuyên gia, tất cả những khó khăn lần này đều xuất phát từ cái gốc là dịch bệnh, cho nên phải giải quyết căn bản từ gốc, mà trọng tâm chính là y tế. Chính vì vậy, năm 2022, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để mua vaccine và thuốc chữa COVID-19, tạo sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp để thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều có chung đánh giá, chương trình hỗ trợ của Chính phủ lần này có nhiều điểm sáng, xác định tương đối rõ nét đối tượng, quy mô, không dàn trải hay chung chung như các chương trình hỗ trợ trước đây; quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng chịu tác động mạnh như dịch vụ, hoạt động vận tải, du lịch, người lao động. Đồng thời có đánh giá tương đối cụ thể về tác động của chương trình với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng nợ công, thâm hụt ngân sách... Chính vì vậy, gói kích thích lần này có tính lan tỏa hơn, hiệu quả hơn, đi vào cuộc sống nhanh chóng và rõ ràng hơn.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2022, nhiều bộ, ngành đã tích cực xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ như: Bộ Tài chính đã triển khai giảm thuế VAT; Ngân hàng Nhà nước dự thảo quy định về cấp bù hỗ trợ lãi suất; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đang chờ hướng dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo về đầu tư công…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, trong năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 50% của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình.

Bằng việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ cho phục hồi kinh tế, Chính phủ đang hướng tới mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; duy trì lạm phát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn./.


 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top