Thị phần xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận tín hiệu tích cực
Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…
Kể từ cuối năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp đã cho thấy đà khởi sắc và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng đảo chiều so với cùng kỳ năm 2023 với mức tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%); đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành Công nghiệp.
Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại cả nước
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, như: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%. Trong khi đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước có: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%; Hà Tĩnh giảm 8,0%; Quảng Ngãi giảm 4,2%.
Một số sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ phải kể đến: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; dệt tăng 12,4%.
Theo nhận định của Bộ Công thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu mặt hàng chế biến chế tạo nói riêng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của các diễn biến chính trị, cạnh tranh trên thế giới. Nhất là rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như; Mỹ, EU… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... Doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài nhằm tập trung vào việc gỡ khó từ các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu các mặt hàng và sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Để tìm cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng thị phần xuất khẩu mặt hàng chế biến, chế tạo, một số nhóm giải pháp được đặt ra như: Tăng cường sự hỗ trợ về thông tin thị trường, chính sách của thương vụ Việt Nam ở nước sở tại nhằm định hướng cho doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại thị trường sở tại; cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng; quy định của Hoa Kỳ về Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức…
Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt chú trọng tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA, ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động kết nối thông qua các Hiệp hội, tham gia hình hình mạng lưới Hiệp hội mạnh để tận dụng sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các nước. Thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các chính sách mới của cơ quan chức năng liên quan tới sản phẩm xuất khẩu./.
T.H