Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát: Kết quả bước đầu

17/03/2020 - 02:31 PM
Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường nền kinh tế này.
 
Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát: Kết quả bước đầu 1

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thực hiện kế hoạch công tác, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) được giao thực hiện nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
 
Kết quả bước đầu trong năm 2019
Ngày 20/02/2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án. Các nội dung trong Kế hoạch triển khai Đề án đã được xin ý kiến các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê đã tiếp thu và hoàn thiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ngày 29/7/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn số 5258/BKHĐT-TCTK về triển khai thực hiện Đề án, trong đó giao Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện một số nội dung công việc cụ thể để thực hiện Đề án.

Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án, trong năm 2019, Tổng cục Thống kê đã thực hiện các công việc sau:

 
- Nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát được triển khai dựa trên tham khảo các nguồn thông tin chuẩn mực của các tổ chức quốc tế như cuốn “Cẩm nang Đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát” do OECD xuất bản năm 2002. Cuốn sổ tay này như một tiêu chuẩn quốc tế về khu vực kinh tế chưa được quan sát (sau đây viết tắt là khu vực NOE) để áp dụng thống nhất trong việc đo lường khu vực NOE ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn tham khảo thông tin từ cuốn “Hướng dẫn cơ bản biên soạn GDP ở các quốc gia Châu Phi” do Ngân hàng Phát triển Châu Phi phát hành năm 2017, chuyên gia Vũ Quang Việt chủ biên.
 
- Dựa vào lý luận và kinh nghiệm quốc tế tham khảo từ các cuốn Cẩm nang cũng như góp ý của Ông Francois Roubaud và Bà Constance Torelli, các Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê Pháp trong đợt công tác tại Tổng cục Thống kê tháng 4/2019, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình gửi các đơn vị thuộc Tổng cục và 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
- Trong năm 2019, đã tiến hành nghiên cứu, rà soát và bổ sung nguồn thông tin để tính toán thành tố thứ 5 - hoạt động bị bỏ sót trong các chương trình thu thập thông tin cơ bản - là một trong năm thành tố của khu vực NOE. Kết quả của việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá các hoạt động bị bỏ sót trong chương trình thu thập thông tin cơ bản đã bổ sung thông tin quan trọng phục vụ đánh giá lại quy mô GDP cả nước giai đoạn 2010-2017 và GRDP của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho giai đoạn 2010-2018. Có thể nói, đây là kết quả quan trọng nhất của việc thực hiện Đề án trong năm 2019 thông qua việc nghiên cứu và bổ sung nguồn thông tin theo thành tố thứ 5 của khu vực NOE.
 
- Bước đầu thực hiện đánh giá thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát; xác định các đặc điểm nhận dạng cơ bản, các yếu tố cấu thành và nguyên nhân phát sinh, hoạt động khu vực kinh tế này ở Việt Nam làm căn cứ để lập danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
 
- Hoạt động trao đổi kinh nghiệm và cập nhật lý luận, nghiệp vụ tiên tiến về đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát với việc tổ chức thành công chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm về đo lường khu vực kinh tế phi chính thức tại Viện quốc gia về Thống kê và Thông tin Peru (Viện INEI) vào tháng 8/2019.
 
- Thực hiện phân tích, đánh giá chuyên sâu về hoạt động bị bỏ sót trong các chương trình thu thập thông tin cơ bản cho giai đoạn 2010-2017.
Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù công tác triển khai thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đã có một số kết quả bước đầu nhưng nhìn chung, đây là một Đề án khó và còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tế:
 
- Một là, khó khăn khi phân định ranh giới để xác định và sắp xếp các hoạt động cụ thể vào từng thành tố. Có thể có sự trùng lặp, đan xen khi phân định các hoạt động theo các thành tố. Tuy nhiên, theo quy định trong tài khoản quốc gia, một hoạt động sẽ không được phép tính trùng. Do vậy, khi hoạt động đó đã được tính toán trong thành tố này thì sẽ không được tính toán trong các thành tố khác. Khi tiến hành thực hiện Đề án, sẽ có những quy ước rõ ràng phân chia các hoạt động theo các thành tố để không xảy ra hiện tượng tính trùng, tính lặp các hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

- Hai là, việc thu thập thông tin về kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế ngầm rất phức tạp và khó khăn vì các chủ thể thực hiện các hoạt động này có nhiều cách tinh vi để che giấu. Trên thực tế, hoạt động kinh tế ngầm là các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý nhằm tránh các nghĩa vụ nộp thuế và trách nhiệm xã hội. Trong khi, hoạt động kinh tế bất hợp pháp là các hoạt động bị pháp luật cấm nhưng chủ thể vẫn cố tình thực hiện. Ở Việt Nam, các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp bị pháp luật cấm và không nằm trong phạm vi sản xuất, nhưng trong thực tế các hoạt động kinh tế bất hợp pháp luôn tồn tại và có ảnh hưởng đến nền kinh tế.

- Ba là, đo lường hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp còn khó khăn ở lựa chọn phương pháp phù hợp đối với Việt Nam. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nếu không thu thập thông tin và đo lường các hoạt động này trực tiếp thông qua số liệu thống kê thì sẽ tiến hành đo lường qua mô hình kinh tế định lượng. Tuy vậy, các loại số liệu thống kê phục vụ đo lường qua mô hình định lượng của Việt Nam còn hạn chế, chuỗi số liệu chưa đảm bảo độ vững cho các kết quả ước lượng.

- Bốn là, đo lường các thành tố khác như hoạt động phi chính thức, đặc biệt là hoạt động phi chính thức của các chủ thể có nơi làm việc di động hoặc các hoạt động ứng dụng công nghệ mới xuất hiện; hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình chưa được thực hiện triệt để.

- Năm là, triển khai thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát khó khăn và phức tạp không chỉ về phương pháp luận thống kê mà còn vướng mắc trong thực tiễn như thiếu nguồn thông tin, chồng chéo về chính sách quản lý, sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước….

- Sáu là, công tác phân tích, đánh giá kết quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát tác động tới nền kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội mới được thực hiện ở bước đầu, chưa thực sự đi vào phân tích chuyên sâu theo từng thành tố và các lĩnh vực, đời sống của xã hội.
Kế hoạch triển khai năm 2020
Thực hiện kế hoạch triển khai Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, năm 2020 bắt đầu đo lường chính thức; hằng năm sẽ cập nhật kết quả đo lường biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.
 
Để thực hiện thành công Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, cần có sự quyết tâm của các đơn vị của Tổng cục, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục thực hiện các công việc:
 
1. Tiếp tục thực hiện nghiên cứu tài liệu về phương pháp luận đánh giá và phương pháp thu thập thông tin khu vực kinh tế chưa được quan sát; khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia trong đánh giá khu vực kinh tế chưa được quan sát, từ đó xây dựng phương pháp luận chuẩn mực cho Việt Nam.

2. Hoàn thiện đánh giá thực trạng công tác thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và xây dựng các chỉ tiêu thống kê phản ánh hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
 
3. Hoàn thiện các tiêu chí phân loại và phương pháp điều tra thu thập thông tin thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

4. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nguồn thông tin thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát; bổ sung nội dung vào phương án điều tra: Điều tra Hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; Điều tra Doanh nghiệp; Điều tra Lao động - Việc làm; Khảo sát Mức sống hộ gia đình.

5. Xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê giữa các Bộ, ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

6. Biên soạn số liệu chính thức về khu vực kinh tế chưa được quan sát; cập nhật kết quả
đo lường biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.

7. Phân tích, đánh giá kết quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát và tác động tới nền kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

8. Hướng dẫn phương pháp tính toán thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát phù hợp với Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

9. Hoàn thiện và tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực và chất lượng nhân lực và các nguồn lực khác phục vụ việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

10. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thống kê, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi đánh giá tình hình thực hiện Đề án./.
 
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top