Để các doanh nghiệp Việt gặt hái được những "trái ngọt" từ Hiệp định RCEP

16/06/2022 - 08:26 AM
RCEP là một hiệp định thương mại tự do có những dấu ấn riêng và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội này rất cần những hành động mạnh mẽ từ nhiều chủ thể
 

RCEP - Những dấu ấn riêng

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
 
Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 15 của Việt Nam và là một thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tiến tới tự do hóa, loại bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại giữa các nước tham gia. So với 14 FTA được ký kết trước đó, RCEP là hiệp định có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia bởi thị trường 15 nước khối RCEP có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Điều đặc biệt là các đối tác RCEP có trình độ phát triển không đồng đều (gồm cả nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển) nhưng có sức tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh và đều là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu và khoảng 70% (thậm chí có năm là 75%) thị phần nhập khẩu nước ta.
 
Hiệp định RCEP được ký kết đã đặt khu vực châu Á vào thế năng động mới và có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam tránh được rủi ro lạc nhịp với đà phục hồi của khu vực, hòa mình cùng nhịp đập của kinh tế thế giới và góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây. Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng, theo kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam được dự tính tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác có thu nhập tăng chỉ khoảng 2,5%.
 
Năm 2016, các lãnh đạo cấp cao thành viên khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã thông qua tuyên bố hướng tới xây dựng Hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) mang đặc trưng của khu vực. Như vậy, sau khi RCEP được ký kết, Việt Nam là thành viên của cả 2 hiệp định CPTPP và RCEP - những bước đi trung gian để đi đến hiệp định FTAAP dự kiến được thực hiện trong thời gian tới.
 
Để các doanh nghiệp Việt gặt hái được những
Cộng đồng RCEP gồm 15 nước thành viên

Thông thường, ở mỗi FTA, dù có nhiều đối tác nhưng một nước có một mức thuế quan chung với các nước còn lại và chỉ có khoảng 10-20% cam kết còn lại là bảo lưu nhỏ (hay gọi là cam kết khác biệt của các nước so với cam kết nền chung). Tuy nhiên, trong khối RCEP, do 15 nước thành viên có trình độ phát triển không đồng đều, nên Hiệp định RCEP không có một cam kết chung mà được phân thành nhiều tầng cam kết, mỗi nước sẽ dành mức thuế quan khác nhau cho từng đối tác theo lộ trình và phương thức khác nhau; phần bảo lưu các nước chiếm tới 30-40%. Ví dụ như Nhật Bản dành cho Việt Nam hưởng mức thuế khác với so với mỗi nước còn lại trong khối đối với từng mặt hàng. Đây là điểm khác biệt đáng lưu ý của RCEP, đòi hỏi các DN Việt Nam phải tìm hiểu kỹ từng cam kết khi thực hiện các hoạt động thương mại với các đối tác trong khối.
 
Bên cạnh đó, RCEP có nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ để đàm phán sau, ví dụ như về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài - một vấn đề được đặt ra gay gắt trong CPTPP. RCEP còn mở rộng từ lĩnh vực thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) sang các lĩnh vực vực thương mại mới (mua sắm công - lần đầu tiên cam kết trong các FTA, thương mại điện tử…) và cả đến các lĩnh vực có liên quan tới thương mại như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh…
 
Hơn nữa, ở RCEP có thay đổi đáng chú ý trong cam kết về đầu tư. Từ trước đến nay, trừ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) thì Việt Nam chưa có cam kết gì về mở cửa đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất. Nhưng với RCEP, Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư trong hầu hết các ngành sản xuất. Đây là sự đảm bảo cho các nhà đầu tư về việc Việt Nam không thay đổi chính sách mở cửa với những lĩnh vực đã cam kết và điều này là một trong những lý do để kỳ vọng Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước trong khối RCEP.
 
Một điểm thành công của RCEP là dù 15 nước thành viên có trình độ phát triển về thương mại điện tử khác nhau và có cơ chế quản lý lĩnh vực này khác nhau nhưng các nước trong khối đã đạt được khuôn khổ chung cam kết về thương mại điện tử.
 
Về cam kết khác và biện pháp phi thuế (giấy phép xuất khẩu, thủ tục hải quan...), do các nước có trình độ khác nhau, nên RCEP không có cam kết mạnh loại bỏ hay giảm thiểu tối đa các biện pháp phi thuế. Tuy nhiên, RCEP là hiệp định đầu tiên mà các nước trong khu vực có cam kết sàn tối thiểu về một số thủ tục, biện pháp phi thuế quan cơ bản trong một số lĩnh vực. Ví dụ như không sử dụng phương pháp “Quy về 0” (Zeroing) trong điều tra bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp; cam kết thực hiện nỗ lực giải phóng hàng trong 48 giờ (6 giờ với hàng dễ hỏng) hay cam kết loại bỏ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự về thương mại. Cùng với đó, trong RCEP, việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, hải quan điện tử, phương pháp quản lý rủi ro được thúc đẩy; các biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) minh bạch, được công nhận tương đương và căn cứ trên các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nội dung RCEP nhận được sự quan tâm đáng kể, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu vốn là khu vực thương xuyên có những biện pháp hạn chế hải quan, nhập khẩu.
 

Những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp

Vậy với những điểm khác biệt trên thì RCEP mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp Việt Nam? Trước hết, nói về hoạt động xuất khẩu, RCEP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ góc độ thuế quan nằm ở quy tắc xuất xứ. Với mỗi hiệp định FTA, để được hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, đảm bảo tính nội khối của hàng hóa. Với quy mô rộng lớn của RCEP, khái niệm nội khối là khá rộng, đặc biệt các thành viên trong RCEP lại là những đối tác cung cấp nguyên phụ liệu chính cho Việt Nam. Đây là yếu tố giúp cho DN Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ dễ dàng hơn, từ đó có thêm một con đường để tiến vào thị trường đặc biệt lớn, có khách hàng vô cùng đa dạng và tiềm năng. Đó là chưa kể các nguyên tắc xuất xứ của RCEP khá linh hoạt và lỏng hơn các FTA khác. Và với những yêu cầu quy tắc xuất xứ không quá khắt khe thì RCEP không chỉ mang lại cơ hội cho các DN quy mô lớn mà còn cho cả những DN có quy mô vừa và nhỏ, giúp các DN hòa mình vào chuỗi giá trị của khu vực. Bởi thực tế, như với hiệp định CPTPP, dù Việt Nam được hưởng mức ưu đãi cao, nhưng để đáp ứng yêu cầu nguyên tắc xuất xứ là khá khó khăn, do trong khối CPTPP không bao gồm các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu cho nước ta và thường chỉ những DN có quy mô lớn mới có thể tận dụng những cơ hội CPTPP mang lại.
 
Trong bối cảnh các vấn đề về logistic, vận chuyển và các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì việc các đối tác RCEP là thị trường gần với Việt Nam về khoảng cách địa lý cũng sẽ giúp cho thị phần xuất khẩu của nước ta sang các đối tác vượt qua con số 40% hiện nay.
 
Bên cạnh đó, khi thực thi RCEP, việc các nước thực hiện cam kết sàn tối thiểu về một số thủ tục phi thuế quan, biện pháp phi thuế quan trong một số lĩnh vực và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hải quan điện tử hay các biện pháp TBT và SPS được công nhận tương đương cũng sẽ giúp khu vực có được những sáng kiến liên quan đến cơ chế mở cửa, ví dụ như thương mại không giấy tờ và làm đòn bẩy để các hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời hơn và ít chi phí hơn.
 
RCEP đồng thời còn giúp DN Việt Nam có thêm nguồn cung lớn về nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất với giá cả hợp lý hơn, cũng như có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của khu vực và cải thiện môi trường kinh doanh.
 
Về vấn đề ưu đãi thuế quan của Việt Nam dành cho các đối tác của RCEP, có luồng ý kiến cho rằng, RCEP sẽ khiến cho Việt Nam nhập siêu và thị trường trong nước dễ chịu lũ lụt bởi hàng hóa nhập khẩu từ RCEP vì đây vốn là những đối thủ lớn của nước ta. Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia, nếu so sánh mức cam kết của Việt Nam dành cho các đối tác RCEP với mức cam kết Việt Nam đang dành cho từng đối tác này ở các hiệp định FTA đã ký trước đó, thì mức mở hiện tại của RCEP đang thấp hơn nhiều. Do đó, các chuyên gia cho rằng cú sốc nhập siêu sẽ không diễn ra.
 

Cần những hành động mạnh mẽ trước những thách thức

Dù mang lại những cơ hội trên, song việc thực thi RCEP cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với cộng đồng DN nước ta. Thứ nhất, RCEP sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cả ở thị trường trong nước và các thị trường trong khối đối với một số ngành. Ví dụ như đối với mặt hàng nội thất, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu lượng lớn mặt hàng này từ Trung Quốc. Với các mức ưu đãi thuế cam kết trong RCEP, các DN lĩnh vực nội thất nước ta sẽ phải chịu sức cạnh tranh lớn ngay tại thị trường nước nhà do lượng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, mặt hàng nội thất của Việt Nam cũng phải đối mặt cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc do mức thuế ưu đãi của Nhật Bản dành cho nước ta và nước bạn là khác nhau.
 
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần cẩn trọng với vấn đề gian lận thương mại. Do khi thực thi cam kết của RCEP, mỗi nước có ưu đãi thuế quan khác nhau trong cùng một nhóm hàng, nên cũng có quy tắc xuất xứ riêng cho các mức ưu đãi khác nhau, tạo nên sự khác biệt về ưu đãi thuế quan. Điều này dẫn đến nguy cơ các DN nước ngoài gian lận thương mại, lách quy tắc xuất xứ để được hưởng mức ưu đãi thuế quan tốt hơn. Hơn nữa, DN cũng cần lưu ý tình trạng lạm dụng rào cản phi thuế hay các chính sách thiếu minh bạch, ổn định tại các thị trường nội khối.
 
Để tận dụng tốt những cơ hội mà RCEP mang lại, không chỉ là bán những cái mình có, các DN cần nâng cao nhận thức, tạo thói quen chủ động tìm hiểu bài bản nhu cầu và các quy định cam kết tại thị trường đối tác RCEP cũng như cần có thói quen thích nghi với sự thay đổi chính sách. Thứ hai, các DN cần có chiến lược nâng cao năng lực xuất khẩu, không chỉ tập trung cạnh tranh về giá mà còn là câu chuyện nâng cao chất lượng, để đạt được những yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa đang có xu hướng gia tăng tại các thị trường RCEP. Cần lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển, đồng thời chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa… Thứ ba, các DN không nên tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình để tạo nhiều“menu” lựa chọn khác nhau, từ đó gặt hái tối đa những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Thứ tư, cần tận dụng cơ hội chuyển giao khoa học công nghệ từ nước ngoài và có sự kết nối giữa các DN với nhau để tạo nên một cộng đồng vững chắc cùng nhau phát triển.
 
Song hành cùng DN, các hiệp hội cũng cần phát huy vai trò đầu mối cung cấp thông tin, tham vấn DN như rà soát, khuyến nghị điều chỉnh chính sách, đặc biệt để xử lý gián đoạn trong hoạt động cung ứng, xuất khẩu; thực hiện các phương án tổ chức, các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Đối với các cơ quan chức năng, cần hạn chế phức tạp có thể xảy ra khi thực thi hiệp định RCEP, có cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa C/O thuận lợi. Đồng thời, có cơ chế thường trực hỗ trợ DN gặp khó khăn về tận dụng ưu đãi thuế quan RCEP khi xuất khẩu, nhập khẩu. Có cơ chế kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu để hạn chế tối đa gian lận thương mại, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của DN trong nước. Cùng với đó, cần có các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ các DN phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số…
 
Tất cả các giải pháp trên sẽ cùng cộng hưởng, giúp các DN gặt hái được những “trái ngọt” từ RCEP và cộng đồng DN Việt Nam ngày càng vững mạnh, từ đó giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, có khả năng tự chủ, độc lập trong quá trình hội nhập và củng cố chuỗi sản xuất khu vực./.
 
ThS.Nguyễn Thị Thanh Huyền
Đại học Công đoàn

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top