Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Những năm qua, công tác này luôn được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, để đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giái pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Từ khóa: lao động nông thôn, đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động
Thực trạng đào tạo nghề lao động nông thôn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển dịch từ nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên sang sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại gắn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả. Chính sách mới về dạy nghề cho lao động nông thôn được ban hành tương đối đồng bộ; và đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng được nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện rõ ràng.
Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngoài các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương cũng đã thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học), lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thành công một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn làm cơ sở để triển khai nhân rộng.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hóa. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Nhận thức của người học về nghề nghiệp có sự chuyển biến từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ sang để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Tham gia học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, thực hiện canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập. Số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm...
Kết quả, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm, với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề.
Trong 11 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn (2010 - 2020), cả nước có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% mục tiêu Đề án đặt ra (11 triệu người), trong đó gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956, đạt 65% kế hoạch 11 năm của Đề án (7,052 triệu người). Cụ thể, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4,57 triệu người, đạt 70% kế hoạch 11 năm của Đề án (6,54 triệu người), với 53,4% lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ; 40,2% học nghề nông nghiệp, 59,8% học nghề phi nông nghiệp; 1,8% là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 25,8% người dân tộc thiểu số; 4,9% người thuộc hộ nghèo; 1,7% người bị thu hồi đất canh tác; 4,7 người khuyết tật; 3% người thuộc hộ cận nghèo, còn lại là lao động nông thôn khác được hỗ trợ học nghề; thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp giai đoạn 2010-2015 cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Trong số 4,57 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có 1,84 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, chiếm 40,2%; 2,73 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp, chiếm 59,8%. Sau khi đào tạo nghề, gần 4 triệu người có việc làm, đạt 86,5% (mục tiêu tối thiểu 70% số lao động có việc làm sau học nghề), giai đoạn 2016-2020 đạt 89,3%.
Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: Lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả.
Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu; nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, ngày 10/7/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như:
Một là, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Hai là, coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học.
Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Bốn là, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Năm là, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Sáu là, bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sửa dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề đối với lao động nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với các tổ chức quốc tế đánh giá chất lượng lao động ngành nông nghiệp; xây dựng các tài liệu đào tạo nghề nông nghiệp tiên tiến, chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Tổ chức các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao chất lượng, kỹ năng cho lao động ngành nông nghiệp. Hợp tác đưa lao động nông nghiệp đi học tập và lao động theo diện hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài./.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được rà soát, sắp xếp, quy hoạch theo lộ trình. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 339 trường cao đẳng; 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề năm 2023 đã tuyển mới được 2.295 nghìn người, đạt 100% so với kế hoạch đề ra, trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 530 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.765 nghìn người. Ước tính cả năm 2023, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.043 nghìn người, đạt 100% mục tiêu đề ra, trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là 346 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.697 nghìn người.
|
Trang Nguyễn
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 - Tổng cục Thống kê
Chỉ thị 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn - Ban Bí thu
Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn - Ban Bí thư
Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam - https://www.tuyengiao.vn/