Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững

26/05/2022 - 02:41 PM
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển khá sôi động với khối lượng phát hành tiếp tục tăng cao và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để trái phiếu doanh nghiêp phát triển lành mạnh, bền vững, thực hiện tốt hơn vai trò của kênh huy động vốn trong nền kinh tế.
 
Những điểm nhấn và rủi ro tiềm ẩn
Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm tài chính do doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn nợ từ các nhà đầu tư để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Những năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước, trái phiếu ngân hàng quốc doanh, gần như chưa có sự góp mặt của trái phiếu doanh nghiệp tư nhân. Từ những năm 2010, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bắt đầu xuất hiện và được phát hành bởi các tổ chức lớn tín nhiệm khi một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam bắt đầu khởi động việc huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu. Do việc tăng vốn đầu tư từ nguồn vay ngân hàng không dễ dàng và phải chịu áp đặt nhiều quy định khắt khe, trong khi lãi suất khi vay qua trái phiếu thường rẻ hơn vay ngân hàng, nên nhu cầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ngày càng lớn theo thời gian và thị trường TPDN ngày càng trở lên sôi động. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thị trường TPDN đã có sự tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ - điều chưa từng xảy ra trước năm 2018. Năm 2021 được xem là năm “bùng nổ” của thị trường TPDN khi khung pháp lý điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều thay đổi quan trọng, nhằm tạo hành lang pháp lý để thị trường tăng trưởng bền vững. Cụ thể, Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán; sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng để phù hợp với tính chất của từng đợt chào bán; đồng thời quy định điều kiện chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chứng, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định nhằm gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK). Cũng có hiệu lực từ 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ, trình tự, thủ tục (điều 128-130) với DN không phải là công ty đại chúng. Cùng với đó là một loạt văn bản pháp luật liên quan đến thị trường TPDN được ban hành và có hiệu lực như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế;...

Theo báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021 của Công ty Cổ phần chứng khoán Việt Nam, giá trị TPDN phát hành cả năm 2021 ước đạt 623,6 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 34,9% so với năm 2020. Trong đó hình thức phát hành chủ đạo vẫn là phát hành riêng lẻ với 583,4 nghìn tỷ đồng (tăng 36,0%), chiếm 93,5% tổng giá trị TPDN và 40,2 nghìn tỷ đồng phát hành ra công chúng (tăng 19,3%). Không chỉ vậy, trái phiếu ra thị trường quốc tế cũng được phát hành với hàng tỷ USD.

Tài chính - Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành năm 2021, chiếm 42,0% tổng giá trị phát hành, tăng 83,8% so với năm 2020. Tiếp đến là nhóm ngành Bất động sản chiếm 34,8%, tăng 36,2%. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 4,9% và 18,4% tổng giá trị phát hành trong năm 2021, giảm 22,0% và 6,1%. Đáng chú ý, 2 doanh nghiệp có giá trị phát hành của 2 ngành Ngân hàng và Bất động sản lần lượt là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (27 nghìn tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Địa ốc No Va (14,1 nghìn tỷ đồng). Năm 2021, lãi suất phát hành có xu hướng giảm nhẹ, đồng pha với xu hướng giảm của lãi suất cho vay. Điều này cho thấy nhu cầu huy động vốn tăng, các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân) đã tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư, tìm kiếm những sản phẩm có mức sinh lời tốt hơn so với lãi suất tiết kiệm là TPDN trong bối cảnh lãi suất giảm và ổn định ở mặt bằng thấp và trái phiếu đã thể hiện là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
 
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững
Ảnh minh họa

Bước sang năm 2022, thị trường TPDN Việt Nam vẫn khá sôi động với khối lượng phát hành tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam quý I/2022 của VNDirect cho thấy, tổng giá trị TPDN phát hành đạt gần 45,4 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 48,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phát hành riêng lẻ gần 39,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 87% giá trị phát hành; phát hành ra công chúng gần 5,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 13%. Tỷ lệ phát hành thành công đạt 102,6%.

VNDirect nhận định, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ có xu hướng giảm dần qua các tháng trong quý I năm 2022, từ giá trị 27,1 nghìn tỷ đồng của tháng 1 xuống 8,2 nghìn tỷ đồng của tháng 2 và 4,2 nghìn tỷ đồng tháng 3. Điều này trái ngược với xu hướng tăng dần qua các tháng trong quý I năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực kể từ 15/01/2022, áp dụng các quy định chặt chẽ hơn dành cho các Tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc mua bán TPDN, cũng như nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành.

Trong 3 tháng đầu năm nay, nhóm ngành bất động sản đã vươn lên giành vị trí đầu tiên về giá trị phát hành riêng lẻ, với tỷ trọng 40,2% tổng giá trị phát hành trong quý I/2022, tương đương gần 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước). Đứng thứ hai là ngành xây dựng, chiếm tỷ trọng 34,8% tổng giá trị phát hành, tương đương hơn 13,7 nghìn tỷ đồng (tăng 119,2% do các doanh nghiệp xây dựng đang tăng tốc triển khai dự án hạ tầng và dân cư sau giai đoạn chậm lại do dịch bệnh trong năm 2021. Tài chính - Ngân hàng xếp ở vị trí thứ 3 với tỉ trọng 18,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 7,4 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 92,0% so với quý trước, nhưng vẫn tăng mạnh 68,1%. Các ngành khác (đã loại trừ ngành xây dựng) chiếm 6,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương gần 2,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” của thị trường TPDN trong năm 2021 vừa qua đã dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu“3 không”: Không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Theo báo cáo từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research), trong năm 2021, nhiều TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác, thậm chí là không có tài sản đảm bảo. Thị trường TPDN có tới gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, có năng lực tài chính yếu, thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Về phía nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, gần như đầu tư mang tính số đông. Không những vậy, dùng lãi suất cao làm mồi nhử, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu mượn danh, cố tình gắn tên ngân hàng để tạo sự tin tưởng với các nhà đầu tư trong khi thông tin trong sử dụng dòng tiền lại khá mập mờ. Thậm chí trong thời gian gần đây đã có một số vụ việc sai phạm, có dấu hiệu lừa đảo trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, điển hình là vụ án Tân Hoàng Minh. Điều này cho thấy, dòng tiền thu về từ trái phiếu không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ, thị trường TPDN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Bước sang năm 2022 thị trường TPDN Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có những bước phát triển với sự mở rộng về quy mô và đa dạng sản phẩm bởi nhiều yếu tố. Trong trung và dài hạn, với một nền kinh tế Việt Nam khá năng động với mức độ hội nhập cao, có nhu cầu đầu tư nền kinh tế vào cơ sở hạ tầng, các hoạt động sản xuất, thương mại lớn sau đại dịch thì nhu cầu huy động vốn phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn và phát hành trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Bên cạnh đó, với định hướng điều hành nhất quán của NHNN giữ mặt bằng lãi suất cho vay thấp hoặc thậm chí giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi sau đại dịch thì TPDN thực sự là miếng bánh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cá nhân bởi nhu cầu tìm kiếm khoản đầu tư thay thế các sản phẩm đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm hay trái phiếu chính phủ nhằm tìm kiếm một mức lãi suất tốt hơn.

Hơn nữa, sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới đang tạo một hành lang pháp lý để tạo nền móng cho thị trường TPDN phát triển ổn định, bền vững.

Tuy vậy, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Dù ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây, nhưng thị trường TPDN vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững hơn như: Triển vọng phục hồi kinh tế vẫn phụ thuộc vào sự phối hợp linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ cũng như độ bao phủ cao của vắc xin. Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ với các sản phẩm còn ít, chưa mang tính đồng bộ và quy chuẩn.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu
Trước những rủi ro tiềm ẩn và lo ngại sự mất an toàn của thị trường TPDN trong năm vừa qua, Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư và sớm có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường để xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo đã bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch cho thị trường TPDN cũng như giúp tăng chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Dự thảo đồng thời bổ sung nội dung về việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong năm 2022, giúp hoàn thiện và chuẩn hóa việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ giúp tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin tới nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành cũng như tăng cường sự công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét và mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, làm trong sạch thị trường TPDN, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật mới đây, ngày 11/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 311/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ, ngành trong việc thanh lọc, chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN.


Công điện số 311/CĐ-TTg và việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ phần nào làm chậm tốc độ phát hành tái phiếu của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây sẽ là những yếu tố giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Kỳ vọng rằng với một lành lang pháp lý chặt chẽ, thị trường TPDN Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và cân bằng hơn trong kỷ nguyên mới, xây dựng môi trường kinh doanh thực chất, thực hiện tốt hơn vai trò của kênh huy động vốn trong nền kinh tế, góp sức thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và hoàn thành các mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu phát triển đối với thị trường vốn giai đoạn 2021-2030./.
NCS. Nguyễn Thị Bình
Học viện Ngân hàng

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top