Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cương lĩnh chỉ đường cho khát vọng bảo vệ, xây dựng đất nước

31/08/2024 - 11:33 AM
Mùa thu tháng 9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại, nhà chính trị thiên tài từ trần trong niềm tiếc thương vô hạn của non sông, đất nước, của toàn thể dân tộc Việt Nam và những nhà yêu nước trên thế giới lúc bấy giờ. Trước khi ra đi, Người để lại cho các thế hệ mai sau bản di chúc với những lời dặn dò tâm huyết. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng của một vĩ nhân, được đúc kết từ lý tưởng thấm nhuần tư tưởng Mác - Lênin, từ thực tiễn đấu tranh và kinh nghiệm cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
 
Tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, tầm nhìn lỗi lạc gửi gắm trong Di chúc của Người
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 10/5/1069, được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc bấy giờ công bố lần đầu trong lễ tang của Người. Bản Di chúc thấm đậm tính nhân văn sâu sắc, phản ánh tình cảm chân thành và sự quan tâm đặc biệt của Người đối với từng lớp người trong xã hội, cũng như những suy tư, mong ước và hy vọng của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Từng câu, từng chữ trong bản Di chúc phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện những trăn trở và mong muốn cuối cùng của Người trước khi đi xa.
 
Mở đầu Di chúc, điều Người nhắn nhủ không phải cho bản thân mà là nỗi niềm về vận mệnh của đất nước. Đó vừa là lời khẳng định, vừa là lời động viên đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Cả cuộc đời Người đặt hết tâm huyết vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, Người dặn dò toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân của Người được thể hiện sâu sắc qua lời dự đoán về tương lai, vận mệnh của đất nước. Qua đó, thể hiện tầm nhìn ra trông rộng, trí tuệ sáng suốt, lỗi lạc của Người Cách mạng thiên tài - Vị lãnh tụ vĩ đại: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cương lĩnh chỉ đường cho khát vọng bảo vệ, xây dựng đất nước
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam
 
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến những vấn đề cốt lõi nhất, đảm bảo cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền. Trong đó nhấn mạnh những vấn đề chủ chốt trong công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".”
 
Người dành tình cảm đặc biệt cho nhân dân lao động cả nước, từ miền xuôi cũng như miền núi bao đời phải chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh nhưng vẫn anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù; tin tưởng đi theo và trung thành với Đảng. Vì vậy Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Đường lối cũng như sự vững mạnh của Đảng được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm nguyện: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình… các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Có thể nói, sức mạnh từ tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh xuyên suốt trong tư tưởng, đường lối của Đảng, được thể hiện rõ nét trong những lời căn dặn của Di chúc.
 
Riêng với bản thân mình, người chỉ có mong cầu giản dị. Nếu còn sống khi nước nhà thống nhất, Người mong muốn sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý. Đồng thời, đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam. Nhân cách lớn trong con người bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giản dị đến những giây phút cuối cùng với lời căn dặn trong lễ tang của Người “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

“…Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
 
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
 
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
 
Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/5/1969.

Thực hiện di nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh - đất nước vươn lên với khát vọng hùng cường
 
Trong suốt 55 năm kể từ mùa thu đau thương và bi tráng 1969, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như cương lĩnh soi đường chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Lời tiên đoán của Người lãnh tụ vĩ đại đã trở thành sự thật. 6 năm sau Di chúc của Người, đất nước thu về một cõi, Bắc - Nam sum họp một nhà sau chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày 30/4/1075. Cả nước tự hào hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”.
 
Gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Việt Nam hôm nay là đất nước “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”. Việt Nam đã, sẽ và đang tiếp tục sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước “giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Di chúc của Người như Cương lĩnh soi đường chỉ lối cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân. Toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng đất nước phát triển đi lên và hội nhập. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”.
 
Trong thời kỳ đổi mới, quy mô GDP của nước ta không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong số 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Từ nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu với thặng dư cao; tổng kim ngạch thương mại cả nước năm 2023 đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD. Đồng thời, từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đảm bảo được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy, thu hút đầu tư của 146 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện trên 40,5 nghìn dự án, với số vốn lũy kế đạt 484,77 tỷ USD.
 
Bên cạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, để xây dựng đất nước giàu mạnh, thấm nhuần lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa. Các chủ trương, chính sách được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, v.v... đã góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo hướng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, để lại dấu ấn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tham gia nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như: ASEAN, Liên Hợp Quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP, FTA…  Đồng thời, ủng hộ mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào các phong trào hòa bình thế giới. Tăng cường hợp tác, kết nối trên tình thần cùng phát triển; tích cực tham gia các cam kết quốc tế về bảo vệ hòa bình, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
 
Những thành tựu đạt được của Việt Nam hôm nay là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, nghiêm túc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi đường chỉ lối, truyền ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại để các thế hệ mạnh mẽ đi lên, kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc Việt Nam./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top