Thống kê từ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số lượng người di cư quốc tế đã tăng mạnh trong khoảng 5 thập kỷ qua. Đây là hiện tượng phổ biến, mang tính lịch sử diễn ra trong suốt quá trình phát triển của nhân loại với các yếu tố tác động đến từ quá trình tương tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, các vấn đề mang tính toàn cầu sẽ có những tác động không nhỏ đến tình trạng di dân giữa các quốc gia trên thế giới.
Thực trạng di cư quốc tế hiện nay
Di cư quốc tế hiện nay đã trở thành vấn đề đáng quan tâm của cộng đồng thế giới, nhất là đối với các quốc gia có lượng người xuất cư và nhập cư cao. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thống kê số lượng người di cư quốc tế, từ năm 2000, Tổ chức di cư quốc tế đã đưa ra các báo cáo về di cư nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về tình trạng di cư trên toàn thế giới. Theo đó, Báo cáo di cư quốc tế 2022 cho biết, năm 2020, thế giới có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế, chiếm khoảng 3,6% dân số toàn cầu. Con số này nhiều hơn 128 triệu người so với năm 1990 và gấp 3 lần con số thống kê của năm 1970.
Sự gia tăng người di cư quốc tế đã thể hiện rõ ràng theo thời gian, cả về số lượng và tỷ lệ với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán trước đây. Châu Âu và châu Á là 2 khu vực được cộng đồng người di cư quan tâm nhiều nhất, mỗi khu vực tiếp nhận lần lượt khoảng 87 và 86 triệu người di cư quốc tế, chiếm khoảng 61% tổng lượng người di cư toàn cầu. Đứng thứ 3 là khu vực Bắc Mỹ với 58,7 triệu người di cư quốc tế, chiếm 21% tổng lượng di cư toàn cầu, châu Phi là 25,4 triệu người, chiếm 9%, châu Mỹ Latinh và Caribe 14,8 triệu người, chiếm 5%, còn lại là châu Đại Dương với 9,38 triệu người, chiếm 3%.
Ảnh minh họa, nguồn internet
So sánh với quy mô dân số của từng khu vực, tỷ trọng người di cư quốc tế vào năm 2020 cao nhất ở châu Đại Dương, Bắc Mỹ và châu Âu, chiếm lần lượt là 22%, 16% và 12% tổng dân số. Trong khi đó, tỷ lệ người di cư quốc tế so với quy mô dân số ở châu Á và châu Phi tương đối nhỏ, khoảng 1,8% và 1,9%, khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe là 2,3%. Tuy nhiên, châu Á hiện có mức tăng trưởng đáng kể về số lượng người di cư quốc tế so với các quốc gia. Trong vòng 10 năm từ năm 2000-2020, tỷ trọng người di cư quốc tế của châu Á đã đạt mức tăng 74% (tính theo số liệu tuyệt đối khoảng 37 triệu người). Châu Âu có mức tăng trưởng lớn thứ 2 trong giai đoạn này với sự gia tăng 30 triệu người di cư quốc tế; tiếp theo là Bắc Mỹ gia tăng 18 triệu người và châu Phi tăng 10 triệu người. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất là đất nước đứng thứ 6 trên tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng nhập cư ở mức 8 triệu người. Tuy nhiên so tỷ lệ người nhập cư trên tổng dân số thì đất nước này đứng ở vị trí thứ nhất do dân số nhập cư của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chiếm khoảng 88% trên tổng dân số.
Bên cạnh những con số thống kê chính thống, lượng người di cư quốc tế có thể chiếm tỷ lệ cao hơn nữa do vấn đề di cư bất hợp pháp đang có chiều hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây. Năm 2021, chỉ riêng số lượng người di cư bất hợp pháp đã đến các nước Liên minh châu Âu (EU) là gần 200 nghìn người, tăng 57% so với năm 2021, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2017. Phần lớn người di cư bất hợp pháp đã mạo hiểm cả tính mạng để dấn bước vào hành trình di cư với mong muốn chạy trốn khỏi vòng xoáy xung đột chính trị và nghèo đói nơi quê nhà. Chính vì vậy, những người di cư quốc tế bất hợp pháp thường gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, thậm chí phải đối mặt với các thảm kịch như chìm xuồng, đắm tàu… khi di chuyển bằng đường biển, hay phải sống trong cảnh“màn trời chiếu đất”, thiếu thốn thuốc men, lương thực và mắc kẹt dài ngày ở các khu vực biên giới. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng di cư cũng được coi là nguyên nhân gây chia rẽ các quốc gia một cách sâu sắc và dai dẳng.
Số lượng người di cư quốc tế tăng lên cũng được phản ánh thông qua sự gia tăng về tổng lượng kiều hối quốc tế. Đó là những chuyển khoản tài chính hoặc hiện vật do người di cư thực hiện trực tiếp cho gia đình hoặc cộng đồng ở quốc gia xuất xứ của họ. Dựa trên các số liệu thống kê chính thức về kiều hối quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WorldBank) nhận định, sự gia tăng tổng thể về lượng kiều hối trong những thập kỷ gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 126 tỷ đô la năm 2000 lên 702 tỷ đô la vào năm 2020. Mặc dù tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến di cư toàn cầu nhưng sự sụt giảm lượng kiều hối trong năm 2020 chỉ giảm nhẹ (2,4%) so với Tổng số toàn cầu năm 2019. Tuy nhiên, các dữ liệu trên chưa bao gồm dòng tiền không được ghi chép qua các kênh chính thức hoặc không chính thức, do đó, quy mô thực tế của lượng kiều hối toàn cầu có thể lớn hơn các con số được đưa ra.
Theo Báo cáo Di cư quốc tế 2022 của IOM, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines và Ai Cập (theo thứ tự giảm dần) là năm quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu với tổng lượng kiều hối lần lượt trên 83 tỷ USD và 59 tỷ USD. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập cao hầu như luôn là nguồn cung cấp kiều hối chính. Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ liên tục là quốc gia gửi kiều hối hàng đầu, với tổng số tiền gửi ra là 68 tỷ USD vào năm 2020, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (43,2 tỷ USD), Ả Rập Xê Út (34,6 tỷ USD), Thụy Sĩ (27,96 tỷ USD), và Đức (22 tỷ USD).
Di cư quốc tế chịu tác động mạnh từ những yếu tố toàn cầu
Có nhiều nguyên nhân được cho là có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cũng như số lượng người di cư quốc tế, bao gồm các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội. Hiện tượng di cư quốc tế cũng được định hình bởi các yếu tố về địa lý, nhân khẩu học và một vài yếu tố khác dẫn đến các mô hình di cư khác biệt. Các chuyên gia cho rằng, chất lượng cuộc sống tổng thể của một quốc gia và khả năng tiếp cận thị thực cũng là một trong những yếu tố tác động lên số lượng và định hình nên hành lang di cư quốc tế hiện nay. Đồng thời, việc tiếp cận thị thực cũng phản ánh một cách rộng rãi tình trạng và mối quan hệ của một quốc gia trong cộng đồng quốc tế và cho biết mức độ ổn định, an toàn và thịnh vượng của quốc gia đó trong mối quan hệ với các quốc gia khác, do đó khả năng nhập cảnh của một cá nhân dễ hay khó ít nhiều phụ thuộc vào quốc tịch của người đó.
Đối mặt với nhiều vấn đề về thị thực, nhiều quốc gia hiện đã có những chính sách thu hút người di cư quốc tế do nhu cầu về lao động và mục tiêu phát triển kinh tế bằng cách nới lỏng chế độ pháp luật, tạo thuận lợi cho chính sách nhập cư và tái nhập cư. Tại một số quốc gia, quy chế mang 2 quốc tịch được thực hiện đã mang lại lợi ích cho cả người di cư và nhập cư khi họ được đối xử như những công dân thực sự.
Ở một khía cạnh khác, các chỉ số về mức độ phát triển của con người cũng có những ảnh hưởng nhất định đến hình thái di cư quốc tế. Công dân từ các quốc gia có trình độ phát triển con người cao có thể đi du lịch miễn thị thực đến khoảng 85% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhật Bản hiện đang đứng đầu danh sách 193 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người dân có khả năng di chuyển giữa các quốc gia cao nhất với chỉ số phát triển con người là 0,919. Tiếp theo là Singapore, Đức, Hàn Quốc, Phần Lan, Luxembourg, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch… Ngược lại, một số nhóm quốc gia có trình độ phát triển con người thấp hơn thường ít có khả năng tiếp cận thị thực và các thỏa thuận miễn thị thực hơn nhiều so với các quốc gia kể trên.
Bên cạnh đó, chiến tranh, xung đột cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến di cư quốc tế. Điển hình là các xung đột chính trị giữa các quốc gia đã khiến cho số lượng người di cư để chạy trốn chiến tranh và ngược đãi liên tục gia tăng. Báo cáo của Cao uỷ Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, tới cuối năm 2020, có tới 82,4 triệu người đang sống trong cảnh tị nạn, xin tị nạn hoặc phải sơ tán, tăng hơn 2 lần so với con số khoảng 40 triệu người trong năm 2011. Số người di cư trên toàn cầu đã tăng khoảng 3 triệu trong năm 2020, đưa tổng số người phải rời bỏ nhà cửa lên tới 1% dân số toàn thế giới. Các cuộc xung đột kéo dài tại một số quốc gia như Syria, Afghanistan, Somalia, Yemen vẫn đang khiến người dân phải rời bỏ quê hương, đồng thời bạo lực bùng nổ tại Ethiopia và Mozambique cũng đang góp phần làm gia tăng tình trạng di cư.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới từ năm 2020 cũng đã trở thành một trong những yếu tố gây tác động mạnh đến di cư quốc tế. Năm 2020, dù dòng người di cư quốc tế vẫn tăng 11 triệu người so với năm 2019 bất chấp tác động của đại dịch nhưng con số này ước tính có thể tăng thêm 2 triệu người nữa nếu như không có việc các quốc gia áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thắt chặt kiểm soát đi lại qua biên giới. Nói cách khác, dịch bệnh Covid-19 được coi là nguyên nhân chính gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động di cư và đi lại trên toàn thế giới đặc biệt là trong khoảng tháng 3-4/2020. Theo báo cáo của IOM, chỉ riêng trong năm 2020, năm đầu tiên của dịch bệnh Covid-19, toàn thế giới đã có khoảng 108 nghìn lệnh hạn chế đi lại đã được áp đặt, số lượt khách đi máy bay trên toàn cầu đã giảm khoảng 60%, từ 4,5 tỷ người năm 2019 xuống 1,8 tỷ người năm 2020. Cũng trong năm này, đã có ít nhất 164 nước đóng cửa biên giới do dịch Covid-19 và hơn một nửa không chấp nhận người tị nạn và di cư. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người và làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có đối với những người phải di cư và những người không quốc tịch. Đứng trước những khó khăn do đại dịch, lao động di cư thường là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng do họ thường phải làm những công việc tạm thời, phi chính thức và không được bảo vệ. Họ dễ dàng bị cho nghỉ việc, gặp khó khăn trong việc tiếp cận để được chữa trị, ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội.
Bên cạnh các yếu tố kể trên, cuộc cách mạng về công nghệ truyền thông, những tiến bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải giúp việc đi lại dễ dàng hơn và chủ nghĩa toàn cầu đang nổi lên cùng những thay đổi trong quan niệm về nhân quyền với các chương trình trợ giúp nhân đạo cũng có thể coi là điều kiện tác động đến sự phát triển của di cư quốc tế theo chiều hướng tích cực hơn. Các quốc gia ngày càng có ý thức hơn trong việc hợp tác quản lý di cư và khai thác lợi ích cũng như giảm thiểu những mặt hạn chế mà hoạt động di cư quốc tế mang lại. Sự góp sức của các tổ chức quốc tế ở cấp độ toàn cầu như Tổ chức Lao động quốc tế ILO, IOM, UNHCR… đã giúp người di cư được tiếp cận những chương trình trợ giúp nhân đạo.
Ngày nay, những tác động phức tạp của bối cảnh thế giới đối với di cư quốc tế là không thể đo lường được, tuy nhiên, những dữ liệu thống kê về di cư quốc tế có thể giúp hiểu rõ hơn về các đặc điểm chính, nguyên nhân, hệ quả của hoạt động này. Cùng với đó, thế giới vẫn không ngừng kêu gọi các nhà lãnh đạo và những người có ảnh hưởng gạt sang một bên các bất đồng, chấm dứt cách tiếp cận ích kỷ và thay vào đó tập trung vào ngăn chặn và giải quyết xung đột và đảm bảo tôn trọng nhân quyền để tránh những thảm kịch vẫn đang xảy ra với cộng đồng người di cư quốc tế./.
Minh Hà