Điểm mới và những vấn đề cần lưu ý khi tiến hành điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

16/09/2019 - 03:02 PM
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ được tiến hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 đến ngày 31 tháng 10 năm 2019 theo Quyết định số 593/QĐ-TCTK ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là lần thứ hai Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức cuộc điều tra này (cuộc điều tra trước đó được tiến hành vào tháng 8 năm 2015). Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.


Một số điểm mới 

So với cuộc điều tra lần trước, Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 (Điều tra 53 dân tộc 2019) có một số điểm mới sau đây:

(1) Ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của điều tra. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của cuộc Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm nay. Theo Phương án điều tra được ban hành kèm theo Quyết định 593/QĐ-TCTK, điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 chủ yếu sử dụng hình thức thu thập thông tin với sự trợ giúp của thiết bị điện tử di động, gọi tắt là CAPI (computer - assisted personal interviews).

Thực tế áp dụng hình thức thu thập thông tin bằng CAPI trong các cuộc điều tra mẫu vài năm gần đây và mới nhất là trong Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 cho thấy, việc sử dụng thiết bị điện tử di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh để thu thập thông tin sẽ làm tăng chất lượng dữ liệu, do kiểm soát được các lỗi lô - gic trong quá trình thu thập thông tin, giám sát được việc điều tra viên thống kê đến hộ phỏng vấn; bên cạnh đó tiết kiệm được thời gian hoàn thành phiếu điều tra, rút ngắn thời gian xử lý và công bố dữ liệu (do không phải làm sạch phiếu và nhập tin). Phương pháp này sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí lớn để in phiếu giấy, thuê người nhập tin và các chi phí liên quan khác.

Song song với hình thức thu thập thông tin bằng CAPI, điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cũng sẽ áp dụng hình thức điều tra qua Internet (gọi tắt là Webform). Đây là phương pháp điều tra gián tiếp và được áp dụng đối với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

(xã/phường) thuộc diện điều tra (các xã/phường thuộc khu vực I, II, III theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và các xã không thuộc khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số). Đại diện Ủy ban nhân dân xã/phường sẽ được cung cấp tài khoản và mật khẩu để vào Trang Web điều tra và chủ động được thời gian để trả lời thông tin trên phiếu hỏi. 

Áp dụng hình thức thu thập thông tin bằng CAPI và Webform là một bước tiến trong cải tiến phương pháp điều tra thống kê, giúp nâng cao chất lượng số liệu, giảm thời gian xử lý và công bố kết quả và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thống kê trên thế giới và trong khu vực. 

Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm nay cũng áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành thông qua việc xây dựng Trang Web điều hành tác nghiệp. Tất cả các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý và giám sát cuộc điều tra từ giai đoạn chuẩn bị đến công bố kết quả sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin, tối giản hóa các khâu công đoạn của điều tra, đồng thời đảm bảo việc nâng cao chất lượng thông tin. 

(2) Cải tiến thiết kế mẫu điều tra

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số là cuộc điều tra mẫu.

Giống như tất cả các cuộc điều tra mẫu, việc thiết kế mẫu đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến mức độ đại diện và chính xác của các chỉ tiêu thống kê suy rộng, cũng như công tác tổ chức, triển khai thu thập thông tin tại địa bàn. Mẫu của điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được thiết kế nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu thống kê suy rộng đến cấp huyện của các dân tộc thiểu số chính trong huyện cũng như các dân tộc thiểu số ít người. Đây là yêu cầu mới so với cuộc điều tra năm 2015, khi thiết kế mẫu đảm bảo tính đại diện của các dân tộc thiểu số chỉ đến cấp tỉnh.

Do lợi thế sẵn có thông tin về tổng số người dân tộc thiểu số từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nên quy trình và chất lượng chọn mẫu của điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, việc nghiên cứu và thiết kế mẫu của điều năm nay cũng nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thông qua việc cử chuyên gia quốc tế về thiết kế mẫu đến Tổng cục Thống kê cùng trao đổi và thiết kế mẫu cho cuộc điều tra này. 

Mẫu điều tra của điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện chọn địa bàn điều tra và giai đoạn 2 thực hiện chọn hộ điều tra. Bên cạnh đó, một số địa bàn điều tra đặc biệt sẽ thực hiện điều tra toàn bộ (thay vì chọn hộ mẫu trong địa bàn), bao gồm các địa bàn sau:

- Địa bàn điều tra có các hộ dân tộc thiểu số dưới 10 người;

- Địa bàn điều tra không có dân tộc chủ đạo (dân tộc chủ đạo là dân tộc có từ 50% số người thuộc dân tộc đó trở lên trên tổng số người dân tộc thiểu số trong địa bàn điều tra);

- Địa bàn điều tra thuộc huyện có ít người dân tộc thiểu số;

- Địa bàn điều tra có dưới 30 hộ dân tộc thiểu số (đối với các địa bàn yêu cầu chọn mẫu 30 hộ) hoặc dưới 40 hộ dân tộc thiểu số (đối với các địa bàn yêu cầu chọn mẫu 40 hộ).

Theo đó, thực hiện điều tra tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại 440 huyện và tại 5.464 xã. Tổng số địa bàn điều tra được chọn là 14.659 địa bàn. Tổng số hộ được chọn điều tra là 540.740 hộ (trong đó 123.060 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ; 298.680 hộ/1.002.902 hộ thuộc địa bàn điều tra 30 hộ mẫu và 119.060 hộ/226.264 hộ thuộc địa bàn điều tra toàn bộ). 

(3) Kết nối dữ liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Một trong những điểm mới khác nữa. Có khoảng hơn 20 trường dữ liệu từ kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kết nối với chương trình điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Các thông tin này được kiểm tra, đối chiếu trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn của điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 và được sử dụng để tổng hợp số liệu và phân tích báo cáo kết quả điều tra.

Việc kết nối thông tin giúp nâng cao chất lượng số liệu của điều tra và giảm bớt thời gian để thu thập các thông tin đã có sẵn. Đây cũng là lần đầu tiên ngành Thống kê thực hiện kết nối chuỗi dữ liệu mảng (panel data) ngay trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn giúp thuận tiện cho quá trình điều tra, nâng cao chất lượng thông tin.

Những vấn đề cần lưu ý khi tiến hành Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

Để tổ chức thành công Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cần lưu ý các nội dung sau:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt, trong đó tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc điều tra tới các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền tại địa phương; động viên sự tham gia tích cực của các hộ dân cư để cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin của cuộc điều tra.

Một trong những khó khăn nhất đối với tất cả các cuộc điều tra thống kê nói chung, cũng như cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 nói riêng là việc tiếp cận được hộ cũng như đối tượng phỏng vấn, bên cạnh đó là sự hợp tác và sẵn sàng trả lời thông tin. Để khắc phục được những khó khăn này, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Hoạt động tuyên truyền cần được thực hiện trước và trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn điều tra, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để phù hợp với từng địa phương như thông qua Đài phát thanh, truyền hình, băng zôn, loa phát thanh xã/phường, họp dân.....

(2) Tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát, cập nhật địa bàn điều tra 

Các địa bàn điều tra được chọn từ dàn mẫu của Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2019, địa bàn điều tra ở tại một số địa phương có sự thay đổi như địa bàn giải tỏa, xây dựng thêm khu dân cư mới,.... Do vậy, các địa phương cần rà soát địa bàn điều tra trước khi thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn nhằm cập nhật thông tin và tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thu thập thông tin tại địa bàn điều tra, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng số liệu.

(3) Tuyển chọn lực lượng điều tra 

Lực lượng tham gia điều tra bao gồm Điều tra viên thống kê, Tổ trưởng, Giám sát viên các cấp. Việc tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia điều tra cần đảm bảo đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng.

Như đã đề cập ở phần trên, một trong những thay đổi lớn nhất của cuộc điều tra năm nay đó là sử dụng CAPI, vì vậy việc tuyển chọn lực lượng tham gia, đặc biệt là tuyển chọn điều tra viên thống kê, ngoài những tiêu chuẩn chung của một điều tra viên thống kê, cần phải có thiết bị điện tử di động và sử dụng thành thạo thiết bị đó để thu thập thông tin (đây là yêu cầu bắt buộc). Trên thực tế, có nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra, vì vậy công tác này cần được ưu tiên và chủ động triển khai sớm.

Lực lượng tham gia điều tra cần được tập huấn kỹ về nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tập huấn kỹ quy trình, quy định của điều tra và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.

Tập huấn và sử dụng Trang Web điều hành tác nghiệp cho các cấp giám sát nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác điều hành, giám sát điều tra trên nền tảng công nghệ thông tin. 

(4) Quá trình thu thập thông tin và hoàn thiện dữ liệu 

Quá trình thu thập thông tin cũng đồng thời là quá trình kiểm tra và hoàn thiện dữ liệu. Do vậy, các cấp giám sát cần thực hiện ngay quá trình kiểm tra và hoàn thiện dữ liệu điều tra trên Trang Web điều hành tác nghiệp ngay trong thời gian điều tra viên thống kê đang thu thập thông tin tại địa bàn. Đây là một điểm cần đặc biệt lưu ý, rút kinh nghiệm từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm đảm bảo tính chính xác của số liệu và tính kịp thời của cuộc điều tra./.

TS. Vũ Thị Thu Thủy
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top