Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu nông sản Việt Nam được đánh giá là “điểm sáng” của ngành Nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, cao su… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu và được đặt nhiều kỳ vọng trong chặng đường cuối năm.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực tăng
Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn năm nay, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn Ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Báo cáo kinh tế -xã hội 9 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân và hè thu đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,13%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,56%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Ảnh minh họa
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 700 triệu USD, tăng 129,7%; gạo đạt 433 triệu USD, tăng 27%; hạt điều đạt 328 triệu USD, tăng 25,7% (lượng tăng 37,8%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 134 triệu USD, tăng 30,3% (lượng tăng 17,5%). Tuy nhiên, do các tháng đầu năm, xuất khẩu giảm sâu, nên tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, nhóm hàng nông sản, lâm sản vẫn đạt kết quả khá tích cực, ước đạt 22,97 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ như: Rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% lần so với cùng kỳ năm 2022; gạo với sản lượng 7,1 triệu tấn, đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, tăng 14,8%. Sản phẩm chăn nuôi dù xuất khẩu chưa nhiều nhưng cũng tăng 22%.
Về thị trường xuất khẩu nông sản 10 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm, hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành cho lâm nghiệp và thủy sản sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành. Tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã giải ngân được 5.500 tỷ đồng và con số này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều trong những tháng tiếp theo. Các ngành này sẽ có thêm nguồn tài chính để doanh nghiệp dự trữ nguyên liệu, tăng cường chế biến, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm là những tín hiệu khả quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Mặt khác, quý IV hằng năm là “mùa vàng” cho kinh doanh xuất khẩu, nên doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đang tận dụng tối đa khoảng thời gian này để chốt đơn hàng, đẩy nhanh sản xuất, giao hàng đúng hẹn.
Với mục tiêu cán đích xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD trong năm 2023, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng có thế mạnh để bứt phá ở giai đoạn cuối năm. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… đang có nhiều lợi thế tăng tốc xuất khẩu. Đây đều là các mặt hàng nằm trong “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD, nên được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện đáng kể kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành Nông nghiệp năm 2023.
Tận dụng cơ hội thị trường dịp cuối năm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với đà phục hồi như hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý IV/2023 sẽ được đẩy mạnh tăng trưởng bằng nhiều giải pháp và mục tiêu xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt khoảng 54 - 55 tỷ USD trong năm 2023 là hoàn toàn khả quan.
Những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ nông sản thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo cơ hội cho nhiều ngành hàng gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Ðáng kể nhất chính là ngành hàng rau quả. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong 3 quý đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao ở hầu hết các chủng loại hàng hóa. Trong đó điển hình là trị giá xuất khẩu trái sầu riêng tăng mạnh và liên tục ghi nhận ở mức cao.
Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt 1,28 tỷ USD, tăng 708,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng chính của Việt Nam. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, theo tín hiệu thị trường, giá và sản lượng sầu riêng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc vẫn được dự báo còn tăng mạnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sầu riêng Việt Nam là phải xây dựng được các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước để ổn định năng suất, chất lượng, đáp ứng đúng, đủ quy định của các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh sầu riêng, các mặt hàng rau quả khác như: mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh từ 45-150% so cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong quý IV/2023, xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục có cơ hội gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa lễ hội, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu còn nhiều. Dự kiến, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể vượt con số 5 tỷ USD.
Cùng với rau quả, gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều cũng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt kim ngạch khoảng 9,2-9,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp thủy sản cũng đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung để đón “làn sóng” tiêu dùng thủy sản quay trở lại vào dịp cuối năm sau khi một số nền kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, hàng tồn kho thủy sản của nhiều thị trường cũng đã cạn, đẩy nhu cầu nhập khẩu lên cao.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ mức cao cũng tạo lực đẩy mạnh mẽ cho ngành hàng này tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu với mục tiêu mới là hơn 4 tỷ USD cho cả năm 2023. Cuối tháng 10/2023, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại Trung Quốc nhằm tìm hiểu hệ thống và cách thức phân phối, bán lẻ và tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó xây dựng phương thức thâm nhập trực tiếp, gia tăng thị phần tại thị trường tiềm năng này.
Về vấn đề hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ chung cho các mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu... Trong đó, tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới./.
Thu Hường