Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam có diện tích rừng tương đối lớn với 419.894 ha; Trong đó, diện tích rừng tự nhiên 413.420 ha, diện tích rừng trồng 6.474 ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 44,01%. Phần lớn diện tích rừng ở Điện Biên là rừng đầu nguồn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, đặc biệt là duy trì nguồn nước, điều hòa nguồn động năng cho sản xuất thủy điện và tạo sinh kế cho người dân địa phương...
Qua hơn 12 năm (2012-2024) triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng. Đồng thời, tạo bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp, tạo ra cơ chế tài chính mới, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR như: nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp...
Rừng trồng Keo tai tượng thuộc rừng sản xuất tại xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng
Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Điều đáng nói, việc áp dụng chính sách chi trả DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của Tỉnh thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), UBND các xã, thị trấn được giao quản lý rừng.
Tổ chức lớp tập huấn thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Điện Biên
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác bảo vệ và phát triển rừng những năm qua được các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trên địa bàn quan tâm và thực hiện hiệu quả nên số vụ vi phạm lâm luật như phát, phá, lấn chiếm đất rừng giảm đáng kể. Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng gần như không xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Có thể thấy rằng, công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Qua đánh giá của các địa phương trong Tỉnh cho thấy, có rất nhiều cộng đồng dân cư, thôn bản đã sử dụng hiệu quả tiền DVMTR cho phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều thôn bản đã có nhà văn hóa khang trang, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn để bà con đi lại được thuận tiện và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng chi trả tiền DVMTR
cho người dân
Về công tác chi trả DVMTR: Đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tiến hành rà soát, thống nhất diện tích có cung ứng DVMTR với các bên liên quan và các chủ rừng, từ đó xác định được tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2023 trên địa bàn toàn Tỉnh là 408.259,04 ha (tăng thêm 3.805,48 ha so với năm 2022); trong đó, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR năm 2023 xấp xỉ là 316.360 ha. Tính đến ngày 14/8/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tổ chức chi trả tổng số tiền DVMTR năm 2023 là 207.121 triệu đồng, đạt 97,5% tổng số tiền phải chi trả cho các chủ rừng; trong đó, thanh toán tiền tạm ứng cho các chủ rừng lưu vực Sông Đà cuối năm 2023 là 80.767 triệu đồng; chi trả tiền năm 2023 cho các chủ rừng toàn Tỉnh trong năm 2024 là 126.354 triệu đồng với tổng số 3.979/5.043 chủ rừng (hiện còn 1.064 chủ rừng chưa đảm bảo về hồ sơ, thủ tục để nhận tiền).
Trao 99 thùng phân loại rác cho các trường THCS trên địa bàn huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 12 số trên sóng truyền hình và 12 số trên sóng phát thanh; với Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, các báo xây dựng 25 chuyêm mục, 06 video phóng sự, 52 bài, 66 tin. Viết 70 tin, 12 bài đăng trên trang thông tin điện tử của Quỹ, thường xuyên đăng các video, bài viết tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, các hoạt động của Quỹ trên các trang mạng xã hội. Tổ chức 01 Hội thi “Tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” cho các cộng đồng, chủ rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR trên địa bàn xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ; 03 Hội thi vẽ tranh với chủ đề “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng em đến trường” cho học sinh 03 trường THCS trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ...
Thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR rừng ngày càng phát huy hiệu quả và thiết thực hơn đối với người dân, theo ông Trần Xuân Tâm, tỉnh Điện Biên cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp Nhân dân để mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đôn đốc, thu tiền DVMTR để đảm bảo không có đơn vị chậm nộp hoặc chây ỳ dẫn tới thiếu hụt nguồn thu. Đồng thời, tiếp tục rà soát các diện tích rừng đủ điều kiện được hưởng chính sách chi trả DVMTR để đưa vào diện chi trả đảm bảo đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương và từng bước thực hiện tốt công tác xã hội hóa lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên...
Hội nghị Tổng kết công tác thi đua năm 2023, ký kết giao ước thi đua năm 2024 của Cụm thi đua
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Tây Bắc tại Điện Biên
Với phương châm "Lấy rừng để nuôi rừng”, có thể thấy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Điện Biên trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, huy động được các nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã tạo động lực quan trọng, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên để từ đó động viên người dân thêm gắn bó với rừng./.
Trọng Nghĩa